Yên Bái, Đà Nẵng, Bình Dương, Phú Thọ khẩn trương sàng lọc F0

Ngày 3/11, các địa phương Yên Bái, Đà Nẵng, Phú Thọ, Bình Dương khẩn trương tiến hành các biện pháp ứng phó với COVID-19 như khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng, truy vết các F0, F1...

Lấy mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN)

Ngày 3/11, các địa phương Yên Bái, Đà Nẵng, Phú Thọ, Bình Dương khẩn trương tiến hành các biện pháp ứng phó với COVID-19 như khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng, truy vết các F0, F1...

Yên Bái: 4 trường hợp tiếp xúc gần với F0 âm tính lần 1 với SARS-CoV-2

Theo thông tin nhanh từ Sở Y tế tỉnh Yên Bái, ngày 3/11, đội truy vết của tỉnh đã ghi nhận thông tin một trường hợp đi từ huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ lên làm việc tại thành phố Yên Bái vào ngày 2/11, sau khi rời thành phố Yên Bái quay về tỉnh Phú Thọ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (thông tin của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ).

Liên quan đến trường hợp trên, tỉnh Yên Bái đã chủ động rà soát và ghi nhận 4 trường hợp tiếp xúc gần (F1). Đến nay, 4 trường hợp này đã được đưa đi cách ly tập trung ngay và lấy mẫu xét nghiệm, hiện tại đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1.

Để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái yêu cầu mọi tầng lớp nhân dân nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của tỉnh.

Đến thời điểm này, Yên Bái chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào khởi phát hoặc lây nhiễm trong cộng đồng. Toàn tỉnh đã có gần 490 nghìn người tiêm được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó có gần 306 nghìn người được tiêm đủ hai liều.

Đà Nẵng: Truy vết, khoanh vùng khu vực có trường hợp mắc COVID-19

Chiều 3/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, tình hình dịch trên địa bàn thành phố có nguy cơ tái bùng phát, diễn biến phức tạp. Các cơ quan chức năng, địa phương không được chủ quan, nắm và quản lý chặt người từ địa phương khác vào thành phố.

Bí thư Thành ủy đề nghị các địa phương cần nhanh chóng có biện pháp khoanh vùng, truy vết kịp thời, bằng mọi cách hạn chế lây lan dịch bệnh.

Sau khi phát hiện các ca bệnh mới, các cơ quan chức năng, địa phương cần đánh giá tình hình dịch để đưa ra các biện pháp ngăn chặn phù hợp; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí yêu cầu dừng hoạt động.

“Nếu cho mở cơ sở sản xuất kinh doanh mà không kiểm soát được việc thực hiện quy định phòng, chống dịch, có trường hợp mắc bệnh sẽ khó kiểm soát, truy vết. Do đó, cần phải xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu ngành Y tế thành phố khẩn trương rà soát điều chỉnh kế hoạch xét nghiệm; xem đây là điều kiện cơ bản để kiểm soát dịch. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần xác định rõ đối tượng và địa bàn cần xét nghiệm tầm soát.

Cũng theo Bí thư Thành ủy, đa số người dân đã được tiêm vaccine nên khi mắc COVID-19 thường có ít biểu hiện lâm sàng hoặc không biết mình bị mắc. Do vậy, các cơ quan truyền thông, báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy rõ hơn nữa nguy cơ dịch bệnh, nâng cao ý thức trong việc tự giác phòng, chống dịch, tránh nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị các địa phương kiểm soát chặt người về từ các địa phương khác, tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung đông người, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Sở Y tế thành phố xây dựng kế hoạch xét nghiệm trong thời gian đến; khẩn trương xét nghiệm các trường hợp F1, F liên quan; đẩy nhanh công tác tiêm vaccine và rà soát người chưa tiêm mũi 1.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng cho biết, tính từ 13 giờ ngày 2/11 đến 13 giờ ngày 3/11, thành phố ghi nhận 4 ca mắc COVID-19, gồm một trường hợp F1, về từ Thành phố Hồ Chí Minh được cách ly tại nhà, có kết quả xét nghiệm âm tính trước đó và 3 ca chưa được cách ly.

