Ý kiến cử tri

LTS: Hôm qua (6-6), sau phần chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, nhiều cử tri đã liên hệ tới tòa soạn Báo Quân đội nhân dân tỏ ý đồng tình với tinh thần, trách nhiệm và các nội dung trả lời của hai bộ trưởng, đồng thời kiến nghị, góp ý một số vấn đề. Báo Quân đội nhân dân trân trọng đăng một số ý kiến.

Đồng chí Vi Văn Mằn, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An:

Hỗ trợ tái định cư, sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại bởi thiên tai

Theo dõi phiên chất vấn của Quốc hội về một số vấn đề chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, tôi rất tâm đắc với những câu trả lời tâm huyết, trách nhiệm.

Tuy nhiên, là người công tác tại cơ sở, tôi chỉ xin chia sẻ về thực trạng và mong muốn của bà con xã Tà Cạ tới Quốc hội. Xã Tà Cạ có 11 bản đều là người dân tộc Khơ Mú, Thái, Mông. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương nên cuộc sống đồng bào có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày một ấm no.

Tuy nhiên, xã Tà Cạ địa bàn chủ yếu là núi đá, đất sản xuất ít, trình độ dân trí của bà con còn có mặt hạn chế. Tháng 10-2022, xảy ra trận lũ quét gây thiệt hại nặng nề cho bà con, 54 ngôi nhà trôi sập hoàn toàn, 218 hộ dân trong diện di dời khẩn cấp. Từ khi xảy ra lũ quét đến nay cũng gần một năm, dự án tái định cư cũng đã được phê duyệt nhưng vẫn còn vướng mắc từ nhiều lý do nên chưa thực hiện xong và bà con vẫn phải ở nhà tạm, đi ở trọ, ở nhờ, ở ghép.

Chúng tôi mong rằng, Quốc hội quan tâm, có chính sách phù hợp đến việc bố trí tái định cư, nhà ở cho đồng bào DTTS không chỉ ở Tà Cạ mà còn nhiều địa bàn miền núi trong cả nước. Bà con dân tộc miền núi bị ảnh hưởng thiên tai hiện nay đang cần nhất là sinh kế để phát triển kinh tế. Người dân thường bày tỏ với chúng tôi muốn có một đàn lợn đen, gà đen để chăn nuôi.

Bởi địa bàn rừng núi như ở Tà Cạ rất thuận lợi cho việc chăn nuôi lợn đen, gà đen, đồng thời giá bán trên thị trường ở địa phương cũng khá tốt. Thời gian qua, bà con DTTS, miền núi được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, từ các tổ chức thiện nguyện là điều đáng quý nhưng sẽ tốt hơn nếu sự hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn.

HOA LÊ (ghi)

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Tiến sĩ Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc:

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cần có sự chung tay của “3 nhà”

Tôi rất đồng tình với việc trả lời đầy đủ, chi tiết, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Nhân đây, tôi muốn chia sẻ một số vấn đề về thực trạng đào tạo nghề tại nhà trường và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc có kinh nghiệm gần 25 năm trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Nghệ An cũng như cả nước và quốc tế. Quá trình đào tạo, liên kết tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, chúng tôi thấy rằng, thực trạng hiện nay, lực lượng lao động chưa qua đào tạo nghề chiếm tỷ lệ còn nhiều dẫn đến việc thiếu lao động kỹ thuật cao. Hình thức xuất khẩu lao động và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chủ yếu tuyển dụng lực lượng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề.

Một thực trạng nữa là công tác phân luồng học sinh phổ thông đi học nghề nghiệp đã được các cấp quan tâm, chú trọng nhưng đa số các em đều mong muốn theo học đại học mà chưa hiểu đúng về việc học nghề, chọn hướng đi phù hợp với năng lực của bản thân. Mặt khác, từ nhiều năm nay, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường trong hoạt động đào tạo nghề chưa có hoạch định rõ ràng.

