Ý chí làm giàu của chàng trai dân tộc Mông

Lần này tôi về xã Nhi Sơn (Mường Lát) vì nghe nói mảnh đất này đã đổi thay nhiều lắm, đồng bào Mông biết phát huy lợi thế, tích cực trồng cây ăn quả để xóa đói, giảm nghèo.

Anh Gia Văn Khua bên vườn đào của gia đình.

Từ chuyện người Mông trồng đào...

Xã Nhi Sơn là nơi sinh sống chủ yếu của bà con người dân tộc Mông. Đây cũng được xem là thủ phủ đào của miền Tây xứ Thanh. Đơn giản vì người Mông thích trồng đào vì loài cây này hợp thổ nhưỡng và khí hậu vùng cao nên dễ thích nghi. Xưa kia, trong những lần di canh, di cư, phát nương làm rẫy mới, dân bản đều đem theo cây đào giống để trồng. Sau này, khi bà con người Mông đã bỏ được tập quán sinh hoạt du mục và định canh định cư, thì họ vẫn dựng bản làng ở nơi núi cao và trồng đào quanh nhà, trên rẫy. Cây đào ở những vùng núi cao, dường như nhờ sự khắc nghiệt của thời tiết mà cũng trở nên kiên cường. Những thân cây rêu mốc tưởng như đã chết khô, thế mà cứ xuân về, tết đến lại bật chồi, nở hoa thắm. Mặc dù không toan tính sẽ trồng đào để kiếm tiền, nhưng hiện tại, cây đào đích thị là thứ cây “hái ra tiền” và mang lại nguồn thu nhập thay đổi đời sống của đồng bào người Mông nơi đây. “Rẫy người Mông ở đâu thì cây đào ở đấy. Bây giờ, trồng đào để bán kiếm thu nhập nên mình phải chăm sóc. Nói là chăm sóc nhưng thực ra đào sống tự nhiên, việc của mình là vun gốc, chặt bớt những cây dại mọc xung quanh cho gốc đào thoáng, phát triển tốt - anh Lầu Bá Hạ, bản Lốc Há, xã Nhi Sơn, chia sẻ.

Vào dịp tết, dù xa xôi và cách trở, nhiều người vẫn tìm đến Mường Lát để mua đào về xuôi, cây giá cả chục triệu đồng. Khi hoa tàn, đào kết trái và cuối mùa xuân thì chín mọng, người dân hái đào mang lên thị trấn để bán kiếm tiền, hoặc dựng lán ngồi ven đường bán cho khách trên những chuyến xe từ Mường Lát đi TP Thanh Hóa. Ai đến Mường Lát, khi về cũng nhất định mua đào về làm quà biếu bạn bè, người thân. “Đào được bán ở thị trấn thì có nhiều nguồn gốc, có thể đến từ Hòa Bình, Sơn La, thế nhưng đào Nhi Sơn mới to và ngọt, lại đảm bảo sạch. Nếu muốn có thể đến tận vườn của người Mông để hái, mỗi người trả cho họ 20 nghìn đồng là được vào vườn ăn thoải mái, nhưng không được đem về. Nếu muốn mang về thì chủ vườn lại bán theo cân” – anh Hạ chỉ dẫn.

Từ trụ sở UBND xã Nhi Sơn, chúng tôi ngược dốc gần chục cây số lên bản Lốc Há. Lúc ngồi trên xe máy, đường xóc như ngựa phi, nhưng bù lại được hưởng khí hậu mát mẻ, ngắm đất đai màu mỡ cây cỏ xanh tươi... Trong khu vườn sum suê trái, anh Gia Văn Khua, sinh năm 1983 cùng vợ con đang khẩn trương hái những quả đào căng mọng xếp vào lù cở để bán cho thương lái. Anh Khua đưa tôi mấy quả đào to, cắn một miếng thấy vừa giòn vừa ngọt, không nhạt nhẽo như đào thường, lại mát lịm khiến tôi tan biến hết mệt mỏi sau chặng đường xa. Anh Khua nhìn tôi vừa ăn vừa xuýt xoa, tươi cười: “Đây là giống đào lai mình trồng gần 10 năm, sai quả lắm, có cây thu được gần 50 kg quả. Năm nay, thời tiết không thuận lợi nên đào ít đậu quả. Tuy nhiên, trung bình mỗi cây cũng khoảng 10-20 kg quả, bán 30 ngàn đồng/kg mua tại vườn thì cũng được nửa triệu đồng/1 cây”.

