Yên Bái: Doanh nghiệp cần tham gia 'sân chơi' FTA

Việc tham gia và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới đang mở ra nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Yên Bái thực tế chưa tận dụng có hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để khai thác, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu…

Để thúc đẩy hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp cần tận dung hiệu quả những lợi ích mà FTA mang lại. (ẢNh minh họa)

FTA là một hiệp định giữa các quốc gia nhằm loại bỏ hoặc giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác giữa các bên tham gia. Điều này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp. Hiện, Việt Nam ký kết và thực thi 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong đó, 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục.

Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp tỉnh Yên Bái mở rộng thị trường, khai thác các ưu đãi, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Đặc biệt, gần đây Việt Nam đã tham gia vào nhiều FTA thế hệ mới với quy mô lớn trên thế giới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... giúp mở ra cánh cửa vào các thị trường rộng lớn chưa từng có cho hàng hóa của Việt Nam, tạo cơ hội quý giá cho xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn.

Theo Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có khoảng 90 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, xuất khẩu trực tiếp đến khoảng 50 thị trường truyền thống (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ...) và hơn 30 thị trường khác.

Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn đã có bước tăng trưởng khá, bước đầu đã có doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường FTA thế hệ mới, song còn rất khiêm tốn và hầu như chưa tận dụng được các ưu đãi.

Theo số liệu của ngành công thương, tính riêng 10 tháng của năm 2023, toàn tỉnh mới có 7 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường CPTPP, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 9 triệu USD (mặt hàng xuất khẩu gồm: đá xẻ, đũa gỗ, măng tre); 3 doanh nghiệp xuất sang thị trường EVFTA với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 2,5 triệu USD (mặt hàng xuất khẩu là đá Block) và chưa có doanh nghiệp nào xuất khẩu sang thị trường UKVFTA.

Con số trên cho thấy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh thực tế chưa tận dụng có hiệu quả các lợi thế từ các FTA để khai thác, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nắm rõ thông tin tại các thị trường mà Việt Nam ký kết FTA; dẫn đến, bỏ qua nhiều lợi ích, cơ hội từ các FTA.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây không phải là sân chơi dành cho mình nên không tìm hiểu và rất mơ hồ về FTA. Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như cung cấp thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, song chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức điều này đang trở thành rào cản cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các thị trường.

Có thể nói, các FTA thế hệ mới đã tạo dư địa để các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản chủ lực.

Tuy nhiên, các vấn đề mà doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp phải khi tận dụng FTA hiện nay, đó là chưa tận dụng hết dư địa thị trường FTA; thiếu và yếu về vốn công nghệ, năng lực; vẫn còn tư duy làm thuê chưa chú trọng thương hiệu; chưa quan tâm đúng mức về vấn đề phát triển doanh nghiệp bền vững.

Trước thực tế này, để các doanh nghiệp tham gia vào sân chơi FTA thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối khách hàng cho doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái cho từng ngành hàng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn như có các chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA.

Đề cập đến các giải pháp dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Lan - Phó Trưởng phòng WTO và FTA (Vụ chính sách Thương mại Đa biên) cho rằng, các doanh nghiệp Yên Bái cần định vị thị trường FTA thế mới trong chiến lược xuất khẩu; nghiên cứu các thông tin và chính sách thị trường FTA, lên chiến lược tiếp cận các thị trường này; tối ưu hóa chi phí và năng lực sản xuất thông qua kết nối với các doanh nghiệp khác và hơn hết là cần định hướng thay đổi từ gia công xây sang xây dựng thương hiệu.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/305083/yen-bai-doanh-nghiep-can-tham-gia-san-choi-fta.aspx