Ý tưởng kinh doanh bánh kẹo 'handmade' của nữ sinh Báo chí

Với sở thích nấu nướng và niềm đam mê với các loại đồ ngọt, Nguyễn Thị Thơm (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) đã thành công với việc kinh doanh online các sản phẩm bánh kẹo 'handmade'.

Từ nhỏ, Thơm đã có sở thích nấu ăn và hay tìm tòi những món mới để đãi gia đình. Ban đầu, cô làm ra các món ăn rồi chụp ảnh đăng lên mạng xã hội Facebook để lưu lại kỉ niệm. Tình cờ lại có rất nhiều người quan tâm sản phẩm này và hỏi mua chúng. Từ đó, ý tưởng kinh doanh sản phẩm bánh kẹo “handmade” nảy sinh và Thơm quyết định thực hiện nó.

Bánh kẹo sản xuất ra luôn được Thơm đóng gói bằng các loại bao bì bắt mắt.

“Những sản phẩm mình làm ra chủ yếu để cho gia đình, người thân và bạn bè sử dụng nên mình luôn lựa chọn nguyên liệu tự nhiên, nguồn gốc rõ ràng và không chất bảo quản. Mục đích của kinh doanh, ngoài lợi nhuận, mình còn có một mong muốn là ngày càng nhiều người được sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh, an toàn như chính người thân trong gia đình làm ra vậy”.

Chắt chiu từ các khâu nguyên liệu, sản xuất đến đóng gói và tiêu thụ nên sản phẩm của Thơm luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy mới tham gia thị trường Trung Thu 2021 nhưng cô đã bán được hơn 1.000 chiếc bánh nướng, bánh dẻo. Dịp Tết Nhâm Dần 2022 vừa rồi, Thơm bán số lượng lớn mứt dừa, chè lam và một số loại bánh kẹo, đặc biệt là món “xôi gấc nghệ thuật”.

Mặt hàng “xôi gấc nghệ thuật” được cho là “cháy hàng” dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

“Bánh kẹo handmade cần sự tỉ mỉ, rất kỳ công nên mình chú trọng vào chất lượng chứ không chạy theo số lượng. Nhờ kinh doanh bánh kẹo handmade mà Tết này mình đã tự tin về tài chính hơn một chút”, Thơm thổ lộ.

Chia sẻ về khó khăn và thuận lợi trong quá trình kinh doanh, Thơm cho biết: “Vì là người mới vào nghề nên mình vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, mình đã cố gắng tìm cách khắc phục ngay sau mỗi lần thử nghiệm. Vì vậy, sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng luôn là những sản phẩm có chất lượng tốt. Hiện tại, mình vẫn luôn học hỏi, trau dồi để nâng cao tay nghề. Thuận lợi lớn nhất của mình có lẽ là nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ từ gia đình. Kỉ niệm khiến mình nhớ nhất là vào dịp Tết Trung Thu 2021 vừa rồi, cả nhà mình đều phải thức thâu mấy đêm để đảm bảo đơn hàng đến tay khách đúng hẹn. Hình ảnh mình nhớ nhất là bà nội đã 74 tuổi ngồi đóng gói tem nhãn giúp cháu tới tận 2h sáng”.

Bánh Trung Thu được coi là sản phẩm “handmade” thành công nhất của Thơm cả về số lượng và chất lượng.

Chia sẻ về cách cân bằng giữa việc học và kinh doanh, Thơm "bật mí": “Một trong những kỹ năng mà mình được học hỏi từ chính mẹ của mình là kỹ năng quản lý thời gian. Ưu tiên hàng đầu của mình vẫn là việc học. Ngoài giờ học chính thì mình có rất nhiều thời gian rảnh. Lúc đó, mình sẽ đi chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế sẵn và sắp xếp mọi thứ trước để lúc bắt tay vào làm sẽ thuận tiện và tiết kiệm thời gian hơn".

Là sinh viên chuyên ngành Báo in nhưng Thơm lại có đam mê to lớn với việc kinh doanh bánh kẹo.

Nói về dự định của bản thân, nữ sinh viên Báo chí tiết lộ, cô đang ấp ủ mơ ước mở một tiệm bánh hay quán cafe bánh ngọt. Thơm mong rằng, những kiến thức mà mình học được sẽ giúp tiệm bánh phát triển một cách nhanh chóng và bền vững trong tương lai.

Ngọc Tân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/y-tuong-kinh-doanh-banh-keo-handmade-cua-nu-sinh-bao-chi-post1416164.tpo