Ý chí kiên cường của anh thương binh 8x

Là thương binh hạng 1/4, mất đi 99% khả năng lao động nhưng Thượng úy Đinh Văn Dương vẫn luôn lạc quan, hằng ngày chiến đấu với những cơn đau, bệnh tật hành hạ sau vụ tai nạn máy bay kinh hoàng 4 năm trước. Anh bảo: 'Vì gia đình, đồng đội và bè bạn, mình cần phải vượt qua mọi khó khăn, sống vui, sống khỏe, sống có ích'.

Tàn nhưng không phế

Chúng tôi gặp Thượng úy Đinh Văn Dương (35 tuổi) tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) vào dịp cả nước đang hướng đến kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27-7). Đây là ngôi nhà thứ hai của anh sau vụ tai nạn máy bay kinh hoàng vào năm 2014 xảy ra với anh và đồng đội. Anh ngồi trên chiếc xe lăn chạy bằng điện ắc quy.

Trải qua hơn 20 cuộc phẫu thuật, ba lần tim ngưng đập, gương mặt, cơ thể anh giờ đã bị biến dạng đi rất nhiều. Hai bàn tay và đôi chân không còn. Thị lực của anh một bên chỉ có 1/10, một bên 7/10... Thật khó tin được, với một thương binh hạng 1/4, mất đi 99% khả năng lao động như anh, lại có một tinh thần lạc quan, không ngừng vượt qua bệnh tật đến như vậy.

Đoàn công tác của Báo CAND và Công ty Phượng Hoàng thăm hỏi Thượng úy Đinh Văn Dương (tháng 7-2018).

Các thành viên trong đoàn công tác của Báo CAND và Công ty TNHH Phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng (Công ty Phượng Hoàng) hôm đến thăm hỏi, tặng quà tri ân các thương – bệnh binh đang được điều trị, an dưỡng ở đây gặp lại anh trong hội trường, ai cũng cảm phục nghị lực phi thường của anh. Anh trò chuyện với các thành viên trong đoàn với niềm tin yêu cuộc sống, thay vì những ký ức đau buồn, sự hy sinh, mất mát mà mình và đồng đội gặp phải.

Còn nhớ dịp này, năm ngoái trong một lần, đoàn công tác Xã hội – Từ thiện của Báo CAND và Công ty Phượng Hoàng do đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND cùng ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công ty Phượng Hoàng dẫn đầu tới thăm, tặng quà Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Thượng úy Đinh Văn Dương đã hồ hởi khoe với mọi người về những dự định của mình. Lần gặp lại này, trò chuyện với anh, tôi thấy ẩn sau cặp kính “chắn gió” anh đang đeo là niềm vui, là sự lạc quan, là bao dự định ở phía trước.

Anh kể, được sự tạo điều kiện của Trung tâm, ngoài những thời điểm điều trị, anh trở về với gia đình ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội). Hằng ngày, anh đảm nhận việc đưa đón cậu con trai thứ hai - cháu Đinh Hải Anh (4 tuổi) học lớp mầm non, còn cô con gái lớn (8 tuổi) do vợ anh đưa đi, đón về.

Trong câu chuyện với anh, tôi được hay, sau khi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng khiến anh bị thương tật vĩnh viễn, người mẹ ở quê Hà Nam đã lên sống với gia đình anh trong một căn hộ thuộc khu chung cư thuộc phường Thạch Bàn. Lớp học của cháu Đinh Hải Anh ở tầng 1 tòa nhà nên hằng ngày, anh thường dùng khủy tay ẵm cháu Hải Anh vào lòng, cùng ngồi trên chiếc xe lăn di chuyển xuống lớp.

“Có đau đớn, có khó khăn trong sinh hoạt đấy, nhưng thời gian qua, ngoài thời điểm vào Trung tâm điều trị, được tự mình đưa đón con đi học, mình thấy cuộc sống thật ý nghĩa. Mình sẽ cố sống khỏe, sống có ích. Mình là người lính mà!”, Thượng úy Đinh Văn Dương chia sẻ.

Ngày 7-7-2014, vụ tai nạn rơi máy bay trực thăng kinh hoàng khi đang thực hiện huấn luyện thực hành nhảy dù của cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công – Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã xảy ra.