Cụ thể, 3 ca mắc COVID-19 chưa được cách ly là chị T.T.K.A (sinh năm 2000, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và chị T.T.M.T (sinh năm 1996, quê thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; tạm trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), đều nhân viên phục vụ tại nhà hàng Lê Gia 2 (đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà), lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại Bệnh viện 199; anh M.X.T (sinh năm 1986, trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thợ làm cửa, nhôm kính), tự đến Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm.

Tính từ ngày 10/7 đến nay, thành phố ghi nhận 4.732 ca mắc COVID-19. Trong ngày 3/11, ngành Y tế tổ chức xét nghiệm 5.163 lượt người; đang điều trị 40 bệnh nhân; phát hiện 115 trường hợp F1, 212 trường hợp F2. Đến nay, Đà Nẵng tiếp nhận hơn 1,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã tiêm trên 1,1 triệu liều, trong đó 888.580 người tiêm mũi 1 (có 30.266 trẻ em dưới 18 tuổi); 252.411 người tiêm mũi 2.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trần Thanh Thủy cho hay, tình hình tiêm vaccine ở trẻ em được đảm bảo an toàn, đến nay chưa có trường hợp nào phản ứng nặng. Một số trường hợp có phản ứng nhẹ đều được nhân viên y tế xử lý kịp thời.

Bình Dương ghi nhận thêm 773 ca mắc COVID-19

Ngày 3/11, theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, trong 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận thêm 773 ca mắc COVID-19 đã qua xét nghiệm RT-PCR và có đầy đủ các thông tin dịch tễ.

Học sinh Trường chuyên Hùng Vương, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương bắt đầu được tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Văn Hướng/TTXVN)

Đáng chú ý, số ca mắc mới qua sàng lọc cộng đồng chiếm đến 17,6%, ngoài ra 73% tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa.

Nhiều huyện, thị và thành phố ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 gồm thành phố Dĩ An (179 ca), thị xã Bến Cát (165 ca), thành phố Thuận An (147 ca), thành phố Thủ Dầu Một (142 ca)…

Hiện, toàn tỉnh đang điều trị 7.099 bệnh nhân; trong đó 4.495 bệnh nhân đang điều trị tại các khu điều trị; 2.604 bệnh nhân đang điều trị tại nhà.

Cùng ngày, Bình Dương ghi nhận thêm 13 ca tử vong, nâng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 đến nay là 2.466 người. Hiện, 271 bệnh nhân nặng đang điều trị ở tầng 3.

Về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Bình Dương đã tiêm xong đợt đầu tiên cho trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 17 tuổi bao gồm học sinh khối Trung học Phổ thông và các học sinh các trường nghề, cơ sở giáo dục, trung tâm bảo trợ xã hội.

Công tác tổ chức tiêm chủng được các ngành Giáo dục- Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh phối hợp chặt chẽ, việc tiêm chủng diễn ra nhanh chóng, an toàn cho các em.

Theo kế hoạch dự kiến của ngành Giáo dục tỉnh Bình Dương, sau khi tiêm mũi 1 được 2 tuần, tỉnh sẽ thí điểm cho học sinh khối Trung học Phổ thông ở vùng nguy cơ dịch cấp độ I đến trường học trực tiếp. Sau đó, tỉnh tiếp tục mở rộng cho các khối học khác tại vùng cấp độ 2 sau khi đã bảo phủ vaccine cho trẻ dưới 17 tuổi.

Phú Thọ áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 3/11, tỉnh ghi nhận thêm 16 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 50 ca. Như vậy, từ ngày 14/10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 839 ca mắc COVID-19, trong đó nhiều nhất là tại thành phố Việt Trì với 458 ca; các huyện Lâm Thao 148; Phù Ninh 107 ca; Thanh Sơn 73 ca; thị xã Phú Thọ 19 ca; Tam Nông 13 ca; Tân Sơn 8 ca; Thanh Thủy 5 ca; Cẩm Khê 3 ca; Yên Lập 2 ca; Hạ Hòa 2 ca; Thanh Ba 1 ca.

