Ý kép của Thủ tướng khi đề nghị doanh nghiệp tư nhân nói không với hối lộ là gì?

Đánh giá về chất lượng trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiều nay (18.11), các đại biểu Quốc hội đều khá hài lòng và cho rằng các nội dung giải trình của Thủ tướng rõ ràng, cụ thể và sinh động.

Phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được các ĐBQH đánh giá là cụ thể, sinh động. Ảnh: QH

Đánh giá về chất lượng trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) - Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nói:

"Hôm nay Thủ tướng đã tái khẳng định sự hài lòng của người dân, đó là việc rất quan trọng trong việc chống tham nhũng kể cả các vụ án lớn hay tham nhũng vặt hàng ngày đang ảnh hưởng tới từng người dân, từng gia đình.

Và Thủ tướng sẽ có những giải pháp quyết liệt trong thời gian tới để có thể ngăn chặn, đẩy lùi và triệt tiêu hiện tượng này để thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đồng thời đem lại sự hài lòng của người dân. Tôi nghĩ rằng sự hài lòng của người dân chính là thước đo lớn nhất trong công tác điều hành quản lý".

Trao đổi cùng Lao Động, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết: "Những vấn đề đặt ra cho Thủ tướng là những vấn đề quá lớn, có thể nói rằng là rất ngóc ngách. Nhưng Thủ tướng đã rất bình tĩnh xử lý, trả lời vào những trọng tâm lớn. Đặc biệt là đi vào giải quyết những vấn đề lớn của cả nền kinh tế xã hội với tầm nhìn tương đối bao quát.

Thứ hai là do hàng ngày Thủ tướng là người lăn lộn với cuộc sống thực tế cho nên đã bổ sung được vào câu trả lời của mình những ví dụ rất sống động và điển hình. Tôi cho rằng việc nhớ từng bữa cơm của công nhân là bao nhiêu tại các doanh nghiệp mà Thủ tướng đến… là cách làm việc rất năng động, xứng đáng là người lãnh đạo, điều hành sâu sát đối với thực tiễn cũng như là gần dân.

Tôi nhìn nhận Thủ tướng phát biểu đề nghị doanh nghiệp tư nhân nói không với hối lộ không chỉ là một lời kêu gọi, mà lấp ló đằng sau đó là muốn chỉ đạo tất cả các cơ quan ban ngành địa phương, những người có chức có quyền, có liên quan đến đời sống của doanh nghiệp không được phép gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Đặc biệt là không được phép lấy vị trí của mình để trục lợi từ doanh nghiệp. Tôi cho rằng ý của Thủ tướng ở đây là ý kép rất hay: Không có chuyện doanh nghiệp phải đi bôi trơn. Đồng thời các cơ quan và những người có chức quyền không được phép hành doanh nghiệp, hành dân.

Với tư cách là người lãnh đạo thì Thủ tướng cũng truyền những thông điệp tới tất cả cán bộ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương thực sự phải làm một người “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” và đừng nên để cho đến một lúc nào đó Chính phủ hay Đảng phải xử lý.

Đánh giá chung, tôi thấy phần lớn các đại biểu chất vấn đều có sự chuẩn bị tốt về mặt nội dung, tinh thần, phong thái để chất vấn. Bên cạnh đó có một số đại biểu đã chuẩn bị tốt nhưng vì câu hỏi trùng lặp nhưng vẫn cứ tiếp tục thì cái đó hơi phí thời gian. Nếu rút được kinh nghiệm thì tôi nghĩ phần chất vấn có chất lượng tốt hơn.

Đức Thành - Xuân Hải

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/y-kep-cua-thu-tuong-khi-de-nghi-doanh-nghiep-tu-nhan-noi-khong-voi-hoi-lo-la-gi-576906.ldo