20 người bạn, người đồng chí của anh đã mãi về với đất mẹ. Qua 29 tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Bộ Quốc phòng), anh đã chiến thắng tử thần, trở về với gia đình, với bè bạn trong nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Cậu con trai thứ hai – Đinh Hải Anh được sinh ra đúng vào thời điểm anh đang vật lộn, chống chọi với tử thần (sau hai ngày xảy ra vụ tai nạn).

Anh lặng đi hồi lâu rồi ngước đôi mắt đã giảm thị lực về phía xa và nói: “Tôi thật may mắn khi còn sống, trở về với bè bạn, trong khi những đồng đội, đồng chí của tôi trên cùng chuyến bay đã không còn. Để tưởng nhớ tới đồng chí, đồng đội, hằng năm vào dịp kỷ niệm 27-7 và lễ, Tết, tôi đều trở về nơi các anh yên nghỉ, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ”.

“Tôi sẽ viết hồi ký”

Với tỷ lệ thương tật 99% diện tích cơ thể, Bộ Quốc phòng quyết định để anh xuất ngũ. Tháng 9-2016, cầm giấy xuất ngũ trên tay, anh không nén được nước mắt. Anh khóc vì không thể tiếp tục đóng góp cho đơn vị, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghề đam mê – lính đặc công chống khủng bố, những bài học về nghiệp vụ đặc công, đấu tranh, tiêu diệt sinh lực địch, những lần nhảy dù được “vùng vẫy” trên bầu trời giờ chỉ còn lại trong ký ức.

Tháng 12-2016, anh xuất viện, được đưa về điều trị, an dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành. Những ngày đầu, trở về cuộc sống, anh cảm thấy hoang mang, không biết điều gì đang chờ mình phía trước khi vết thương thể xác lẫn tinh thần đang “bủa vây” anh. Nhất là những khi tiết trời thay đổi, những vết thương trên cơ thể lại hành hạ, và cơn đau ấy chỉ dừng lại khi thuốc giảm đau với liều cao được đưa vào cơ thể anh.

Ở Trung tâm, với sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, cán bộ nhân viên của Trung tâm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, đồng đội, bè bạn, sức khỏe của anh dần được hồi phục. Từ một thương binh nhất cử, nhất động phải nhờ đến người xung quanh, nay anh có thể tự leo lên chiếc xe lăn, tự mình dùng khủy, mỏm cánh tay sử dụng điện thoại trò chuyện với bạn bè, đọc tin tức trên mạng Internet.

Anh bảo, nếu trước đây, anh thường nắm thông tin, sự kiện bên ngoài diễn ra hằng ngày thông qua tivi, đài phát thanh hay qua lời kể của mẹ và vợ, thì nay, qua sau gần 1 năm tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, anh đã có thể dùng phần cánh tay còn lại lướt web, cập nhật tin tức trên chiếc điện thoại di động smartphone của mình.

Chia sẻ với tôi về những dự định trong tương lai, anh ngập ngừng hồi lâu rồi bảo, với anh, những ngày tháng qua là những ký ức không bao giờ quên. Anh muốn tự mình dùng máy tính, viết một cuốn hồi ký kể về cuộc sống của anh từ thuở niên thiếu cho đến khi trưởng thành, gặp nạn và đặc biệt là quãng thời gian anh nằm viện điều trị, nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp, của người thân, bè bạn, đồng đội để ngày hôm nay, anh được trở về với cuộc sống.

Sáng 7-7-2014, máy bay trực thăng Mi-171 mang số hiệu 01 thuộc Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) trong khi thực hiện nhiệm vụ, chở 21 cán bộ, chiến sĩ bay huấn luyện nhảy dù tại khu vực sân bay Hòa Lạc do gặp sự cố kỹ thuật, đã bị rơi tại huyện Thạch Thất (Hà Nội). Vụ tai nạn kinh hoàng trên đã khiến 20 đồng chí trên máy bay hy sinh và chỉ có Thượng úy Đinh Văn Dương sống sót và bị thương rất nặng.

Trần Huy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/y-chi-kien-cuong-cua-anh-thuong-binh-8x-502785/