Đến thoát đói, nghèo nhờ cây đào

Sinh ra và lớn lên ở nơi nghèo khó như Nhi Sơn, ngay từ khi còn nhỏ anh Khua đã thường xuyên được ông bà, bố mẹ dẫn theo khi lên rừng. Trong suốt những tháng năm tuổi thơ, anh Khua và các anh em trong nhà đã cùng ăn, cùng nghỉ, cùng chơi đùa dưới những gốc đào, coi cây đào như những người bạn thân thiết. Bởi vậy, anh đã sớm nhận thức được vai trò của cây đào đối với cuộc sống cộng đồng dân tộc Mông. Chính điều đó đã thôi thúc anh quyết tâm khai phá, cải tạo đồng đất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng đào và mận. Bước đầu, anh mua 10 gốc đào giống ở huyện Mộc Châu (Sơn La) với giá 120 nghìn đồng về trồng. Theo lời anh Khua, so với đào bản địa thì đào ở Sơn La có ưu thế mạnh về sản lượng nhưng quả không ngọt và giòn như đào bản địa. Vận dụng kiến thức vốn có và học hỏi những người có kinh nghiệm ở tỉnh Sơn La, anh đã ghép thành công cây đào Mộc Châu với cây đào bản địa. Theo anh Khua, giống đào lai này khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Mường Lát. Quả to, ngọt, một năm cho thu hoạch 2 vụ. Năm 2010, anh trồng 1.000 cây đào lai trên diện tích 1ha đất đồi dốc. Năm 2012, lứa đào đầu tiên đã mang lại cho gia đình anh Khua nguồn thu 80 triệu đồng.

Là một trong số ít người xem cây đào là cây kinh tế chủ lực, anh Khua đã gặp phải không ít sự phản đối từ người thân, đặc biệt là anh em trong gia đình vì cho rằng anh lười nhác, suy nghĩ viển vông, không an phận lên nương, làm rẫy như những người khác. Anh Khua tâm sự: “Nếu chỉ vì những lý do đó mà mình từ bỏ quyết tâm thì mình đã không có ngày hôm nay. Hiện tại, mình đã chứng minh cho mọi người thấy hoàn toàn có thể làm giàu từ cây đào”.

Chính sự quyết tâm của bản thân, sự chăm chỉ, cần cù và cả những động viên, hỗ trợ của vợ, sau gần 10 năm, 10 gốc đào đầu tiên đã nhân bản thành 3.000 gốc đào lai và 700 gốc mận, trên diện tích hơn 2 ha. Năm 2018, vườn đào, mận đã giúp anh Khua thu về hơn 300 triệu đồng. Song song với việc trồng đào, mận, anh Khua mạnh tay đầu tư thêm 40 đàn ong nuôi lấy mật, tận dụng nguồn thức ăn từ hoa rừng, hoa đào và mận. Tổng thu nhập năm 2018 của gia đình là 350 triệu đồng, trừ các chi phí có lãi khoảng 200 triệu đồng. Được biết, anh Khua đang ươm gần 1.000 cây giống đào để trồng tiếp và bán. Đặc biệt, anh đang nghiên cứu trồng thêm cây cam Vinh, cây bưởi và nuôi thêm 20-30 đàn ong lấy mật.

Với nỗ lực vươn lên lập thân, lập nghiệp, tìm tòi hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Khua trở thành gương sáng để bà con trong bản cùng học, cùng làm. Anh Khua nói: “Người Mông ở Nhi Sơn giờ đã khác xưa, muốn tự mình làm chủ cuộc sống của mình chứ không muốn phụ thuộc vào ông trời nữa. Nhi Sơn có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng cây ăn quả, như: Đào, mận... nhưng cái khó nhất vẫn là vốn và kinh nghiệm. Giờ vốn đã có ngân hàng chính sách xã hội hay quỹ của các tổ chức xã hội, kinh nghiệm thì làm rồi sẽ có, cái quan trọng nhất là phải học, phải mạnh dạn, chấp nhận cả thất bại thì mới mong có thành công”.

Để hướng dẫn nhân dân cùng làm theo, anh Khua đến từng hộ dân trong bản để tuyên truyền, vận động người dân bám đất, giữ rừng; học cách đào hố, trồng đào và mận; truyền dạy kinh nghiệm nuôi ong. Hiện tại, ngoài gia đình anh Khua, xã Nhi Sơn có khoảng 20 hộ trồng đào và mận kinh doanh, với diện tích hơn 10ha. Ngoài ra, bà con còn trồng dược liệu và chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn để cải thiện đời sống gia đình.

Ông Lương Văn Xích, Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn, cho biết: “Xã Nhi Sơn có tổng số 610 hộ với 2.814 nhân khẩu thì số hộ nghèo là 404 hộ, chiếm 68,8%, giảm 8% so với năm ngoái. Địa hình không thuận lợi, đất đai cằn cỗi, đồi núi đá dốc là những nguyên nhân khách quan khiến bà con khó thoát nghèo. Vì thế, chính quyền địa phương đã vận động người dân trồng cây ăn quả. Nhiều hộ đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc lai tạo, cắt ghép để nâng cao hiệu quả cây trồng, trong đó có giống đào lai và mận lai. Các giống đào trái vụ cũng cho năng suất và chất lượng quả tốt, và do trái vụ nên đầu vụ bán rất nhanh và được giá”.

Thực tế, gần 5 năm trở lại đây, ở các bản Mông, như: Pá Hộc, Lốc Há, Pù Toong... cho thấy, mô hình trồng mận, đào trái vụ, đào lai đã tạo ra hàng hóa đặc sản, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần cải thiện thu nhập cho đồng bào Mông ở địa phương.

Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/y-chi-lam-giau-cua-chang-trai-dan-toc-mong/101348.htm