Ý kiến công dân góp ý dự thảo dạy thêm học thêm

Góp ý với dự thảo Thông tư về dạy thêm học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, đang lấy ý kiến nhân dân, Cổng TTĐT Chính phủ đã nhận được khá nhiều ý kiến của các giáo viên, phụ huynh và của chính các em học sinh.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cô Lương Thị Mai, một giáo viên nghỉ hưu ở tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Việc ban hành Thông tư quy định về việc dạy thêm học thêm để quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm là rất cần thiết. Vì khi nào nền giáo dục còn thi cử thì khi đó học sinh vẫn còn phải ôn luyện, mà còn ôn luyện thì không thể ngăn được học thêm, dạy thêm. Đây là nhu cầu chính đáng của người học. Đồng thời, đây cũng là nguồn thu nhập hợp pháp của người dạy học, để bù đắp cho đồng lương còn khá khiêm tốn của những người đứng trên bục giảng, nhất là ở đô thị lớn.

"Tuy nhiên dự thảo có quy định Giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường. Như vậy có nghĩa là giáo viên không được tổ chức dạy thêm tại nhà đối với học sinh do mình dạy chính khóa, tôi thấy quy định này khó khả thi; chưa tính đến việc "lách luật", giáo viên nhờ người khác đứng tên để tổ chức dạy thêm. Thực tiễn còn cho thấy đối với những giáo viên dạy giỏi, thì không chỉ đối với học sinh chính khóa mà cả đối tượng học sinh lớp khác, trường khác cũng tự tìm đến học thêm để ôn thi vào cấp III, ôn vào trường chuyên hoặc các trường đại học, cao đẳng", cô Mai bày tỏ.

Do vậy, cô Mai đề nghị, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định thật cụ thể, dễ áp dụng để ngăn chặn hiện tượng một số giáo viên lạm dụng việc dạy thêm tổ chức “dạy chui”, dạy thêm “ép buộc”,... Ví dụ: Đầu năm học, giáo viên phải ký cam kết không tổ chức dạy thêm tại nhà, nếu cố tình tổ chức dạy thêm trái phép sẽ không được xét thi đua, khen thưởng, không được nâng lương... Đồng thời, dự thảo nên quy định cho phép các trường được quyền tổ chức dạy thêm cho đối tượng người học không phải là học sinh của trường.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng ở Phố Mai Động, Hà Nội cho rằng: Về quy định cấm giáo viên không được đứng ra tổ chức dạy thêm học sinh của mình ngoài nhà trường là chưa phù hợp. Vì chỉ có giáo viên trực tiếp giảng dạy mới hiểu rõ học sinh của mình yếu, hổng kiến thức như thế nào để phụ đạo, kèm cặp thêm. Nếu cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình thì sẽ làm khó cho cả giáo viên và học sinh trong việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Chị Hằng còn đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên quy định 2 đối tượng cần phải học thêm là học sinh yếu kém và học sinh giỏi tham gia các đội tuyển học sinh giỏi.

Chị Trần Việt Anh ủng hộ quan điểm không tổ chức dạy thêm ở bậc tiểu học - Ảnh: Chinhphu.vn

Về đề xuất không tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học

Là người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý trường tiểu học, cô Nguyễn Thị Hiếu – Nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Bần Yên Nhân – Mỹ Hào – Hưng Yên chia sẻ: "Dự thảo quy định không tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp trông nom học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, phụ đạo học sinh học lực kém… Theo tôi, dự thảo cần quy định cụ thể để phân biệt một giáo viên đang trông nom học sinh ngoài giờ học và một giáo viên đang dạy thêm.

Chị Trần Việt Anh ở phố Trần Quốc Toản, Hà Nội tâm sự: Là một phụ huynh có con học tiểu học, tôi ủng hộ quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chủ trương không tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học. Bởi vì theo tôi việc học hiện nay đã quá nặng với trẻ, hầu như trẻ không còn thời gian để nghỉ ngơi và vui chơi, chưa kể đến việc cần dạy cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết.

Chị Anh tâm sự thêm, con gái chị hiện nay đang học tiểu học bán trú. Chương trình học được nhà trường tổ chức rất hợp lý, học sinh không bị áp lực. Nhà trường không khuyến khích các cháu học thêm và cũng không tổ chức học thêm. Hàng ngày cũng không cho bài tập về nhà. Đối với các cháu học sinh ở bậc tiểu học chị Anh cho rằng đây là phương pháp hiệu quả.

