Xưởng gốm của 'ông Tây' và những điều kỳ diệu

Đồng cảm với những người bị khuyết tật, người đàn ông này đã sang Việt Nam kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng để rồi sau đó thành lập những lớp học nghề gốm cho những người kém may mắn. Nhiều năm qua, 'ông Tây' miệt mài giúp đỡ cho hàng trăm người khuyết tật mà không đòi hỏi điều gì, giúp họ trở nên tự tin hơn để hòa nhập với cuộc sống.

Người được nhắc đến là ông Olivier Oet (62 tuổi, đến từ thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp). Còn người dân quanh vùng thì đơn giản gọi ông Olivier với cái tên thân thương là “ông Tây”.

“Ông Tây” xưởng gốm

Nhâm nhi tách cà phê đầu một chiều mùa Hạ, ông Olivier cho hay ông sinh ra trong một gia đình có 4 thành viên, trong đó có em trai không may mắc phải hội chứng Down. Vì thế hơn ai hết, người đàn ông ngoại lục tuần này thấu hiểu những thiệt thòi của người khuyết tật. Từ trước đó, gia đình của Olivier cũng đã mở các trung tâm dành cho người khuyết tật nên ông muốn tiếp nối truyền thống.

Cách đây 8 năm tại Pháp, trong một chương trình dành cho người khuyết tật tại thành phố Paris, có một người phụ nữ tên là Xuân Phương nhận mình là người Pháp gốc Việt đến nhờ ông giúp đỡ các trẻ em Việt Nam bị khuyết tật. Khi biết được bà Phương cũng đang tham gia công việc thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em nên ông đã kêu gọi cộng đồng tại Paris làm một điều gì đó để giúp đỡ các mảnh đời khó khăn. Một thời gian sau đó thì bà Phương qua đời, ông Olivier tiếp tục công việc thiện nguyện của mình.

Olivier sau đó đã vượt hàng nghìn cây số sang Nha Trang gặp một số người và mở các lớp học làm gốm Raku (một loại gốm của Nhật Bản). Khoảng năm 2012, ông về Huế và tiếp tục mở thêm một lớp học làm gốm khác cho những người khuyết tật và thiểu năng trí tuệ tại trung tâm Hy vọng- TP Huế.

“Nghệ thuật gốm Raku của Nhật Bản phù hợp với người khuyết tật. Để làm một sản phẩm gốm Raku là cả một quá trình khám phá và các cảm nhận về đất và men. Gốm này đặc biệt bởi không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Vì không giới hạn về mặt ý tưởng nên người khuyết tật cũng có thể tự do sáng tạo nghệ thuật theo suy nghĩ của mình. Nghệ thuật từ gốm sẽ giúp các em khuyết tật có thể sáng tạo riêng cho bản thân mình, giúp các em có thể hoàn thiện bản thân hơn”, ông Olivier nói về việc chọn nghề gốm để truyền đạt cho những số phận không trọn vẹn.

Ông Olivier hướng dẫn học viên làm gốm Raku.

Olivier cho biết thêm, ông muốn những người khuyết tật nhận ra được giá trị của bản thân mình, có thể trở thành những nghệ nhân, tự mình trang trải cho bản thân. 6 năm qua là khoảng thời gian khá dài, nhờ có sự giúp đỡ của ông Olivier mà hiện 25 học viên của trung tâm Hy vọng đã có thể tự mình sáng tạo ra những sản phẩm gốm cho riêng mình. Các học viên đã biết tự nhào nặn đất sét để sáng tạo ra gốm Raku từ ly, tách, chén đến hình thù các con vật.

Từ năm 2014, ông Olivier đã giới thiệu xưởng gốm tại trung tâm Hy vọng đến bạn bè của mình tại Pháp cũng như các tour du lịch cộng đồng. Mục đích nhằm để những người khuyết tật có thể tự mình trang trải cho cuộc sống.

