Y Tý – đô thị du lịch lớn trong tương lai

Nhắc tới Lào Cai, du khách nhớ nhiều tới mảnh đất Sa Pa. Thế nhưng, có một vùng đất mang tên Y Tý (Bát Xát) cũng chứa đựng nhiều điều thú vị. Vài năm trở lại đây, Y Tý trở thành điểm đến mới của nhiều du khách thích khám phá, trải nghiệm.

Vùng đất Y Tý được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú được bảo tồn. Nổi bật là những cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng; đỉnh Lảo Thẩn cao 2.860 m được ví như “Nóc nhà Y Tý” với vẻ đẹp nguyên sơ, là thiên đường “săn mây” đã được nhiều người biết tới. Lảo Thẩn cũng là 1 trong 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam và có tiềm năng phát triển loại hình du lịch thể thao mạo hiểm. Trong hành trình trải nghiệm Y Tý, du khách cũng có cơ hội khám phá các thác nước hùng vĩ, như: thác Xanh, Thiên Sinh, Lao Chải, Hồng Ngài. Ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, Y Tý có nhiều loài cây và hoa đặc trưng, như: đỗ quyên, đào rừng, sơn tra, phong lá đỏ và các loài thảo dược quý hiếm…

Y Tý cũng là điểm tham quan hấp dẫn với cầu Thiên Sinh - cây cầu quốc tế ngắn nhất nối hai nước Việt Nam và Trung Quốc và các cột mốc biên giới mang ý nghĩa lịch sử, địa lý; công viên Choản Thèn - cây hạnh phúc, là điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách; Danh thắng ruộng bậc thang Thề Pả được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia từ năm 2015, thu hút nhiều du khách đến tham quan vào mùa nước đổ và mùa lúa chín…

Bên cạnh đó, Y Tý là nơi hội tụ của văn hóa dân tộc Hà Nhì đen, với những nét độc đáo về kiến trúc nhà ở, trang phục và đời sống sinh hoạt đặc trưng. Lễ hội Khô Già Già (Lễ hội Cầu mùa) của người Hà Nhì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014; Lễ Gạ Ma Do (Cúng rừng) và nhiều nghi lễ truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Thôn Lao Chải và Choản Thèn đã được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, gắn với du lịch cộng đồng, khám phá giá trị văn hóa đặc trưng của người Hà Nhì.

Y Tý là vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Chính vì vậy, nhiệm vụ của Bát Xát là “đánh thức” những tiềm năng này để định danh Y Tý trên bản đồ du lịch cả nước.

Bà Bàn Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát.

Từ vùng đất heo hút trên vách đá dựng đứng, là cái tên xa lạ với du khách, những năm gần đây, Y Tý đã được đông đảo du khách biết đến, đặc biệt là khách phượt và thích các hoạt động trải nghiệm. Hằng năm, có nhiều lượt khách đến Y Tý “săn mây”, ngắm ruộng bậc thang mùa nước đổ, mùa lúa chín; nhiều tour leo núi được hình thành; nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức tại địa phương.

Tháng 7/2020, UBND tỉnh Lào Cai đã công bố quy hoạch Y Tý trở thành đô thị du lịch, với mục tiêu đưa mảnh đất vùng biên này có tên trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước. Theo đó, đô thị Y Tý nằm trong tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2040; thuộc chương trình nâng cấp đô thị theo Đề án "Phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030". Đây là "cú hích" quan trọng, đánh thức tiềm năng để Y Tý phát triển mạnh mẽ, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm (tăng gần gấp đôi so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%...

Quả thực, du lịch Y Tý đã có những bước phát triển ngoạn mục sau khi công bố quy hoạch vùng đất này trở thành đô thị du lịch trong tương lai. Nếu như năm 2016, Y Tý chỉ đón được 8.000 lượt khách, thì đến năm 2022, đã đón 40.055 lượt khách. Tốc độ tăng trưởng trung bình về khách du lịch giai đoạn 2016 - 2022 đạt trên 40%/năm.

Du lịch Y Tý đã có bước phát triển nhanh chóng và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân; mở ra hướng đi mới quan trọng, bền vững trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của địa phương

Ông Nguyễn Văn Tài, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và hoàn thành mục tiêu phát triển Y Tý thành đô thị du lịch lớn của tỉnh, UBND huyện Bát Xát đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch Y Tý và các vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Hiện trên địa bàn Y Tý đã hình thành 4 tuyến trekking, gồm: du lịch dã ngoại dọc 2 bên suối từ Mò Phú Chải xuống Lao Chải; du lịch dã ngoại Choản Thèn - thác Thiên Sinh; du lịch dã ngoại Y Tý – đỉnh Cú Nhù San; du lịch dã ngoại Y Tý - đỉnh Lảo Thẩn.

