Yên Bái gỡ khó giải phóng mặt bằng để tăng thu từ đất

Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương của tỉnh Yên Bái đã nỗ lực tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án; lập, trình các cơ quan thẩm quyền thẩm định các hồ sơ, thủ tục để tổ chức đấu giá đất, góp phần phục vụ công tác thu ngân sách trên địa bàn.

Ngành tài nguyên-môi trường sẽ đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thành giá đất cụ thể trình Hội đồng thẩm định giá đất thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức đấu giá trong quý III/2023 đối với các dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Năm 2023, Yên Bái giao dự toán thu ngân sách từ đất khối tỉnh là 950 tỷ đồng; trong đó, thu tiền sử dụng đất là 800 tỷ đồng, tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê 150 tỷ đồng.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, ngay từ đầu năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án: Dự án Khu đô thị mới trung tâm phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ; Dự án xây dựng khu đô thị Bách Lẫm A; Dự án xây dựng khu đô thị Bách Lẫm B; Dự án xây dựng khu đô thị mới khu vực cầu Bảo Lương, thành phố Yên Bái.

Ngành đồng thời hoàn thiện các thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất, đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, phê duyệt phương án đấu giá, quyết định đấu giá cho 2 dự án: Dự á xây dựng khu đô thị Bách Lẫm A, Dự án xây dựng khu đô thị mới khu vực cầu Bảo Lương; lập, trình các cơ quan thẩm quyền thẩm định các hồ sơ, thủ tục để tổ chức đấu giá theo kế hoạch đã phê duyệt, tập trung hoàn thành các dự án phục vụ thu ngân sách.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay, số thu từ đất mới đạt 49,73/950 tỷ đồng kế hoạch (thu tiền sử dụng đất 33,96 tỷ đồng, tiền thuê đất 15,77 tỷ đồng); trong đó: nợ cũ năm 2022 chuyển sang là 29,94 tỷ đồng, thực hiện mới trong năm 2023 là 19,79 tỷ đồng, bằng 5,2% chỉ tiêu giao. Tổng số tiền đã nộp ngân sách đến nay là 42,17 tỷ đồng/950 tỷ đồng, bằng 4,44% chỉ tiêu giao.

Ông Hồ Đức Hợp – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh lý giải: "Nguyên nhân hụt thu theo kế hoạch được giao do một số dự án dự kiến thực hiện sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất song vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng như: Dự án xây dựng khu dân cư nông thôn mới, quỹ đất dọc kè sông Hồng, khu vực giáp Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Yên Bái; Dự án xây dựng khu đô thị Bách Lẫm B; Dự án xây dựng khu đô thị mới phường Đồng Tâm. Đồng thời, việc thuê tư vấn xác định giá đất cụ thể làm giá khởi điểm để đấu giá đang gặp nhiều khó khăn”.

Bên cạnh đó, thực tế việc triển khai các dự án phát triển quỹ đất trong thời gian vừa qua cho thấy, thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người có đất thu hồi, người có đất bị thu hồi không đồng thuận, phối hợp ngay từ bước triển khai công tác đo đạc lập bản đồ, hồ sơ thu hồi đất, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải phóng mặt bằng.

Việc lưu trữ, quản lý hồ sơ về thửa đất của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai qua từng giai đoạn, từng thời kỳ như: công tác lưu trữ, cập nhật biến động về thửa đất; thông tin trong hồ sơ về thửa đất không chính xác, chưa được đầy đủ nên khi tiến hành đo đạc không có tài liệu để xác định chính xác vị trí thửa đất, dẫn đến tình trạng phải đo đi đo lại. Đồng thời gây khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc đất dẫn đến sai sót trong công tác lập phương án bồi thường.

Các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường xuyên có sự thay đổi dẫn tới tình trạng so bì, khiếu nại, chống đối của người dân có đất bị thu hồi làm mất nhiều thời gian gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Người có đất bị thu hồi có ý kiến cho rằng giá bồi thường đất nông nghiệp thấp, đây là nguyên nhân chính gây thắc mắc dẫn tới một bộ phận người dân có đất bị thu hồi thiếu sự hợp tác dẫn tới phải tổ chức cưỡng chế thu hồi đất…

Cũng theo ông Hồ Đức Hợp, để thực hiện công tác phát triển quỹ đất, thu ngân sách từ nguồn sử dụng đất, từ nay đến cuối năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng các quỹ đất phục vụ thu ngân sách trong quý III và quý IV theo kế hoạch đã được giao; trong đó vẫn tập trung giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án .

Ngành cũng sẽ đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thành giá đất cụ thể trình Hội đồng thẩm định giá đất thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức đấu giá trong quý III/2023 đối với các dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; tổ chức điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho các dự án và điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng trình các cấp thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, các huyện, thị, thành phố cũng cần tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện, góp phần hoàn thành kế hoạch thu ngân sách từ đất năm 2013 đã đề ra.

Đức Toàn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/297613/yen-bai-go-kho-giai-phong-mat-bang-de-tang-thu-tu-dat.aspx