Yên Bái chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn

Năm 2017, Sở đã phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức 6 lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho 655 người là lãnh đạo, cán bộ quản lý an toàn lao động, kỹ sư vận hành, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh Yên Bái hiện có hơn 1.600 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, với hàng nghìn người lao động đang làm việc, trong đó có nhiều người đang làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại như: khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến gỗ rừng trồng... Chính vì vậy, đảm bảo An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ luôn là một mục tiêu hàng đầu được tỉnh và các doanh nghiệp hết sức quan tâm chú trọng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 công tác Lao động, Người có công và Xã hội, ngay từ đầu năm 2017, Sở đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai nhiều hoạt động nổi bật tập trung trên các lĩnh vực.

Đặc biệt là công tác Lao động- Việc làm; Dạy nghề. Theo đó, Sở đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Yên Bái và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng; trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Yên Bái, lần thứ nhất năm 2017.

Tháng hành động về An toàn - vệ sinh lao động lần thứ nhất năm 2017 của tỉnh Yên Bái đã được tổ chức sáng 6/5 tại TP Yên Bái với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.

Sở đã phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức 6 lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho 655 người là lãnh đạo, cán bộ quản lý an toàn lao động, kỹ sư vận hành và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.

Với những nỗ lực chung của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân lao động, Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Đó là nhận thức, ý thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ (PCCN) từng bước đã có chuyển biến tích cực; điều kiện, môi trường làm việc được quan tâm, cải thiện hơn; công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm, triển khai chủ động hơn. Tần suất tai nạn lao động đã có chiều hướng giảm, đặc biệt trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ, rủi ro cao.

Theo báo cáo, năm 2016, qua công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 54 đơn vị, cơ sở. Tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước 126.600.000 đồng. Đã tiến hành điều tra cơ bản về phòng cháy, chữa cháy 9/9 huyện, thị xã, thành phố, kiểm tra định kỳ, đột xuất tại 930 lượt cơ sở, lập 930 biên bản kiến nghị đảm bảo an toàn PCCC.

Tổ chức huấn luyện về cấp cứu cơ bản, các bệnh nghề nghiệp trong sản xuất kinh doanh cho 19 cơ sở với 4.284 người. Tổ chức dịch vụ khám sức khỏe định kỳ cho 74 cơ sở cho hơn 9.000 lao động.

Các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tỉnh đã phối hợp, tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện và thanh tra, kiểm tra chuyên đề về ATVSLĐ - PCCN tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở các ngành nghề có nhiều yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, dễ gây sự cố cháy nổ và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, tiến hành lập 18 biên bản vi phạm hành chính với 241 kiến nghị về lĩnh vực lao động và phòng, chống cháy nổ đối với các hành vi vi phạm hành chính.

Năm 2017, tỉnh, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, kết hợp sự kiểm tra đôn đốc của các cấp, các ngành với sự tham gia tích cực của đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác ATVSLĐ; gắn công tác thanh tra, kiểm tra với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động và Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Tổ chức tuyên truyền Bộ luật lao động, Luật Phòng cháy và chữa cháy, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn công tác ATVSLĐ-PCCN trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở bám chặt chủ đề: “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.

Sở cũng yêu cầu giám đốc các doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATVSLĐ để hiểu và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; không ngừng cải thiện môi trường, điều kiện lao động để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn nhất; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật về công tác ATVSLĐ-PCCN.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra tình hình thực hiện và chấp hành các quy định của pháp luật lao động, ATVSLĐ-PCCN trong các doanh nghiệp để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong các doanh nghiệp; khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và cá nhân làm tốt công tác ATVSLĐ-PCCN; đồng thời xử phạt nghiêm minh, những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật về ATVSLĐ-PCCN.

D. Thùy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/yen-bai-chu-trong-dam-bao-an-toan-ve-sinh-lao-dong-tren-dia-ban-post250965.info