Trong ngày, toàn tỉnh tổ chức tiêm 7.586 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 5.806 mũi 1 và 1.780 mũi 2; không phát hiện trường hợp phản ứng thông thường và phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Tính lũy tích, toàn tỉnh đã có 832.698 lượt tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó có 731.936 người được tiêm một mũi; có 100.762 người được tiêm đủ hai mũi vaccine. 69,2% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi và 9,5% người dân trên 18 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Phú Thọ được đánh giá đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh; trong đó, huyện Thanh Sơn cấp độ 3; 11/13 huyện ở cấp độ 2, gồm thành phố Việt Trì; thị xã Phú Thọ; các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Tân Sơn và Yên Lập; chỉ còn huyện Đoan Hùng đang ở cấp độ 1.

Toàn tỉnh có 4 xã ở cấp độ 4 gồm xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì), thị trấn Thanh Sơn, xã Thục Luyện, Sơn Hùng (Thanh Sơn); 5 xã ở cấp độ 3 và 44 xã ở cấp độ 2, các xã còn lại cấp độ 1.

Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, ngày 3/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản về việc chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, địa bàn quản lý; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch đã ban hành; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuân thủ nghiêm việc thực hiện 5K, bắt buộc tất cả các trường hợp đến làm việc tại cơ quan, đơn vị phải khai báo y tế thông qua quét mã QR-code bằng phần mềm để quản lý và thuận lợi cho việc truy vết.

Cùng với đó, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động tự xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên 3-5 ngày/lần, tùy theo điều kiện cụ thể, các cơ quan, đơn vị có thể tổ chức xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp đối với trường hợp có nguy cơ cao.

Các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể: bố trí, sắp xếp công việc, cho phép khoảng 30-50% lực lượng cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc từ xa (ngoại trừ các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch).

Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ theo phạm vi, địa bàn quản lý; đảm bảo tất cả đơn vị có đăng ký điểm khai báo y tế bằng mã QR-Code, đồng thời thực hiện bắt buộc việc khai báo y tế thông qua quét mã QR-code bằng phần mềm (PC-COVID, VNEID).

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương, người đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh nghiêm túc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu chủ quan, thiếu cảnh giác, vi phạm các quy định để dịch bệnh xâm nhập, lây lan.

Cùng ngày, tỉnh đã ra văn bản gửi các sở, ban, ngành đoàn thể, các địa phương trong tỉnh về việc tăng cường quản lý đối với một số dịch vụ có nguy cơ cao để phòng, chống dịch COVID-19.

Phú Thọ yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với một số dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm như vũ trường, quán bar, karaoke, massage, cơ sở cung cấp dịch vụ internet, trò chơi điện tử, spa-làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ bi-a… Các nhà hàng, quán ăn, uống, không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về cho đến khi có thông báo mới.

Các khu vực có nguy cơ cao tiếp tục triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; giảm 30-50% số người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, khuyến khích làm việc trực tuyến từ xa (trừ các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch). Hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch được phép hoạt động song phải bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiểm soát và áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với người đến/về từ vùng dịch trong và ngoài tỉnh. Trước mắt, áp dụng đối với tất cả các xã, phường thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Gia Lai, Quảng Nam, Hà Giang, Nam Định; các xã có nguy cơ dịch được xác định ở cấp độ 4 và các vùng phong tỏa thuộc tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc…

Người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc người đã khỏi bệnh, phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Người chưa tiêm đủ liều vaccine phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương.

Người chưa tiêm vaccine phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Trường hợp là người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ dưới 16 tuổi thuộc diện cách ly phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế (nếu cần thiết) và có người chăm sóc cách ly cùng theo quy định…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/yen-bai-da-nang-binh-duong-phu-tho-khan-truong-sang-loc-f0/750763.vnp