Ý kiến cử tri

LTS: Từ chiều ngày 3 đến hết 5-11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.

Ngày 3-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn với nhiều vấn đề nóng như: Quy hoạch treo; việc xử lý công trình không phép, sai phép; quản lý thị trường bất động sản... Báo Quân đội nhân dân đã nhận được nhiều ý kiến cử tri nêu quan điểm về nội dung phiên chất vấn và những vấn đề mà cử tri quan tâm liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Xin được trích đăng một số ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

* Cử tri Phạm Thanh Long, quận 5, TP Hồ Chí Minh:

Phải xóa bỏ tư duy “phạt cho tồn tại”

Những vấn đề các đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội đã phản ánh đúng thực trạng dư luận xã hội đang quan tâm hiện nay. Chúng tôi kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cần dành sự quan tâm sâu sát hơn, chỉ đạo xử lý quyết liệt hơn nữa những vi phạm trong quy hoạch, xây dựng. Thực trạng đã và đang gây bức xúc ở nhiều địa phương, nhất là tại các đô thị lớn từ nhiều năm nay là vấn đề quy hoạch tự phát, xây dựng tràn lan. Tốc độ đô thị hóa diễn ra càng nhanh thì vấn nạn quy hoạch tự phát, xây dựng trái phép càng diễn ra phức tạp. Việc thiếu kiểm tra, kiểm soát, chậm phát hiện, xử lý thiếu kiên quyết của cơ quan chức năng khiến nhiều nơi “nhờn” luật, gây nên những hệ lụy phức tạp cho công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng. Không ít trường hợp công trình thi công sai thiết kế, vượt tầng, thậm chí là xây dựng không phép, sau khi bị phát hiện, chính quyền và cơ quan chức năng lại xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại”. Cách giải quyết này rõ ràng là lợi bất cập hại. Chỗ này “phạt cho tồn tại” được thì chỗ kia cũng thế. Cuối cùng là sai vẫn hoàn sai, từ cái sai này đẻ ra cái sai khác. Là "tư lệnh ngành", Bộ trưởng cần phải quyết liệt có giải pháp chỉ đạo để khắc phục, chấm dứt tình trạng này.

Xử lý sai phạm trong quy hoạch, xây dựng không chỉ nhắm vào các cá nhân, doanh nghiệp làm sai, mà quan trọng là phải “chặt” được tiêu cực từ gốc. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nào xảy ra vi phạm, bất kể ở nhiệm kỳ nào, cán bộ liên đới bất kể đã nghỉ hưu, chuyển công tác hay đương chức, cũng cần phải truy trách nhiệm đến cùng. "Tư lệnh ngành" phải làm sao để ngọn lửa đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực cháy lên trong lĩnh vực mình phụ trách, xử lý nghiêm một số vụ làm điểm để tăng tính cảnh báo, răn đe...

THANH KIM TÙNG (ghi)

--------

* Cử tri Hoàng Đình Hoài, phường Phù Đổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai:

Lắng nghe người dân để phát hiện, phòng ngừa xây dựng sai phép

Một vấn đề mà tôi rất tâm đắc khi đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đó là việc người dân sửa chữa nhà tận trong ngõ sâu mà thanh tra xây dựng vẫn nắm được, trong khi nhiều công trình lớn, thậm chí cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng nhưng các cơ quan chức năng không phát hiện ra. Thực tế, sinh sống tại địa phương, tôi thấy không ít trường hợp xây dựng sai phép, không phép như vậy vẫn xảy ra, mà một trong những nguyên nhân tồn tại việc này là sự chây ì của những chủ đầu tư công trình lớn, biết sai vẫn làm.

Tôi đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, các vi phạm về xây dựng là rất khó khắc phục hậu quả, do đó giải pháp phát hiện, phòng ngừa là giải pháp ưu tiên. Bên cạnh đó, pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đã có những quy định tương đối chặt chẽ và đồng bộ theo hướng tăng nặng xử phạt và buộc phá dỡ các công trình vi phạm. Theo tôi, Bộ Xây dựng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đôn đốc triển khai, rà soát, điều chỉnh bổ sung văn bản, hướng dẫn các địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền kêu gọi sự hợp tác của người dân, những người sinh sống tại khu dân cư, kịp thời phát hiện, phản ảnh với cơ quan quản lý nhà nước những vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng sai phép, không phép, từ đó kiên quyết xử lý nghiêm minh và công khai.

VŨ DUY HIỂN (ghi)

-----------

* Cử tri Tào Văn Ngân (Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội):

Cần cấm doanh nghiệp cầm cố dự án nhà ở thương mại khi đã bán cho dân

Tôi rất ấn tượng với câu chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) chiều 3-11 với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về tình trạng cư dân các tòa chung cư, khu đô thị phải căng băng-rôn phản đối nhà đầu tư về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề rất nhức nhối là không bàn giao sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở) cho cư dân.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ đã tiến hành thanh tra, xử lý hành vi vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư giải quyết tranh chấp. Thời gian tới, cùng với rà soát hoàn thiện các quy định, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Xây dựng theo hướng xác định rõ, quy định chặt chẽ trong quản lý, vận hành chung cư.

Cử tri chúng tôi chưa hoàn toàn hài lòng với phần trả lời này. Thực tế, những người chẳng may mua phải căn hộ ở các tòa chung cư, khu đô thị vi phạm đã tốn nhiều công sức, tiền của và mỏi mệt trong việc đấu tranh đòi chủ đầu tư phải hoàn trả sổ đỏ cho cư dân, nhưng đến nay vẫn chưa mang lại kết quả gì.

Chúng tôi vẫn chưa thể nhận được sổ đỏ. Vì thế, mọi giao dịch mua bán căn hộ đều gặp khó khăn. Nhiều người muốn bán căn hộ để chuyển tới nơi ở mới, thuận tiện hơn cho công việc, nhưng không thể bán được; người muốn thế chấp căn hộ vay vốn làm ăn cũng không thể thực hiện được. Quyền, lợi ích chính đáng của chúng tôi đang bị chủ đầu tư xâm phạm nghiêm trọng, thiệt hại nhiều không kể xiết. Như vậy, những giải pháp mà Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhắc tới chưa phát huy hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Trước mắt, chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các biện pháp cần thiết, thậm chí có thể phong tỏa tài sản của các doanh nghiệp đang chây ì thực hiện nghĩa vụ với cư dân ở các tòa chung cư, khu đô thị; đưa vào diện cảnh báo đỏ, công khai để các doanh nghiệp, ngân hàng hạn chế giao dịch với những doanh nghiệp này. Khi con đường sản xuất, kinh doanh của họ gặp khó khăn vì hậu quả của vi phạm, họ sẽ không có cách nào khác là buộc phải thực hiện nghĩa vụ với cư dân.

Về lâu dài, chúng tôi đề nghị cần có quy định nghiêm cấm doanh nghiệp, chủ đầu tư cầm cố các dự án nhà ở thương mại để vay vốn ngân hàng khi dự án đó đã được “bán non” (bán căn hộ từ giai đoạn xây dựng) cho người dân (doanh nghiệp “lách luật” bằng cách gọi đó là “góp vốn”). Hoặc khi doanh nghiệp đã cầm cố dự án để vay ngân hàng thì không được “bán non”, không được kêu gọi người mua “góp vốn”. Doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị phong tỏa tài sản tương ứng với số vốn đã vay ngân hàng để bảo vệ quyền lợi của người mua chung cư-vốn luôn là bên yếu thế trong các giao dịch mua bán căn hộ.

THÙY LÂM (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/y-kien-cu-tri-710008