Cùng với đó, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm bản sắc văn hóa cộng đồng được xác định là một trong những trọng tâm ưu tiên, trên cơ sở khai thác, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông ở các thôn, bản của xã Y Tý; hình thành sản phẩm du lịch gắn với nghề truyền thống, như làng nghề nấu rượu, đan mây, thêu thổ cẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa gắn văn hóa dân tộc Hà Nhì, như Lễ cúng rừng “Gạ Ma Do”, Lễ hội Khô Già Già, Lễ Mua Thu Do... Ngoài ra, hằng năm, một số sự kiện du lịch cũng được tổ chức tại Y Tý nhằm quảng bá và thu hút du khách, như Y Tý đại ngàn, Giải thể thao chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, Giải đua xe đạp địa hình “Đi giữa mùa hoa đỗ quyên”…

Một số nhóm sản phẩm du lịch khác được xem là "thế mạnh” của Y Tý cũng được chú trọng đầu tư, phát triển đó là: Du lịch nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe gắn với khai thác tri thức dân gian về thảo dược và nguồn dược liệu với các sản phẩm thảo dược, thuốc tắm, thuốc ngâm chân, tinh dầu và khu nghỉ dưỡng, tắm lá thuốc; trải nghiệm ngắm hoa dã quỳ dọc hai bên tuyến đường từ trung tâm xã Y Tý đến cầu Thiên Sinh; hoa đỗ quyên trong rừng già (nằm trong khu vực bảo vệ của Khu Bảo tồn Thiên nhiên huyện Bát Xát); hoa mua tím trên tuyến đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn.

Tiềm năng và cơ hội phát triển là vậy, nhưng thực tế cho thấy, có nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ, nhất là hạ tầng giao thông thì du lịch Y Tý mới “cất cánh”.

Hiện giao thông kết nối từ trung tâm huyện Bát Xát đến trung tâm xã Y Tý gồm 3 hướng, trên cơ sở các tuyến Tỉnh lộ 156, 156B, 158 và đường Trịnh Tường - Y Tý (đường huyện 106). Các tuyến đường kết nối từ Bản Vược - Trịnh Tường - A Mú Sung đến Y Tý được đầu tư trong giai đoạn 2000 - 2015 theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, qua thời gian khai thác, tác động của mưa lũ, đến nay đã xuống cấp, đi lại khó khăn.

Từ thực trạng trên, để đảm bảo giao thông thuận lợi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch khu vực Y Tý, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 11/12/2020 về phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, đến năm 2025, các tuyến đường kết nối đến trung tâm xã Y Tý sẽ cơ bản được nâng cấp, mở rộng đạt từ cấp IV đến cấp V, mặt đường bê tông nhựa rộng tối thiểu 6,5 m, đảm bảo cho việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế.

Hiện nay, một số dự án giao thông kết nối với Y Tý đang được triển khai, gồmTỉnh lộ 156 (đoạn Kim Thành - Bản Vược - A Mú Sung), trong đó đoạn từ Kim Thành đi Bản Vược đang được triển khai thi công nâng cấp, mở rộng nền và mặt đường, dự kiến hoàn trong năm 2023; đoạn từ Bản Vược đi Cốc Mỳ dự kiến khởi công nâng cấp, mở rộng trong quý III/2023; đoạn từ Cốc Mỳ đi Tùng Sáng đã cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện để bàn giao.

Tỉnh lộ 156B(đoạn từ Bản Vược đi Bản Xèo) đang thi công, dự kiến hoàn thành trong quý III/2023.

Tỉnh lộ 158 (đoạn A Mú Sung – Y Tý – Dền Sáng), từng phân đoạn của tuyến đường đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể:

Đoạn qua xã A Mú Sung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1624/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 bằng nguồn vốn vay JICA, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023 - 2025; đoạn từ A Mú Sung - Ngải Thầu dự kiến khởi công nâng cấp trong quý III/2023; đoạn từ A Lù - Ngải Thầu – Y Tý đã cơ bản hoàn thành nâng cấp mở rộng, đang hoàn thiện để bàn giao công trình (dự kiến bàn giao trong tháng 8/2023). Các đoạn tuyến còn lại từ Y Tý đi Dền Sáng, Mường Hum, Bản Xèo đang được triển khai thi công, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2024.

Riêng tuyến đường Trịnh Tường - Y Tý (đường huyện 106) có chiều dài 30 km, hiện đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư do Ban Quản lý dự án ODA làm chủ đầu tư với quy mô đường cấp IV miền núi.

Như vậy, đến năm 2025 sẽ hoàn thành các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối Y Tý và giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, mở ra cơ hội để du lịch Y Tý phát triển, cũng như hiện thực hóa mục tiêu đưa Y Tý trở thành đô thị du lịch.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/y-ty-do-thi-du-lich-lon-trong-tuong-lai-post371903.html