'Y sĩ học có 3 năm mà cũng ra khám, chữa bệnh như bác sĩ là chết rồi'

Bác sĩ sử dụng bằng giả khiến người dân mất lòng tin, y sĩ học 3 năm đã được khám chữa bệnh… đã chỉ ra một thực tế là công tác đào tạo nhân lực ngành y tế vẫn còn nhiều bất cập.

Bộ Y tế đang kiến nghị đổi mới đào tạo y khoa. Ảnh minh họa

Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết, trong thời gian gần đây đã xuất hiện bằng giả bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế. Thậm chí, có bác sĩ có bằng đại học giả nhưng bằng cấp sau đại học lại là bằng thật, làm mất lòng tin cho nhiều người.

Có thể kể đến trường hợp "bác sĩ" Trần Đức Nghĩa sinh năm 1988 sử dụng bằng giả của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM để vào khóa học ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Hoặc trường hợp ông Nguyễn Hoàng Ân tự làm giả bác sĩ đa khoa (ký tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ), chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh để mở phòng khám chuyên khoa nội tổng hợp tại Cần Thơ.

Bên cạnh đó, hiện nay đầu vào trong định hướng chuyên khoa y khoa sau đại học chưa có sự thống nhất. Chẳng hạn như bằng đại học là y học cổ truyền nhưng bằng chuyên khoa sau đại học là chẩn đoán hình ảnh, gây khó khăn cho các đơn vị tuyển dụng. Theo bác sĩ Võ Đức Chiến, để kiểm soát được tình trạng bằng giả, các đơn vị đào tạo về lĩnh vực sức khỏe cần phải xây dựng một cơ sở dữ liệu để các cơ sở y tế có thể rà soát được bằng cấp và lĩnh vực đào tạo của người lao động.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, việc đa dạng hóa các mô hình đào tạo đã góp phần đáp ứng được số lượng bác sĩ trên vạn dân, đồng thời giúp cho các cơ sở y tế ở vùng sâu vùng xa giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây việc đào tạo nhân lực ngành y tế có nhiều bất cập và cần phải siết lại chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, việc đánh đồng bằng cấp giữa các cơ sở đào tạo đã tạo ra sự bất hợp lý và không đồng đều khi cấp chứng chỉ hành nghề.

Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định đề xuất nên xem lại việc đào tạo bác sĩ đa khoa, thực tế hiện nay chỉ còn trạm y tế xã là sử dụng bác sĩ đa khoa, còn từ bệnh viện tuyến huyện là đã cấp chứng chỉ nội, nội nhi, ngoại… chứ đâu có cấp bác sĩ đa khoa. Vì thế, nên quay trở lại đào tạo chuyên khoa như trước đây: 4 năm đa khoa và 2 năm chuyên khoa sẽ phù hợp hơn.

Tuy nhiên, phản biện ý kiến này, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, việc quay trở lại đào tạo bác sĩ chuyên khoa cũng là ý hay nhưng cần xem xét điều kiện thực tế. Hiện nay ngành đang đẩy mạnh thực hành ở y tế cơ sở, nếu cho một bác sĩ chuyên khoa giỏi về tai mũi họng xuống đó thì sẽ không làm được gì hết, ngoài việc khám tai mũi họng, còn nội – ngoại là chịu thua. Ở các trạm y tế, các phòng khám rất cần bác sĩ thực hành tổng quát, vì thế Bộ Y tế nên có định hướng làm sao tăng được lượng bác sĩ thực hành tổng quát này ở các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, nếu không sẽ không có lực lượng bác sĩ ở trạm y tế, phòng khám ban đầu. Chuyên khoa thì dứt khoát phải hoạt động ở bệnh viện hoặc trung tâm chuyên sâu.

Ông Thượng nêu vấn đề: “Ngoài ra cần có luật bao phủ được tất cả các loại hình nhân viên y tế, Việt Nam đang đi sau thế giới rất nhiều, ví dụ như thành phố phát triển rất cần lực lượng cấp cứu ngoại viện nhưng đào tạo thì không có nên bác sĩ buộc phải tham gia. Bác sĩ họ đâu có thích lên xe cứu thương chạy khắp nơi để cấp cửu, trong khi tại các nước khác, chỉ cần chuyên viên cấp cứu được đào tạo 2-3 năm là có thể đi cấp cứu ngoại viện”.

Bên cạnh đó, người dân vẫn có xu thế đổ xô về các bệnh viện. Tại TPHCM, bình quân lượng người đến khám tại các bệnh viện tăng 5% mỗi năm và tăng 10 năm nay chưa dừng. Phải có nhiều loại hình khám chữa bệnh để người dân chấp nhận khám ở cơ sở, giảm áp lực cho bệnh viện vì thực tế, có rất nhiều trường hợp không cần phải lên bệnh viện tuyến trên, có thể tham khảo các loại hình khám ngoại viện, khám tại nhà… của các nước trên thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, hiện Việt Nam đang đào tạo bác sĩ tương đối “thoải mái”: “Y sĩ học có 3 năm mà ra khám bệnh chữa bệnh là chết rồi, trong khi bác sĩ đào tạo 6 năm còn chưa ăn ai”.

Ông Quang cho biết, với thời gian đào tạo rất ngắn thì không đủ trình độ và năng lực khám chữa bệnh. Chính vì vậy, Bộ Y tế có chủ trương năm nay sẽ không đào tạo y sĩ, kiến nghị Chính phủ chỉ đào tạo bác sĩ y khoa, trên cơ sở đổi mới đào tạo y khoa theo hướng: sau khi đào tạo 4 năm cử nhân y khoa sẽ tiếp tục đào tạo 2 năm để thành bác sĩ y khoa. Sau đó phải thi tuyển kỳ thi quốc gia, đạt được chứng chỉ hành nghề và học thêm chuyên khoa 3 năm. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng tay nghề của bác sĩ cũng như chứng chỉ hành nghề.

Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có 181 cơ sở đào tạo y khoa với nhiều hình thức đào tạo như: chính quy tập trung, liên thông, đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển, hệ vừa học vừa làm và các chương trình liên kết đào tạo… Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngô Quang cho hay, công tác đào tạo nhân lực y tế vẫn còn những bất cập như việc mở rộng quy mô đào tạo khiến khó kiểm soát chất lượng đào tạo.

Hệ thống, khung trình độ, chương trình và phương pháp đào tạo nhân lực y tế chậm đổi mới, chưa tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế. So với mặt bằng quốc tế, thời gian học, thực hành, chất lượng đầu ra vẫn thấp, không được công nhận tương đương; chất lượng đào tạo một số trường chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực hiện việc kiểm định chất lượng, tổ chức thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề. Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo mới được ban hành, chưa được áp dụng để quản lý chất lượng đào tạo. Chưa gắn kết chặt chẽ đào tạo giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, giữa dự phòng và điều trị; còn ít chương trình đào tạo được tích hợp dự phòng với điều trị, y học hiện đại với y học cổ truyền.

An Nhiên

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/y-si-hoc-co-3-nam-ma-cung-ra-kham-chua-benh-nhu-bac-si-la-chet-roi-post308068.info