Yên Bái: 75 năm xây dựng và phát triển

Hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh (11/4/1900 – 11/4/2020) và 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30/6/1945 – 30/6/2020), Đảng bộ, quân và dân tỉnh Yên Bái hân hoan với những thắng lợi đã đạt được, tiếp tục ghi những dấu ấn quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển.

Thành phố Yên Bái đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Thành phố Yên Bái đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đầu những năm 40 của thế kỷ 20, những cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng quan trọng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Tháng 10/1944 đến đầu năm 1945, nhiều cơ sở cách mạng đã được xây dựng, phát triển ở các huyện trong tỉnh, đặt nền móng cho sự ra đời của Chi bộ đảng đầu tiên ở thị xã Yên Bái.

Ngày 30/6/1945, tại đình Hiền Lương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Sự kiện trọng đại này đã đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Ngay sau khi được thành lập, Ban Cán sự Đảng đã đề ra 3 chủ trương tập trung lãnh đạo phong trào cách mạng và nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành khởi nghĩa, giải phóng các châu: Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái, đưa Yên Bái trở thành một trong những địa phương trong cả nước giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất.

Ngày 22/8/1945, tại vườn hoa Nhà Kèn, Ban Cán sự Đảng tổ chức lễ mít tinh ra mắt UBND cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, chính quyền non trẻ tỉnh Yên Bái phải chống "giặc đói", "giặc dốt" và giặc ngoại xâm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, dũng cảm, mưu trí bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, củng cố lực lượng vũ trang vững mạnh, phối hợp với bộ đội chủ lực mở các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Sông Thao, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, đặc biệt là Chiến dịch Tây Bắc, đập tan hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng Yên Bái.

Tiếp đó, tỉnh đã huy động sức người, sức của, cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Yên Bái bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra những biến đổi quan trọng trong đời sống xã hội ở địa phương. Trong khí thế toàn dân thi đua khôi phục kinh tế - xã hội, ngày 25/9/1958, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn của Đảng và Chính phủ tới thăm và ân cần chỉ dẫn cách xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh.

Sau gần 35 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, vượt khó vươn lên. Đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, với bản lĩnh chính trị, ý chí tự cường, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo được dấu ấn nổi bật. Tăng trưởng kinh tế đã có sự chuyển biến tích cực, GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 40,3 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Yên Bái có 7 cây cầu hiện đại vượt sông Hồng kết nối đôi bờ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

Toàn tỉnh có thêm 72 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, nâng tổng số xã Nông thôn mới lên 78 xã, chiếm trên 50% số xã của tỉnh, gấp hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Trong đó có 3 xã Nông thôn mới kiểu mẫu, 11 xã Nông thôn mới nâng cao; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi khu vực Tây Bắc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới. Chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường đa dạng và năng động, Yên Bái đã có các vùng chuyên canh nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như vùng quế 78.000ha; vùng cây ăn quả gần 10.000 ha; vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên 220.000 ha; vùng măng bát độ 6.600 ha; vùng Sơn Tra trên 10.000 ha, vùng dâu tằm gần 1000 ha; vùng lúa đặc sản trên 3.000 ha… Sản xuất nông nghiệp đã tạo đông lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đến nay, Yên Bái đã có một nền công nghiệp phát triển khá, là một trong số các tỉnh dẫn đầu khu vực về giá trị sản xuất công nghiệp. Tỉnh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đầu tư vào Yên Bái như: Tập đoàn Vigroup, Sun Group, Tập đoàn Euro Window, Tập đoàn APEC, Tập đoàn dược phẩm Nippon Joki, Tập đoàn Bảo Lai, các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp may Hàn Quốc. Các sản phẩm công nghiệp của Yên Bái đã có mặt tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau nhiều thập niên phấn đấu, Yên Bái đã có một hệ thống giao thông phát triển đồng bộ kết nối liên vùng và trong tỉnh.

Trung tâm thành phố Yên Bái.

Đặc biệt, Yên Bái là một trong số ít các tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng giao thông nông thôn. Cả tỉnh đã có 7 cây cầu hiện đại vượt sông Hồng kết nối đôi bờ, đáp ứng khát vọng ngàn đời của người dân. Cùng với Cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua địa bàn, những năm gần đây nhiều tuyến đường khang trang, hiện đại được đầu tư đã tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo diện mạo mới cho quê hương Yên Bái.

Du lịch đã và đang trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn quan trọng của tỉnh với nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn mang bản sắc riêng như: Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội đền Đông Cuông; du lịch hồ Thác Bà; Khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ; suối nước nóng Trạm Tấu, các sản phẩm du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế...

Thực tế cho thấy, những thành tựu to lớn, những truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng suốt 75 năm qua chính là kết tinh trí tuệ, tâm huyết, sức lực, bản lĩnh, sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ cha ông. Ấy cũng chính là sự cống hiến của hàng ngàn cán bộ, đảng viên ưu tú và hàng vạn đồng bào các dân tộc trên quê hương Yên Bái dù khó khăn, gian khổ vẫn một lòng, một dạ sắt son với Đảng, tuyệt đối, trung thành với lý tưởng cách mạng mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Nhìn lại chặng đường cách mạng đã qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái có quyền tự hào về những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang 75 năm qua, trong giai đoạn phát triển mới, bằng bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết, nỗ lực vượt khó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Thái Hà

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/yen-bai-75-nam-xay-dung-va-phat-trien-282955.html