Cũng là một phụ huynh học sinh tiểu học, chị Nguyễn Thu Hương ở phố Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội cho rằng quy định không dạy thêm học thêm đối với học sinh được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là rất hợp lý. Chị chia sẻ: "Con tôi học bán trú, cả ngày ở trường nên rất cần thời gian buổi tối để cháu được nghỉ ngơi. Hơn nữa, ở độ tuổi học tiểu học, tôi nghĩ không nên bắt các cháu áp lực học quá nhiều".

Đối với việc dạy thêm ở bậc học mẫu giáo, chị Nguyễn Hải Thanh, Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Hiện nay nhiều trường mẫu giáo tổ chức dạy thêm các môn như: múa, vẽ, đàn, võ, tiếng Anh,… cho trẻ học mẫu giáo. Tuy nhiên, các trường dạy tiếng Anh cho các cháu theo chương trình nào? Do cơ quan nào ban hành? Tài liệu giảng dạy? Chất lượng của người dạy, yêu cầu cần đạt của các cháu sau một khóa học. Tất cả những điều này nhà trường đều không có quy định cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí là việc học thêm của các cháu đều được tổ chức trong giờ chính khóa, hiển nhiên là nội dung chính khóa phải cắt bỏ. Do vậy, dự thảo nên bổ sung quy định về tổ chức dạy thêm học thêm đối với các đối tượng này".

Em Việt, học sinh Trường Quỳnh Mai, Hà Nội đề nghị tăng thời gian học thêm cho học sinh cuối cấp - Ảnh: Chinhphu.vn

Về thời gian dạy thêm cho học sinh cuối cấp

Là học sinh lớp 9 chuẩn bị thi tốt nghiệp THCS, em Trần Văn Việt, Trường THCS Quỳnh Mai, Hà Nội mong muốn việc tổ chức dạy thêm, học thêm theo nhóm trình độ của học sinh sẽ nhanh chóng được nhà trường áp dụng. Vì nếu học sinh giỏi cùng học với học sinh yếu kém, giáo viên sẽ rất khó truyền đạt. Mặc khác các bạn học giỏi cũng sẽ bị hạn chế về tư duy, đồng thời các bạn học lực yếu lại không theo kịp được chương trình.

Ngoài ra, em Việt cũng cho rằng đối với học sinh cuối cấp THCS, việc ôn thi tốt nghiệp và thi vào cấp III là hết sức quan trọng. "Do vậy nếu một tuần chỉ được học thêm tối đa 3 buổi, mỗi buổi không quá 3 tiết, thời lượng mỗi tiết học là 45 phút là hơi ít. Theo em, mỗi tuần nên học tối đa 3 buổi, mỗi buổi 4 tiết, thời lượng mỗi tiết học là 45 phút. Với thời gian này, mỗi buổi học thêm em sẽ học được 2 môn, mỗi môn 2 tiết để đảm bảo đủ thời lượng ôn thi cho học sinh cuối cấp", Việt chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Trọng Cường, Thành phố Hải Dương cho rằng, quy định trong dự thảo không cho phép các trường cao đẳng, đại học,… tổ chức dạy thêm chương trình phổ thông là chưa sát thực tế. Bởi vì, hiện nay việc tổ chức cho học sinh ôn thi đầu vào các bậc học liên thông Trung cấp, Cao đẳng, Đại học được các trường tổ chức khá phổ biến.

Theo anh Cường, đây là nhu cầu chính đáng của người học và cũng là giải pháp mang tính xã hội hóa giáo dục, yếu tố để đảm bảo học tập suốt đời. Người học có thể là học sinh tốt nghiệp phổ thông, người đã có bằng trung học, cao đẳng, đại học muốn học liên thông hoặc học thêm 1 bằng đại học khác, nên có nhu cầu ôn thi đầu vào (chương trình phổ thông) để học tập nâng cao trình độ. "Do vậy việc cấm các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp hoặc các cơ sở liên kết không được tổ chức dạy thêm chương trình giáo dục phổ thông để ôn thi đầu vào, ôn thi liên thông là khó khả thi".

Nên quy định khung học phí học thêm

Ông Nguyễn Đình Đạt, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: "Quy định về thu và quản lý tiền học thêm đối với dạy thêm ngoài nhà trường là một trong những vấn đề quan trọng nhất của dự thảo Thông tư này. Tuy nhiên, không nên để cơ sở dạy thêm tự thỏa thuận mức thu mà phải có sự quản lý của nhà nước bằng cách quy định khung giá phù hợp. "Theo tôi, nên giao cho UBND cấp tỉnh quy định mức học phí học thêm cho phù hợp với từng địa phương nhưng không được quá mức trần do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định", ông Đạt góp ý.

Mạnh Thơm - Hoài Huệ

Tin liên quan:

Dự kiến quy định mới về dạy thêm học thêm

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/y-kien-cong-dan-gop-y-du-thao-day-them-hoc-them/20122/130530.vgp