Y đức đã bị thương mại hóa

“Khi niềm tin vào bác sĩ không còn nữa người ta chỉ có thể nghĩ đến đồng tiền…” – BS Hoàng Xuân Đại – nguyên chuyên viên Bộ Y tế trả lời Báo NTNN sau vụ việc bác sĩ phi tang xác bệnh nhân.

BS Hoàng Xuân Đại nói: Khi không còn lòng tin về y đức và tay nghề người thầy thuốc, người bệnh chỉ có thể biết tin vào tiền... Và từ rất lâu rồi, niềm tin ấy đã bị thương mại hóa. Hiện tượng phong bì cho bác sĩ chính là biểu hiện chính xác nhất cho điều đó. Một môi trường y tế ngày càng dung dưỡng cho đồng tiền, tức là ngành y sẽ mất đi tính nhân văn, nhân đạo, hậu quả thực sự là vô cùng nghiêm trọng.

Bộ Y tế đã phát động phong trào nói không với phong bì, đưa y đức vào giảng dạy trong trường học, nhưng tại sao tình hình vẫn ngày càng tệ?

- Tất cả các phong trào được phát động đều đã làm nhưng chưa được làm đến nơi đến chốn. Bộ Y tế phát động không nhận phong bì, mà lại nói là không được nhận trước nhưng có thể nhận sau như một lời cảm ơn. Thế là kiểu gì? Đưa y đức vào giảng dạy trong trường học cũng chỉ là kỳ vọng làm thay đổi chứ có hay không y đức vẫn là cả một quá trình hành nghề…

Theo ông, làm thế nào để ngành y có thể lấy lại niềm tin đối với bệnh nhân và toàn xã hội?

- Thực ra, có niềm tin hay không, người bệnh vẫn phải đến bệnh viện chạy chữa. Nhưng, không phải vì thế mà ngành y tế quay lưng với khẩu hiệu “thầy thuốc như mẹ hiền”. Đã trị phải trị tận gốc. Cần phải có hành động cụ thể: Đó là việc chấn chỉnh lại thái độ chăm sóc bệnh nhân; điều chỉnh lại lương cho nhân viên y tế để họ chuyên tâm với công việc tại bệnh viện mà không phải thấp thỏm “chân trong chân ngoài” làm kinh tế...

Xin cảm ơn ông!

Tùng Anh – Minh Nguyệt (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thoi-su/y-duc-da-bi-thuong-mai-hoa/2013102510587493p1c24.htm