Yên Bái: Học sinh, sinh viên trường nghề nhiều cơ hội ứng tuyển làm việc

Các trường nghề trên địa bàn Yên Bái đã quan tâm trang thiết bị hiện đại bắt kịp với xu hướng phát triển của doanh nghiệp và tăng cường liên kết với doanh nghiệp để cập nhật xu hướng phát triển từng lĩnh vực nghề nghiệp, đặc biệt chú ý đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cần lao động đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực, đòi hỏi khắt khe về kỹ năng nghề...

Giờ học thực hành nghề điện tử công nghiệp của sinh viên Trường cao đẳng Nghề Yên Bái.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, thôn Tuy Lộc, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái hiện đang làm việc tại Showroom Hyundai Yên Bái. Cách nói chuyện có duyên, tư vấn tận tình nên anh luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu kinh doanh hàng năm. Anh Tuấn Anh có tay nghề vững, sự hiểu biết về ô tô khi anh từng theo học Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.

Để có tấm bằng khá khi ra trường và được Showroom Hyundai Yên Bái tuyển dụng ngay khi có bằng tốt nghiệp với mức lương được trả gần 8 triệu đồng/tháng, bản thân anh Tuấn Anh ngoài học trên lớp, các buổi chiều hoặc ngày cuối tuần, còn tham gia thực hành tại nhà xưởng.

Dù đôi tay thường xuyên lấm lem dầu mỡ nhưng anh Tuấn Anh rất vui khi được mang những bài học trong sách vở ra ứng dụng vào thực tế. Những lần làm việc trực tiếp với máy móc giúp anh tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm và có công việc ổn định như hiện tại.

Anh Tuấn Anh là một trong những học viên của Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái có việc làm ngay sau khi ra trường. Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục và 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục.

Năm học 2023, trên toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 20.000 người, trong đó trình độ cao đẳng 1.400 người, trung cấp 4.600 người, còn lại là sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt 90%; hệ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có việc làm đạt hơn 80%.

Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh có 3.173 doanh nghiệp, trong đó có 2.054 công ty TNHH, 696 công ty cổ phần và 360 doanh nghiệp tư nhân, 50 doanh nghiệp FDI.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 248 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký hơn 2.456 tỷ đồng. Với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động và số thành lập mới tăng thì nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp ngày càng cao, đặc biệt là lao động có tay nghề được đào tạo.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 9/2023 chỉ số sử dụng lao động tăng 1,4% so với tháng trước, tăng 20,82% s cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng mạnh nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo với 29,02%.

Chia theo ngành kinh tế thì doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng nhiều nhất: 23,56%. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tính đến cuối tháng 9/2023 tăng 5,11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành chế biến, chế tạo tăng 7,52%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,88%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo loại hình doanh nghiệp: lao động doanh nghiệp nhà nước tăng 0,51%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 6,29%; doanh nghiệp FDI tăng 3,77%.

Trước bối cảnh nhu cầu cung, cầu lao động của thị trường, các trường nghề trên địa bàn tỉnh quan tâm trang thiết bị hiện đại bắt kịp với xu hướng phát triển của doanh nghiệp và tăng cường liên kết với doanh nghiệp để cập nhật xu hướng phát triển từng lĩnh vực nghề nghiệp.

Tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, chương trình đào tạo liên tục được điều chỉnh, bổ sung theo hướng tiếp cận nhu cầu việc làm của xã hội và doanh nghiệp tuyển dụng tuyển. Hiện Trường đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp với 10 ngành nghề: kỹ thuật điện, công nghệ thông tin, kinh tế, công nghệ ô tô.

Thầy Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: "Từ khâu xây dựng chương trình, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đến công tác đào tạo, giáo dục ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho các em HSSV đều có sự tham gia của doanh nghiệp. Trước khi tốt nghiệp các em còn được bồi dưỡng khóa đào tạo về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm. Vì vậy, qua theo dõi hàng năm, tỷ lệ HSSV tìm được việc làm ngay sau tốt nghiệp đạt 90%”.

Tỉnh Yên Bái xác định mục tiêu, trong những năm tới tập trung phát triển công nghiệp. Nhu cầu sử dụng lao động tiếp tục gia tăng, đặc biệt là nhân lực đã qua đào tạo ở nhóm ngành nghề có yêu cầu kỹ thuật cao như: cơ khí, chế tạo, điện tử công nghiệp, công nghệ kỹ thuật, công nghệ ô tô.

Không chỉ nhìn vào tấm bằng đẹp, nhiều doanh nghiệp cần lao động đã qua đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực, yêu cầu khắt khe về kỹ năng nghề nghiệp, ưu tiên người có trình độ ngoại ngữ. HSSV trường nghề có nhiều cơ hội tìm việc làm trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp song điều này chỉ dành cho người có kiến thức và kỹ năng tốt.

Để nắm bắt cơ hội việc làm, lớp người trẻ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và vốn sống qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, nhất là kỹ năng làm việc nhóm, ứng xử giao tiếp, làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, đáp ứng các yêu cầu chủ sử dụng lao động hiện nay.

Thu Hiền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/302486/yen-bai-hoc-sinh-sinh-vien-truong-nghe-nhieu-co-hoi-ung-tuyen-lam-viec.aspx