Xung quanh vụ tranh chấp đất đai tại thôn 3, xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc)

Báo Thanh Hóa nhận được đơn của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thường, bà Trịnh Thị Dương, thôn 3, xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc) khiếu nại về việc cắm mốc giới sử dụng đất không căn cứ vào nguồn gốc thửa đất, dẫn đến việc gia đình ông bà bị mất 1m đất theo chiều ngang mặt đường.

Khu vực thửa đất xảy ra tranh chấp nằm đối diện trụ sở UBND xã Vĩnh Hưng. Ảnh: V.H

Theo nội dung đơn khiếu nại và trình bày của ông Thường, năm 1992, ông Trịnh Lang Liêu (anh trai bà Dương) cùng 3 hộ dân khác trong xã, gồm: Trần Đức Tùng, Trịnh Đình Tục, Vũ Văn Hợi nộp cùng mức tiền là 1,2 triệu đồng/lô để mua 4 lô đất có chiều dài và rộng như nhau với diện tích 300m2/lô (25m chiều dài và 12m chiều rộng bám mặt đường) và được giao đất liền kề nhau. Năm 1994, các hộ mua đất được UBND huyện Vĩnh Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đều có diện tích như nhau và sử dụng ổn định, bảo vệ mốc giới đã hơn 30 năm, không có tranh chấp.

Đến năm 2000, ông Liêu giao thửa đất cho ông Thường quản lý, sử dụng nhưng chưa làm hồ sơ chuyển nhượng. Sau khi nhận quản lý, sử dụng thửa đất của ông Liêu, gia đình ông Thường và gia đình ông Tục còn thống nhất xây chung tường rào làm mốc giới ngăn cách thửa đất giữa 2 hộ với hộ ông Kiên liền kề.

Năm 2017, ông Thường, bà Dương mới làm hồ sơ nhận chuyển nhượng lô đất trên từ ông Liêu và được UBND huyện Vĩnh Lộc công nhận, cấp GCNQSDĐ số CG 286989 tại thửa 402, tờ bản đồ số 14, diện tích 318m2 (đất ở 200m2, đất trồng cây lâu năm 118m2). Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trên các giấy tờ về sử dụng đất chỉ thể hiện diện tích và số thửa, mà không thể hiện số đo các cạnh thửa đất.

Năm 2022, khi UBND xã Vĩnh Hưng thực hiện cắm mốc sử dụng đất cho gia đình ông Trịnh Đình Tục, thì giao sang phần đất của ông Thường 1m theo chiều ngang mặt đường so với mốc giới thửa đất đã có cách đây nhiều năm. Điều này dẫn đến tranh chấp và đơn thư khiếu nại của gia đình ông Thường.

Ông Thường bức xúc: “Tháng 5-2022, cán bộ xã Vĩnh Hưng có gọi điện cho tôi đem GCNQSDĐ lên xã để kiểm tra. Cán bộ xã nói là GCNQSDĐ không thể hiện cạnh chiều dài, chiều rộng nên không có cơ sở chứng minh thửa đất của gia đình có chiều rộng mặt đường là 12m. Sau đó, anh vợ tôi là Trịnh Lang Liêu là chủ thửa đất từ năm 1992-2017 đã xin giấy xác nhận của nguyên cán bộ địa chính, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng thời điểm năm 1992 - là những người trực tiếp chỉ đạo việc cấp đất, thu tiền đất của các hộ thời bấy giờ và họ đều xác nhận 4 hộ mua đất được cấp đất cùng thời điểm, có diện tích bằng nhau và có chiều rộng mặt đường là 12m. Vụ việc chưa được làm sáng tỏ thì giữa tháng 6-2022, UBND xã mời gia đình tôi, gia đình ông Liêu lên làm việc và thông báo là căn cứ vào bản đồ địa chính năm 2002, lấy 1m đất mặt đường của gia đình tôi chuyển cho gia đình ông Tục. Gia đình tôi không nhất trí với cách giải quyết đó nhưng cán bộ xã vẫn chỉ đạo cắm mốc chuyển cho ông Tục thêm 1m đất chiều rộng, vậy là hộ ông Tục có 13m, gia đình tôi chỉ còn 11m mặt đường, như vậy là rất thiệt thòi cho gia đình”.

Tìm hiểu thực tế tại thôn 3, xã Vĩnh Hưng, các lô đất mà ông Thường phản ánh trong đơn nằm trên trục tỉnh lộ 522C, đối diện với trụ sở UBND xã Vĩnh Hưng. 4 thửa đất được nêu trong đơn, có một số thửa đất đã xây dựng nhà ở ổn định; một phần thửa đất của gia đình ông Tục (5m chiều ngang bám mặt đường) đã chuyển nhượng cho hộ ông Trịnh Văn Thoa xây dựng nhà ở, phần đất còn lại hiện chưa sử dụng; thửa đất nhà ông Thường cũng chưa sử dụng. Tại thực địa, gia đình ông Tục đã xây bờ bao ngăn cách đất giữa 2 gia đình theo mốc giới mà UBND xã Vĩnh Hưng đã bàn giao.

