Ý kiến Cử tri

Người nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi

Người nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nêu rõ lộ trình, giải pháp để tiến tới thử nghiệm rộng rãi vắc-xin phòng dịch bệnh tả lợn châu Phi; sử dụng chế phẩm an toàn sinh học cũng như xây dựng mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Tại tỉnh miền núi Bắc Kạn, thời gian qua, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên đàn đại gia súc, gia cầm vẫn diễn ra. Quy mô chăn nuôi ở các tỉnh như Bắc Kạn chủ yếu là hộ gia đình, nhỏ lẻ, rải rác cho nên khi gặp dịch bệnh, người dân thiệt hại lớn, việc dập dịch rất khó khăn, tốn kém. Vì vậy, tôi đề nghị cần tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, sản xuất các loại vắc-xin phòng bệnh trên gia súc, gia cầm với chất lượng tốt, giá thành hợp lý; sớm nhân rộng các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, có giải pháp liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, giúp người dân yên tâm sản xuất, làm giàu chính đáng.

Cử tri MA NGỌC TUYỀN
(Xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn)

Còn hạn chế, bất cập trong cắt giảm thủ tục hành chính

Theo quy định hiện hành, ngoài những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, người dân và doanh nghiệp được phép tự do kinh doanh những lĩnh vực mà luật pháp không cấm. Nhưng nhiều thủ tục hành chính trong thông tư của các bộ, thậm chí trong một số nghị định của Chính phủ vẫn đặt ra không ít rào cản. Những khó khăn này cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh; do đó, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

Theo tôi, Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan cần kiểm soát chặt việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các văn bản liên quan kinh doanh; khắc phục triệt để tình trạng ban hành văn bản trái với tinh thần Hiến pháp, luật; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong ban hành văn bản; khắc phục tình trạng giảm thủ tục ở lĩnh vực này, nhưng lại “mọc” ra những quy định, quy chuẩn khác. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục để tạo hành lang thông thoáng, thúc đẩy sự ra đời, phát triển của các doanh nghiệp.

Cử tri TRƯƠNG THỊ HÒA
(Phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội)

Cần triển khai toàn diện việc chuyển đổi số

Vấn đề chuyển đổi số được các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ thảo luận khá sôi nổi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Là cử tri của TP Hồ Chí Minh, địa phương đi đầu cả nước triển khai chương trình chuyển đổi số, tôi thấy cần phải có giải pháp toàn diện, đồng bộ hơn nữa trong việc chuyển đổi số. Để thật sự trở thành đô thị thông minh, toàn thành phố, từ cơ quan chính quyền đến từng người dân phải quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền như tầm nhìn đến năm 2030 mà chương trình chuyển đổi số của thành phố đã đặt ra. Trong đó, đặc biệt đối với chính quyền, cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện cải cách hành chính theo hướng ứng dụng công nghệ vào các hoạt động. Việc triển khai phải có kế hoạch, đặt ra mục tiêu cụ thể và phải có đánh giá hiệu quả của chương trình chuyển đổi số từ đó có kế hoạch nhân rộng. Tránh chuyển đổi số chỉ là hình thức, gây lãng phí về kinh phí và thời gian mà không tạo được sự đột phá…

Cử tri LÊ HỮU NGUYÊN
(Xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh)

Xử lý nghiêm các chủ đầu tư chậm cấp quyền sử dụng đất cho người dân

Tại tỉnh Quảng Ninh, vấn đề cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho người dân ở các dự án đô thị của một số chủ đầu tư còn chậm, thậm chí chây ỳ, kéo dài, gây bức xúc cho người dân. Mặc dù được các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương vào cuộc xử lý, ban hành chế tài xử phạt nghiêm, nhưng trên thực tế vẫn còn một số nơi, địa phương chưa sâu sát, quyết liệt cho nên một số chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy định của Nhà nước về việc cấp quyền sử dụng đất, nhà ở cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính nhưng vẫn cố tình xin được cấp phép, đến khi triển khai dự án không đáp ứng được các quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương. Tôi mong muốn, đối với bất kỳ dự án nào về phát triển đô thị, nhà ở cho người dân cần phải lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về việc cấp quyền sử dụng đất, nhà ở cho người dân. Nếu chậm thời gian theo quy định, sẽ bị xử phạt và chế tài xử phạt cần nghiêm minh, đủ sức răn đe. Đồng thời, khi cần phải chuyển cơ quan điều tra làm rõ.

Cử tri NGUYỄN HOÀNG TRƯỜNG
(Phường Hồng Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)

Cần tiếp tục cho vay ưu đãi xây nhà chòi tránh bão, lũ

Những ngày qua, nhân dân các tỉnh, thành phố miền trung nói chung, Quảng Bình nói riêng chịu ảnh hưởng trực tiếp của các trận bão chồng bão, lũ chồng lũ, gây thiệt hại lớn đối với đời sống và sản xuất. Đồng bào miền trung đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước cho nên từng bước vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thiên tai khắc nghiệt và mưa lũ bất thường như hiện nay, muốn ổn định đời sống người dân, đề nghị Chính phủ cần có các chính sách an sinh, nhất là những chương trình hỗ trợ người dân làm nhà chòi tránh bão, lũ hiện đang tạm dừng. Thực hiện chương trình này, được biết tại Quảng Bình có khoảng 2.500 ngôi nhà chòi được làm từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, với mức 15 triệu đồng/hộ nghèo. Nhờ đó, hàng nghìn hộ đã vượt qua lũ lớn an toàn. Vậy nên, cùng với hỗ trợ xây dựng các công trình cao tầng phòng tránh bão, lũ tập trung, Chính phủ cần xem xét tiếp tục thực hiện chương trình cho vay xây nhà chòi tránh bão, lũ lụt đối với không chỉ hộ nghèo mà cần mở rộng sang nhóm đối tượng hộ cận nghèo chưa có điều kiện làm nhà kiên cố vượt lũ. Đồng thời, nâng mức cho vay lên, bởi 15 triệu đồng là ít so với tổng kinh phí xây dựng nhà chòi có sàn bê-tông cốt thép để phòng, tránh bão, lũ lụt.

Cử tri NGUYỄN MINH
(Xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình)

Cần có giải pháp sử dụng nguồn nước hiệu quả, hợp lý

Thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn do nguồn nước ngọt ngày càng ít đi vì các đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Công chặn dòng và dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì thế vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho cư dân vùng ĐBSCL được người dân quan tâm. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu nhiều giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên này trong phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH. Trong đó, có giải pháp xây dựng hồ trữ nước ngọt cho vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2025.

Qua ba năm thực hiện nghị quyết quan trọng này, nhiều dự án giao thông, thủy lợi của vùng đã và đang được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc bảo đảm an ninh nguồn nước, trong đó có xây dựng hệ thống hồ chứa nước, hệ thống cung cấp nước tập trung cho vùng phục vụ sinh hoạt, sản xuất đến nay vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, tôi và người dân ĐBSCL mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng cho vùng thích ứng với BĐKH, nhất là khẩn trương đầu tư xây dựng hệ thống chứa nước, cấp nước tập trung cho vùng ĐBSCL trong điều kiện tình trạng hạn mặn diễn ra ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có kế hoạch sử dụng nguồn nước hợp lý theo từng tiểu vùng phù hợp hệ sinh thái; tăng cường đầu tư các dự án cấp bách có tích chất liên vùng; đẩy mạnh liên kết vùng để chia sẻ, sử dụng nguồn nước ngày càng hợp lý, hiệu quả hơn…

Cử tri DƯƠNG VĂN AN
(Khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/y-kien-cu-tri-623878/