Ý kiến chuyên gia: Quản lý, sử dụng vỉa hè cần thực hiện bài bản trên cơ sở khoa học

Với đặc thù của đô thị như TP Hồ Chí Minh và một số địa phương thì việc lấn chiếm vỉa hè xảy ra thường xuyên bởi các nhà 'mặt tiền' thường dành cho hoạt động kinh doanh và nhiều người tận dụng vỉa hè buôn bán nhỏ lẻ hoặc để phương tiện giao thông.

Việc giữ gìn trật tự đô thị, cụ thể là đưa vỉa hè trở lại đúng công năng không còn là câu chuyện mới, nhưng thời gian qua, cách làm chưa thật sự hiệu quả. Việc thu phí sử dụng vỉa hè cũng từng đặt ra trước đây nhưng không thể thực hiện được do thiếu nghiên cứu hiện trạng vỉa hè.

Tại TP Hồ Chí Minh, vỉa hè không chỉ phục vụ giao thông (đường dành cho người đi bộ) mà còn phục vụ các hoạt động khác của đô thị, có vị trí không thể xâm phạm nhưng cũng có vị trí có thể cho thuê. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến việc thu phí vỉa hè, thành phố cần giải quyết tốt vấn đề lấn chiếm tùy tiện hiện nay, cùng với nghiên cứu kỹ thực trạng từng tuyến đường để có biện pháp xử lý linh hoạt dựa trên các quy định của pháp luật và sự đồng thuận của người dân.

Một số khu vực vỉa hè tại quận 1, TP Hồ Chí Minh bị lấn chiếm, không còn chỗ cho người đi bộ. Ảnh: ANH DŨNG

Một số khu vực vỉa hè tại quận 1, TP Hồ Chí Minh bị lấn chiếm, không còn chỗ cho người đi bộ. Ảnh: ANH DŨNG

Theo tôi, thành phố cần có nghiên cứu quy hoạch không gian đường phố bài bản, trong đó có vấn đề sử dụng vỉa hè. Để thực hiện được, không chỉ riêng ngành giao thông vận tải mà cần có sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Quy hoạch kiến trúc, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, xây dựng, tài chính... Trên cơ sở cách tiếp cận khoa học như vậy, để sử dụng tốt lòng đường, vỉa hè, thành phố cần phân loại các tuyến đường, khu vực cụ thể. Chẳng hạn, thành phố đang có nhiều khu vực, tuyến đường rất sạch đẹp thì giữ gìn, phát huy; khu vực nào xảy ra lấn chiếm thì xử lý trên tinh thần linh hoạt, thượng tôn pháp luật.

Quản lý đô thị là khoa học, thu phí vỉa hè chỉ là vấn đề rất nhỏ trong tổng thể công tác giữ gìn, quản lý đô thị. Dù chỉ mới là dự thảo đề xuất thu phí nhưng nếu không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, chưa có quy hoạch tốt và minh bạch về việc hướng dẫn cho người dân phương thức sử dụng vỉa hè, đường phố thì sẽ không giải quyết được vấn đề từ gốc. Đồng thời, rất cần việc hoạch định, phân bổ các chức năng trên vỉa hè, như: Điểm kinh doanh thương mại, dừng đỗ phương tiện, tiện ích công cộng, điểm giữ xe... trên cơ sở không được xâm phạm không gian cần thiết tối thiểu dành cho người đi bộ.

Tôi từng đề xuất có thể dùng vạch sơn để phân loại khu vực trên vỉa hè. Chẳng hạn, vạch màu xanh lá là dành riêng cho người đi bộ, màu xanh dương cho giữ xe, màu vàng là cho phép dịch vụ thương mại, buôn bán và vạch màu đỏ hoặc cam bao quanh công trình văn hóa, lịch sử, công trình kỹ thuật, công trình điện... để cấm xâm phạm. Tập thể, cá nhân được thuê sử dụng vỉa hè chỉ thực hiện trong khuôn khổ với những hoạt động nhất định.

Thu phí sử dụng vỉa hè cũng chỉ góp phần nhỏ trong hỗ trợ kinh phí quản lý trật tự đô thị, chứ không nên xem đó là nguồn thu ngân sách. Theo tôi, nếu có thu phí vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề lấn chiếm vỉa hè ở thành phố, bởi thực tế là đa số người buôn bán trên vỉa hè lâu nay đều phải trả phí dưới dạng này hoặc dạng khác (và trả cho ai thì đến nay thành phố vẫn chưa có một nghiên cứu hiện thực một cách khoa học). Thành phố cần phải đưa ra định hướng quy hoạch cụ thể cho vấn đề vỉa hè và hệ thống lại cơ sở pháp lý cần thiết cho việc thực thi, sau đó mới nên bàn về chuyện thu phí kết hợp với triển khai đồng bộ các giải pháp khác để giữ gìn trật tự lòng đường, vỉa hè. Cùng với đó, việc thu phí cần phải minh bạch, rõ ràng trên cơ sở đồng thuận của người dân, tránh áp đặt hay triển khai cứng nhắc.

TS, KTS, Chuyên gia quy hoạch đô thị NGÔ VIẾT NAM SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/y-kien-chuyen-gia-quan-ly-su-dung-via-he-can-thuc-hien-bai-ban-tren-co-so-khoa-hoc-721556