Tìm hiểu sự việc tại UBND xã Vĩnh Hưng, được biết, tháng 4-2022, UBND xã nhận được đơn đề nghị cắm mốc ranh giới sử dụng đất tại thửa số 403 cho gia đình ông Tục. Xã đã mời 3 hộ dân có đất liền kề lên làm việc để thống nhất về ranh giới nhưng gia đình ông Thường không thống nhất. UBND xã đã tổ chức các buổi hòa giải giữa các bên gia đình nhưng hòa giải không thành nên xã đã hướng dẫn công dân đề nghị lên cấp có thẩm quyền để được giải quyết.

Tìm hiểu về các hồ sơ lưu trữ liên quan đến các thửa đất trong vụ việc của gia đình ông Thường, được biết, năm 1994, ông Trịnh Lang Liêu được UBND huyện Vĩnh Lộc công nhận QSDĐ thửa đất theo GCNQSDĐ số E0344187; GCNQSDĐ không thể hiện hình dạng, kích thước thửa đất, chỉ công nhận QSDĐ diện tích 250m2. Tháng 2-2017, gia đình ông Liêu trước khi chuyển nhượng cho gia đình ông Thường đã được công nhận QSDĐ 68m2 tăng thêm là đất trồng cây lâu năm vào thửa số trên, nâng tổng diện tích đất lên 318m2. Tháng 3-2017, ông Thường làm hồ sơ nhận chuyển nhượng đất từ ông Liêu và được cấp GCNQSDĐ với diện tích 318m2.

Trích bản đồ địa chính năm 2002 (bản đồ số) lưu trữ tại UBND xã Vĩnh Hưng, Phòng Tài nguyên và Môi trường cho thấy, thửa đất số 402 (thuộc quyền sử dụng của ông Thường) có cạnh bám mặt đường là 11,1m; thửa đất số 403 (thuộc quyền sử dụng của ông Tục) có cạnh bám mặt đường là 13,36m. Hai thửa đất số 398 và 408 của hai hộ khác mua cùng thời điểm năm 1992 có cạnh bám mặt đường là 12,32m và 12,24m.

Đối với nội dung đơn của gia đình ông Thường, UBND huyện Vĩnh Lộc đã 3 lần giải quyết vào tháng 8-2022, tháng 1-2023 và tháng 5-2023 và giải quyết thông qua các buổi tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND huyện.

Theo các văn bản báo cáo, trả lời việc giải quyết nội dung kiến nghị của công dân, UBND huyện Vĩnh Lộc cho rằng việc ông Trịnh Lang Liêu, Trịnh Đình Tục và 2 hộ dân khác mua đất năm 1994 có diện tích mỗi thửa 300m2 (25m dài x 12m rộng) là chưa đủ cơ sở khẳng định, do xã Vĩnh Hưng không có hồ sơ quản lý đất đai trước hồ sơ địa chính năm 2002 và các giấy tờ về chứng từ nộp tiền, GCNQSDĐ không thể hiện kích thước các cạnh của thửa đất giao cho các hộ. Việc UBND xã Vĩnh Hưng cắm mốc cho gia đình ông Tục sang phần đất của ông Thường 1m chiều ngang mặt đường so với mốc giới sử dụng trước đó là thực hiện bàn giao mốc giới theo diện tích được UBND huyện Vĩnh Lộc công nhận trong GCNQSDĐ cho hộ ông Tục và ông Thường, kích thước các cạnh thửa đất được xác lập, theo dõi, quản lý trên bản đồ địa chính dạng số năm 2002 của xã Vĩnh Hưng.

Ông Trần Thanh Bình, Chánh Thanh tra huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Về mặt hành chính, theo quy định về thời hiệu khiếu nại tại Luật Khiếu nại 2011, tính từ thời điểm UBND huyện công nhận việc chuyển quyền sử dụng đất từ ông Liêu sang ông Thường từ năm 2017 đến nay, thời gian đã hơn 5 năm. Do đó, vụ việc đã hết thời hiệu khiếu nại, thuộc trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết.

Hơn nữa, thửa đất của hộ ông Liêu đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ; thửa đất của ông Tục đã thực hiện chuyển nhượng 1 phần và các giao dịch này đã được pháp luật công nhận. Do đó, trong trường hợp có sai sót qua quá trình đo đạc, xác lập hồ sơ quản lý địa chính năm 2002, các GCNQSDĐ đã cấp cho ông Liêu, ông Tục cũng không thuộc trường hợp đính chính, thu hồi GCNQSDĐ đã cấp theo quy định tại Luật Đất đai. Do vậy, UBND huyện Vĩnh Lộc đã hướng dẫn, đề nghị công dân có liên quan có thể thực hiện quyền của mình thông qua việc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Nhóm PV Bạn đọc – TL

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/xung-quanh-vu-tranh-chap-dat-dai-tai-thon-3-xa-vinh-hung-vinh-loc/187392.htm