Ý tưởng cộng đồng và giấc mơ xanh

Từng bị cha mẹ phản đối vì mang bùn thải, rác... về nhà làm thí nghiệm, nhưng Trương Bội Linh, cựu sinh viên khoa Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TPHCM vẫn ngày đêm cần mẫn thực hiện những dự án cho cuộc sống xanh hơn.

Trương Bội Linh (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên trong dự án “Máy đùn nhựa”

Biến nhà thành phòng thí nghiệm

Linh sớm bộc lộ tình yêu môi trường từ khi còn là học sinh cấp 3. Tình yêu đó đến từ những câu chuyện hết sức đời thường, dễ thương. Khi tham gia các hoạt động của nhà trường, Linh đóng vai là cây xanh bị chặt phá. Cô viết lên những dòng cảm xúc của mình khi bị con người ngược đãi bằng những câu chuyện về môi trường được nhân cách hóa. Những câu chuyện đó lay động các bạn học sinh trong trường.

Ở hầu hết các thành phố lớn nước ta, Linh nhận thấy một điều là rác xuất hiện khắp nơi, nhất là túi ni lông và chai lọ. “Tạo hóa ban tặng cho con người nhiều cảnh quan đẹp như vậy, nhưng ở nhiều nơi, nhiều chỗ, con người lại không biết trân trọng điều đó. Tại sao con người lại không thể sống hòa hợp với thiên nhiên”- Linh tâm niệm.

Tình yêu môi trường của Linh lớn dần, lớn dần đến khi cô gái này quyết định bước chân và dấn thân vào nó khi trúng tuyển vào ngành Khoa học môi trường, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TPHCM. Thế nhưng, tình yêu đó lại gặp phải sự ngăn cản từ phía gia đình cô. Lúc vào ĐH, cha mẹ Linh cứ nghĩ con gái mình sẽ trở thành một cán bộ quản lý môi trường sau khi tốt nghiệp với công việc hành chính nhẹ nhàng. Nhưng những suy nghĩ đó của họ hoàn toàn trái ngược với những hình ảnh mà họ nhìn thấy ở con gái mình.

Linh bắt đầu thức khuya, dậy sớm đến trường làm việc ở phòng thí nghiệm. Cô mang bùn thải, rác về nhà làm thí nghiệm khiến phụ huynh hết sức ngỡ ngàng. Dù bố mẹ không hài lòng, nhưng Linh vẫn quyết tâm theo đuổi. Cô tin rằng, những giải pháp của mình sẽ có ngày gặt hái được quả ngọt.

Tâm huyết cộng đồng

Linh dùng những kết quả nghiên cứu của mình để tạo ra những lợi ích cho cộng đồng, cũng như giáo dục cho người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. Chiếc máy đùn nhựa là một trong những sản phẩm như vậy. Với sự hỗ trợ của Karl, một kỹ sư môi trường từ nước Đức, Linh và các thành viên nhóm đã tạo ra chiếc máy nghiền và đùn nhựa. Chiếc máy này tái chế các sản phẩm nhựa ABS (nhựa từ vỏ các thiết bị điện tử), tạo thành các sợi nhựa làm nguyên liệu đầu vào cho máy in 3D.

Để nâng cao ý thức của người dân về tái chế nhựa, Linh đã nghĩ ra giải pháp “đổi quà”. Khi tham gia vào chương trình này, những vỏ từ sản phẩm nhựa của các thiết bị điện tử khi mang đến điểm tiếp nhận sẽ được đổi những phần quà ý nghĩa như tập, sách, vở, bút viết và các nhu yếu phẩm khác.

Cô đã vận động nhà trường tài trợ quà tặng và đã được đồng ý. Ngày hội Sống xanh do Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM tổ chức mới đây, gian hàng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành rất “đắt hàng” khi nhiều người dân đến đổi quà. Cùng với đó, Linh tranh thủ tuyên truyền luôn về những lợi ích thiết thực của việc sử dụng các sản phẩm tái chế để bảo vệ môi trường.

Chiếc máy đùn nhựa sẽ được nhóm đưa vào chương trình giảng dạy nhằm gợi mở cho các bạn sinh viên về nghiên cứu khoa học trong vấn đề môi trường. Hiện tại các thành viên trong nhóm đang biên soạn chương trình và sẽ ra mắt trong các tiết học của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong thời gian tới. Tiếp theo nhóm có thể phổ biến chương trình đến các địa phương và các trường học khác.

Giáo dục môi trường phải từ trong nôi

Linh cho rằng, nếu việc giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường được thực hiện ở bậc học mầm non, tiểu học thì khi lớn lên, ý thức của các em sẽ tốt hơn. Cũng có thể, nhận thức này sẽ lan tỏa đến những phụ huynh.

Về phần mình, Linh chọn cho mình một cuộc sống xanh bằng chính những việc làm giản đơn nhất. Cô gái này thường dậy sớm, tự làm đồ ăn sáng, pha cà phê và tự uống. Theo Linh, làm như vậy mình sẽ không sử dụng các loại cốc nhựa, túi ni lông, hộp xốp…

Linh thường xuyên mang ba lô để đựng đồ, hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông, mang bình nước theo để không mua chai nước nhựa.

Linh không sử dụng son môi, hay bất cứ một loại mỹ phẩm nào. Trong bất cứ sự kiện nào, hay đi dự tiệc, Linh đều không trang điểm. Nhiều bạn bè chế giễu Linh và cho là cô bị “khùng”. Linh bỏ ngoài tai tất cả. “Nhiều bạn gái sử dụng ống hút trong lúc dùng các loại thức uống vì sợ nước làm mất màu son. Nhưng màu son chỉ mất vài giây để tô lại, còn khi một ống hút xả ra môi trường phải mất hơn 1.000 năm sau mới phân hủy hết”- Linh chia sẻ.

Chia sẻ về những kế hoạch trong tương lai của mình, Linh nói sẽ dốc sức “cày” tiếng Anh để xin các suất học bổng du học. Mục tiêu của Linh là Đài Loan (Trung Quốc) hoặc các nước châu Âu, nơi việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong các vấn đề về môi trường rất đáng được học hỏi. “Một ngày nào đó, mình sẽ trở về, tiếp tục phát triển các dự án đang làm để có thể mang đến cho xã hội những giá trị thiết thực hơn, rộng rãi hơn”- Linh nói.

Trương Bội Linh sinh năm 1995, hiện làm việc tại Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Giải Khuyến khích cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2016 do Thành đoàn TPHCM tổ chức với công trình “xử lý bùn thải thành phân hữu cơ”.

Huy chương Vàng tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TPHCM năm 2015 với sản phẩm “Tủ ủ bùn và ủ vi sinh”.

Huy chương Bạc tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TPHCM năm 2016 với sản phẩm “Chất tẩy rửa sinh học từ rác”.

Giải nhì cuộc thi “Môi trường và con người” lần thứ 9 do Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) tổ chức năm 2016.

Thụy An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/y-tuong-cong-dong-va-giac-mo-xanh-3944306-b.html