Yên Bái: Khó khăn trong việc giải ngân 3 tháng đầu năm

Mặc dù kết quả giải ngân các nguồn vốn trong quý I/2021 của tỉnh Yên Bái cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, song qua đánh giá việc giải ngân, tỉnh còn một số khó khăn vướng mắc dẫn đến chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình đường giao thông được bê tông hóa.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 đã giao là trên 4.200 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đã giao chi tiết là trên 3.200 tỷ đồng; kế hoạch vốn chưa giao chi tiết là trên 1.000 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/3/2021, toàn tỉnh đã giải ngân đạt gần 600 tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020; trong đó vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt 148,9 tỷ đồng, bằng 40%.

Về kết quả giải ngân của các đơn vị chủ đầu tư, tổng kế hoạch vốn đã giao cho các địa phương đạt trên 1.330 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 290 tỷ đồng, bằng 22%. Cụ thể, huyện Văn Chấn có giá trị giải ngân cao nhất đạt trên 47 tỷ đồng/101 tỷ đồng, bằng 46,45% kế hoạch; huyện Văn Yên đạt 66 tỷ đồng/ 169 tỷ đồng, bằng 39,34% kế hoạch; thành phố Yên Bái đạt trên 74 tỷ đồng/309,3 tỷ đồng, bằng 24,1% kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn đã giao cho các Sở, ban, ngành và các đơn vị cấp tỉnh là 1.895 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 308,9 tỷ đồng, bằng 16,3% kế hoạch. So với kết quả giải ngân khối địa phương, kết quả giải ngân các đơn vị cấp tỉnh thấp với 11 đơn vị đã giải ngân; 16 đơn vị chưa giải ngân.

Đối với tình hình triển khai các dự án, công trình trọng điểm, theo kế hoạch năm 2021, toàn tỉnh triển khai 367 dự án với tổng kế hoạch vốn giao chi tiết là 3.226 tỷ đồng. Trong đó, 106 dự án hoàn thành, chuyển tiếp với kế hoạch vốn đã giao chi tiết là 2.486 tỷ đồng; 261 dự án khởi công mới với tổng kế hoạch vốn năm 2021 là 740,1 tỷ đồng, bằng 22,9% tổng kế hoạch vốn đã giao chi tiết năm 2021. Đối với các dự án dự kiến giao chi tiết đợt 2, đã có 24/70 dự án hoàn thành thủ tục đầu tư.

Nguyên nhân của việc giải ngân thấp là do tỷ lệ vốn giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện trong kế hoạch năm 2021 còn thấp. Các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao vốn. Các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chưa được thông qua. Các dự án ODA hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc thủ tục điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh thẩm định vay nên chưa thể giải ngân được. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn dẫn đến chậm tiến độ, chậm giải ngân, nhất là các dự án trọng điểm như đường nối Quốc lộ 32C với Quốc lộ 37 và đường Yên Ninh (thành phố Yên Bái), đường nối Quốc lộ 32, Quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cao IC12…

Để đảm bảo hoàn thành tiến độ giải ngân các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2021 theo đúng kế hoạch, tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế; nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp theo các chương trình, kế hoạch của tỉnh; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình, dự án, phấn đấu giải ngân hết quý II/2021 tối thiểu đạt 45%, đến hết quý III/2021 giải ngân tối thiểu đạt 70%, đến hết quý IV/2021 giải ngân tối thiểu đạt 95% và kết thúc niên độ ngân sách hoàn thành 100% kế hoạch vốn giao năm 2021. Đồng thời, yêu cầu các Sở, ban, ngành, các địa phương căn cứ kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao để đưa vào tiêu chí đánh giá, phân xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân năm 2021. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu không bảo đảm được tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu.

Sơn Lâm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/yen-bai-kho-khan-trong-viec-giai-ngan-3-thang-dau-nam-303981.html