Doanh nghiệp chỉ thực sự muốn kết nối với nhà trường khi họ “khát” lao động, chưa có sự ràng buộc pháp lý để hợp tác đào tạo toàn diện, chuyên sâu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Từ những thực trạng đó, thiết nghĩ, Nhà nước và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần sớm có giải pháp hình thành sợi dây liên kết giữa “3 nhà”: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để đưa ra một chiến lược đào tạo nghề phù hợp với xu thế, thị trường lao động; cũng như nâng cao chất lượng khi xuất khẩu lao động, có chính sách ưu đãi hỗ trợ thiết thực để thu hút nguồn lực xã hội quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nghề, chung tay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực .

HOA LÊ (ghi)

----------

Cử tri Châu Minh Tiến Phúc, phường 8, quận 10, TP Hồ Chí Minh:

Quan tâm tạo việc làm ổn định cho người lao động

Qua theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung, chúng tôi rất quan tâm đến công tác giữ chân, tạo việc làm ổn định cho người lao động (NLĐ), nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sau đại dịch Covid-19 đến nay. Tình trạng NLĐ bị giảm thu nhập, mất việc vẫn xảy ra, nhất là ở khối doanh nghiệp tư nhân, các ngành nghề cần nhiều lao động ở khu vực phía Nam, đã tạo tâm lý lo lắng trong xã hội.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn nên việc giữ chân, tạo việc làm cho NLĐ tiếp tục là thách thức lớn, đòi hỏi Bộ LĐ-TBXH cùng các ngành chức năng phải có giải pháp khả thi.

Lực lượng lao động là sức khỏe của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phục hồi hiện nay. Để giữ chân NLĐ, bên cạnh thu nhập còn có nhiều hình thức phúc lợi, chính sách đồng bộ đi kèm để chăm lo, hỗ trợ, giúp họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Cử tri mong muốn Bộ LĐ-TBXH kịp thời tham mưu những chính sách khả thi để hỗ trợ, giải quyết việc làm, giữ ổn định thị trường lao động và bảo đảm an sinh xã hội. Cần nghiên cứu việc thành lập nguồn quỹ hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn đột xuất do cắt giảm nhân sự, mất việc làm. Bên cạnh đó, cần quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động các sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh các chương trình kết nối cung cầu lao động theo ngành nghề, lĩnh vực để tránh lãng phí nguồn nhân lực.

HÙNG KHOA (ghi)

----------

Cử tri Phan Trung Tiến, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng:

Cần tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm giải quyết việc làm cho lao động vùng nông thôn. Điều đó được thể hiện ở nhiều chính sách đã được triển khai, như: Đất đai, tín dụng nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp...

Có thể nói, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn đã được cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập. Một phần do nền kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng ở nước ta còn chậm phát triển, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm nên chưa tạo ra nhiều việc làm cho lao động ở vùng nông thôn. Mặt khác, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng nên nhiều vùng nông thôn ở nước ta, nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp; trong khi đó, trình độ của lao động nông nghiệp còn hạn chế, tỷ lệ lao động nông thôn không có việc làm đang có xu hướng gia tăng; công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn được triển khai còn chậm.

Việc làm tại nông thôn mang tính thời vụ rõ rệt, việc sử dụng lao động vùng nông thôn kém hiệu quả, hiện tượng thiếu việc làm là phổ biến. Do vậy, muốn giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn thì phải hạn chế đến mức tối đa tính thời vụ bằng cách phát triển đa dạng ngành nghề ở nông thôn, thâm canh tăng vụ, xây dựng cơ cấu cây trồng hợp lý.

Theo tôi, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục có những chủ trương, chính sách kịp thời nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nhất là tạo thêm nhiều cơ hội về việc làm cho lao động nông thôn; đồng thời cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục-đào tạo trong việc nâng cao dân trí cho nhân dân và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Muốn vậy, các địa phương cần quan tâm nâng cao trình độ cho lao động nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ giới hóa trong nông nghiệp, mà trước hết là phải tăng quy mô tích tụ ruộng đất theo hộ. Có như vậy mới áp dụng được các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, lao động nông thôn sẽ ngày càng tiến dần đến nền sản xuất hiện đại.

TRƯỜNG LƯU (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/y-kien-cu-tri-730441