Ý nghĩa của việc hoạch định và phân giới cắm mốc đường biên giới Việt Nam-Campuchia

Ý nghĩa lớn nhất của các Hiệp ước biên giới giữa Việt Nam và Campuchia là hai bên thể hiện rõ quyết tâm trong việc giải quyết bằng thương lượng hòa bình các vấn đề tồn đọng về biên giới, lãnh thổ.

Lễ ký biên bản vòng I Ủy ban liên hợp tại Phnom Penh, năm 1999.

Biên giới Việt Nam-Campuchia là đường biên giới giữa hai nước anh em được xác định trên cơ sở hợp tác, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và áp dụng một cách sáng tạo các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Thắng lợi chung

Trải qua nhiều chế độ khác nhau, vấn đề biên giới luôn chiếm sự quan tâm của nhân dân hai nước, từ hoạch định biên giới, phân giới cắm mốc, xây dựng bản đồ biên giới, giải quyết các khu vực tồn đọng, hoán đổi đất đai, xây dựng và phát triển hệ thống cửa khẩu quốc tế, quốc gia, các chợ thương mại biên giới và các vấn đề khác trong quản lý biên giới.

Việc hoạch định và hoàn thành 84% phân giới căm mốc đường biên giới là một thắng lợi chung của cả hai nước.

Ý nghĩa lớn nhất của các Hiệp ước biên giới 1983, 1985, 2005 và 2019 là hai bên thể hiện rõ quyết tâm của hai nhà nước Việt Nam và Campuchia trong việc giải quyết bằng thương lượng hòa bình các vấn đề tồn đọng về biên giới, lãnh thổ giữa hai nước, đồng thời làm thất bại âm mưu phá hoại tình đoàn kết giữa hai dân tộc của các thế lực thù địch đòi xóa bỏ các Hiệp ước, Hiệp định biên giới hai nước đã ký trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Việc hoàn thành 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới đã tái khẳng định giá trị hiệu lực và tính kế thừa của các Hiệp ước biên giới đã ký, đáp ứng mối quan tâm của chính quyền và nhân dân các địa phương hai bên biên giới và đặt cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thành các công việc còn lại.

Hai nước phấn đấu sớm hoàn thành toàn bộ phân giới cắm mốc đường biên giới, nhằm xây dựng đường biên giới hữu nghị, hòa bình, ổn định lâu dài và hợp tác cùng phát triển giữa hai dân tộc.

Các Hiệp ước và văn kiện pháp lý về biên giới thể hiện nguyện vọng và ý chí của hai nước trong tuân thủ luật pháp quốc tế, có những bổ sung điều chỉnh cần thiết trên nguyên tắc thỏa thuận, tạo điều kiện ổn định cuộc sống của nhân dân biên giới hai nước.

Thúc đẩy hợp tác

Đường biên giới theo bờ sông suối từ thời Pháp đã được điều chỉnh đi theo trung tuyến của sông không hải hành hoặc theo trung tuyến của luồng chính tàu thuyền đi lại với các sông hải hành (nguyên tắc thalweg) đã giúp nhân dân hai nước có cơ hội tiếp xúc nguồn nước sinh hoạt một cách bình đẳng.

Thỏa thuận hoán đổi đất trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích 1:1 là một sáng tạo bảo đảm cho nhân dân ở các khu vực quản lý quá sang nhau không bị xáo trộn đời sống sau khi hoạch định và phân giới cắm mốc.

Mốc biên giới số 230(1) tại vùng ngập lụt tỉnh Đồng Tháp.

Giải quyết vấn đề biên giới, đặc biệt là các khu vực cửa khẩu, đã góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước phát triển.

Việc thực thi các Hiệp ước bổ sung về biên giới và hoàn thành 84% phân giới cắm mốc đã thực sự đưa các văn kiện pháp lý về quản lý biên giới vào đời sống chính trị của hai nước. Đây là một thắng lợi lớn của hai bên, tiếp tục nâng quan hệ Việt Nam-Campuchia lên một tầm cao mới, thể hiện phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mà hai bên đã cam kết tháng 3/2005.

Đường biên giới Việt Nam-Campuchia với chất lượng cao, cột mốc chính quy hiện đại, được mô tả và thể hiện chi tiết trong Nghị định thư 2019 và bộ bản đồ hiện đại đính kèm là một biểu hiện của mối quan hệ anh em vào sinh ra tử, góp phần tích cực vào việc củng cố và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Việc giải quyết hoàn chỉnh đường biên giới Việt Nam-Campuchia sẽ góp phần tạo môi trường ổn định và phát triển cho khu vực biên giới, tạo điều kiện thực hiện Chương trình tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, chương trình Một cửa trong hài hòa các quy định hải quan, các chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng và ASEAN. Thành quả này còn góp phần bảo vệ hòa bình ổn định và phát triển trong khu vực.

Trong năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành bộ bản đồ địa hình biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia tỷ lệ 1:25.000. Đây là văn kiện pháp lý-kỹ thuật, thể hiện đầy đủ thành quả phân giới, cắm mốc biên giới đất liền hai nước đã đạt được và là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia ký ngày 5/10/2019.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/y-nghia-cua-viec-hoach-dinh-va-phan-gioi-cam-moc-duong-bien-gioi-viet-nam-campuchia-163354.html