Ý nghĩa không phải ai cũng biết của tục hái lộc đầu xuân

Tục hái lộc đầu năm trở thành một nét văn hóa trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt nhưng ít ai biết nguồn gốc và ý nghĩa của việc làm này.

Nguồn gốc tục hái lộc đầu năm

Theo tích xưa kể, khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng bèn cho mời các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền dạy rằng: "Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi".

Nghe cha phán truyền, các con đều bịn rịn không muốn chia tay mà muốn ở lại cùng cha mẹ. Trong khi các Lạc Hầu, Lạc Tướng, dân làng chưa biết tấu trình với Vua thế nào thì Hoàng hậu thưa: "Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, tôi nghĩ rằng Nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con…các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì phương ấy mà đi".

Tục hái lộc đầu xuân có từ thời vua Hùng. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Tục hái lộc đầu xuân có từ thời vua Hùng. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Thấy hợp lý, Vua lệnh truyền cho các Lạc Hầu, Lạc Tướng và các con về nhà nghỉ ngơi. Rồi chọn ngày lành tháng tốt, Vua làm Lễ tế Trời - Đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay) cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh, Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân.

Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và dạy rằng: "Non ở nhà, già đi ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển".

Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương răn dạy dân làm ăn trên đường đi nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con. Y lệnh vua, các con quỳ lạy cha mẹ nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền, vua cả mừng truyền cho dân làng mở hội để tiễn các con lên đường.

Trải qua mấy nghìn năm, nét đẹp này còn lưu truyền mãi mãi, tục xin lộc đầu xuân cầu may trong dân gian nhất là khu vực thuộc Kinh đô Văn Lang xưa. Cùng với nhiều phong tục khác, xin lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa Tết trong đời sống của người Việt Nam.

Ý nghĩa tục hái lộc đầu xuân

Cũng từ truyền thuyết Vua Hùng, cùng với quan niệm cổ truyền, vào thời khắc Giao thừa hoặc sớm mồng một Tết, nếu xin một cành lộc nhỏ nơi đền, chùa, miếu... rồi đem về cắm vào bình hoa hoặc treo trước hiên nhà sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm. Thường thì sẽ là những cành nhỏ của các loại cây có sức sống mạnh mẽ như xanh, si, sung, đa với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà.

Cụm từ “hái lộc” không đơn thuần chỉ mang nghĩa ngắt một cành cây, một ngọn cây hay một nhánh non vừa mới nhú. Cụm từ này còn mang ý nghĩa rất nhân văn mà tiền nhân muốn gửi gắm cho con cháu, mang ý nghĩa giáo dục sâu xa.

Đây chính là đạo lý nhân quả rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày “có làm thì mới có ăn”, “tay làm hàm nhai”…rất phổ biến trong văn học dân gian Việt Nam. Từ đó mà chê bai, phê phán thói “ăn không ngồi rồi”, lười lao động, chỉ muốn hưởng thụ.

Hái lộc đầu xuân trở thành tục lệ, một nét văn hóa rất riêng ngày Tết Nguyên đán. (Ảnh: Internet)

Bởi vậy, đạo lý nhân quả ông cha chúng ta đã gửi gắm qua nét đẹp “hái lộc đầu xuân” là những may mắn, những quả phúc mà ta gặt hái được phải xuất phát từ cái tâm, từ hành động, từ lời nói và ý nghĩ thiện lành mà chúng ta đã tạo nên. Vì thế, tâm thức của người khi “hái lộc” trước hết phải là một tâm thức thật sự thanh tịnh và thuần khiết thì lộc mà chúng ta hái được, nhận được mới thật sự tốt đẹp và ý nghĩa.

Phúc lộc mà ta nhận được mới thật sự của ta, chính nó do ta gieo trồng từ chính tâm thức của chúng ta. Muốn có cuộc sống tốt đẹp, hưởng lộc nhiều, phước nhiều cần phải gieo nhiều nhân lành. Thay vì hái lộc, thay vì cầu xin trời Phật, chúng ta nên gieo nhân lành bằng cách nghĩ, nói và làm các việc thiện. Hơn nữa, ông bà ta còn có quan niệm cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc tự nhiên ắt sẽ đến.

Hạ Vũ (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/lam-dep/y-nghia-khong-phai-ai-cung-biet-cua-tuc-hai-loc-dau-xuan-ar523118.html