Gieo niềm hi vọng

Olivier qua Việt Nam đã được 8 năm, nhưng khi được hỏi về quảng thời gian ban đầu vượt đại dương để đến một đất nước xa xôi làm từ thiện, “ông Tây” vẫn nhớ như in.

Trong 3 năm đầu tiên trên con đường giúp đỡ trẻ khuyết tật tại Việt Nam, Olivier phải tự bỏ tiền túi của mình để đầu tư, hình thành xưởng gốm Raku tại Trung tâm Hy vọng. Rồi việc phải làm thế nào để xưởng gốm có thể duy trì và phát triển, thắp lên hy vọng cho những người khuyết tật đúng nghĩa như tên gọi của mình cũng khiến ông không khỏi trăn trở.

Theo ông, khó khăn lớn nhất của ông trong những năm đầu là tìm nguyên liệu để sản xuất gốm vì nguồn đất sét tại thời điểm đó khá khó tìm. “May là trong thời gian này tôi quen được với một giáo viên của trường Đại học Nghệ thuật Huế. Tương đồng về quan điểm nghệ thuật cũng như cách sống nên chúng tôi đã nhanh chóng trở thành bạn và mở lớp làm gốm Raku sau đó...”, Olivier hào hứng.

Đến năm 2015, thông qua các mối quan hệ của mình, ông đã vận động bạn bè và người thân đứng ra thành lập một tổ chức phi chính phủ cho những người khuyết tật trong đó có cả việc hỗ trợ cho trung tâm Hy vọng Huế. Không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện học nghề cho người khuyết tật, vợ chồng ông Oliver còn giúp đỡ các hộ dân nghèo tại huyện miền núi A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế bằng việc triển khai mô hình thí điểm nuôi dê.

Những sản phẩm gốm làm từ bàn tay của nhiều người khuyết tật.

Chia sẻ về người thầy của mình, anh Võ Thành Long (23 tuổi, học viên của trung tâm Hy vọng Huế) nói ngắn gọn bởi anh bị thiểu năng trí tuệ: “Rất biết ơn. Biết ơn vì Olivier đã giúp mình học được nghề gốm”.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Hy vọng Huế nói cá nhân bà, trung tâm cũng như những người khuyết tật vô cùng cám ơn tấm chân tình của ông Olivier. “Trong thời gian qua, ông Olivier đã bỏ tiền riêng đầu tư khá nhiều cho trung tâm Hy vọng từ máy móc đến trang thiết bị làm gốm, tìm nguồn đất sét, tìm kiếm đầu ra cho những sản phẩm của những người khuyết tật. Nghề gốm tại trung tâm khai sinh và phát triển được là nhờ công của Olivier...”, bà Hồng nói.

Thời gian trước, ông là người thầy của những người khuyết tật tại các xưởng gốm. Sau này, anh Hậu “đệ tử ruột” của ông cũng là một người khuyết tật thay ông truyền đạt lại cho những người khác. Mỗi năm 2 lần, ông Olivier đều dành một khoảng thời gian sang Việt Nam để thăm các lớp học do mình mở ra, trực tiếp giảng dạy các học viên.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Olivier cho biết về lâu dài mong muốn lớn nhất của ông là có thể hình thành nên mô hình du lịch mang tên “Raku tour”. Tại đó khách du lịch khi đến trung tâm sẽ cùng trải nghiệm, cùng làm gốm Raku với những người khuyết tật.

“Sắp tới tôi sẽ quay lại Việt Nam cùng với vợ”. Ngoài việc dạy làm gốm thì hai vợ chồng ông sẽ dạy tiếng Anh cho các học viên với hy vọng những người kém may mắn này sẽ tìm được giá trị riêng của bản thân mình..., ông Olivier bộc bạch.

Gia Huy

Gia Huy

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/xa-hoi/xuong-gom-cua-ong-tay-va-nhung-dieu-ky-dieu-87171.html