Xưởng bánh Trung thu của má

Buổi sáng, tôi dắt xe đi làm. Trời đã chuyển sang Thu, không khí dễ chịu, hơi se se lạnh. Vẫn là cung đường cũ nhưng sao hôm nay, tôi có cảm giác là lạ. Mất một thời gian lâu, tôi mới nhận ra. Thì ra là do những ki ốt được dựng lên thêm trên một số tuyến phố. Năm nào cũng vậy, trước Trung thu chừng độ 1 tháng, người ta bắt đầu dựng lên và bày bán bánh Trung thu.

Ảnh minh họa.

Nhắc tới Trung thu, tôi lại nhớ tới má. Hồi đó, má tôi có một cái “xưởng” làm bánh Trung thu. Gọi là “xưởng” nghe có vẻ to tát vậy chứ thực ra đó là căn bếp mà thường ngày má vẫn nấu nướng. Xưởng cũng chỉ có má là nhân công chính, thi thoảng chồng con mới đụng tay phụ giúp. Từ đầu rằm tháng Bảy là má đã chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh. Má chọn nếp, xay bột, mua hạt bí, đậu phộng, đậu xanh, gọi điện tới các mối làm lạp sườn giục họ làm thiệt sớm. Chỉ mấy ngày sau, căn bếp má chất đủ thứ “hầm bà lằng” ngổn ngang chắn hết cả lối đi.

Nếu muốn tìm má những ngày này thì cứ chạy thẳng xuống "xưởng" là gặp má. Vì ngoại trừ đi mua ba thứ lặt vặt còn thiếu thì dường như lúc nào má cũng ở "xưởng". Má làm không ngơi nghỉ chân tay. Lúc thì thấy má thoăn thoắt xúc bột, cân đo đong đếm rồi nhào nặn bột. Lúc khác lại thấy má rang đậu phộng, xát lớp vỏ đậu xanh. Tất cả má đều làm bằng thủ công. Má làm theo bí quyết từ bà ngoại cộng với chắt chiu kinh nghiệm bao năm làm bánh mà cải thiện dần dần cho ra những mẻ bánh ngon xuất sắc.

Bánh má làm đơn giản gồm hai loại: bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng nhân trứng muối hoặc thập cẩm. Còn bánh dẻo thì má làm nhân đậu xanh. Xưởng bánh của má theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, người này rỉ tai người kia rồi kéo nhau đến nhà đặt mua. Người đặt ít thì một chiếc, người nhiều mua cả chục về ăn lẫn đi biếu bà con họ hàng gần xa. Khách mua yêu thích bánh của má bởi cái tính thật thà, làm ăn cẩn thận cộng với bánh má làm không bỏ chất phụ gia nên đảm bảo cho sức khỏe.

Mấy anh em tôi thấy má làm cực quá, nhiều khi muốn “tranh” phần việc nhưng má không ưng. “Tụi bây làm không quen, mẻ bánh ra lò không đảm bảo, giao cho khách coi sao được?”, má vừa càu nhàu còn tay thì quệt vội những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên má. Má làm cẩn thận, tỉ mỉ nhưng không có nghĩa là mẻ bánh nào làm ra cũng hoàn hảo. Có mẻ lửa củi không tốt, căn không đúng thời điểm nên các nguyên liệu vì thế cũng ảnh hưởng theo. Bánh ra lò không được chất lượng như những mẻ bánh khác, má sẵn sàng gạt ra một bên làm lại mẻ bánh khác cho khách. Nhìn chỗ bánh bị loại ra, tiếc của, tôi nói với má, hay mình hạ giá rẻ chút đỉnh cho khách. Má lắc đầu, má thà để ế mẻ bánh chứ không chịu mất chữ tín.

Má làm lụng cả tháng ở xưởng, thức khuya dậy sớm, thiếu ngủ, người gầy sọp đi trông thấy. Cả nhà xót má, kêu má ngừng làm để đảm bảo sức khỏe mà má cũng không chịu. Sau Trung thu, người má gầy còm, nhưng nụ cười má dường như tươi hơn. Má cầm trên tay xấp tiền nhẩm tính lời lãi. Và lên kế hoạch dùng tiền cho việc học hành cho bầy con, mua phân giống, cây trồng, đủ thứ...

Nhoáng cái vậy mà đã hai mươi năm trôi qua. Con tàu thời gian đưa anh em chúng tôi làm người trưởng thành và má thì trở thành người thiên cổ. Mỗi lần nhắc nhớ Trung thu là tôi thèm được quay lại thời xưa, ở ngay chính trong "xưởng" bánh của má mà nghe tiếng má lầm rầm, nhỏ to mẻ bánh nướng, bánh dẻo. Tôi nhớ cả nụ cười “địa chủ được mùa” như ba tôi thường trêu khi má cầm xấp tiền cuối mùa đếm tới đếm lui. Cứ tưởng những điều nhỏ nhặt ấy sẽ hiện hữu nhưng giờ đây lại trở thành một điều xa xăm, diệu vợi đến vô cùng...

Hoàng Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xuong-banh-trung-thu-cua-ma-post466067.html