Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn

Nhờ giao thông nông thôn phát triển, nhiều miền quê vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái đã trở nên trù phú, trở thành những vùng chuyên canh hàng hóa cho thu nhập cao, điểm du lịch hấp dẫn khách phương xa.

Hàng ngàn km đường nông thôn được bê tông hóa và mở mới

Từ kết quả của Đề án phát triển giao thông nông thôn (PTGTNT) giai đoạn 2011-2015 tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa được 582,53 km (bằng 138,7% so với mục tiêu của Đề án) và mở mới, mở rộng 1.188,96 km (bằng 144,1 so với mục tiêu của Đề án); Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 thông qua Đề án PTGTNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, chỉ 10 ngày sau đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3156/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 về việc phê duyệt Đề án PTGTNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, mục tiêu của Đề án đến hết năm 2020 kiên cố hóa ít nhất 435 km mặt đường giao thông liên xã, liên thôn và nội thôn; mở mới, mở rộng ít nhất 600 km đường thôn bản; 414 công trình thoát nước mỗi năm. Với cơ chế “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tùy từng tuyến đường Nhà nước có mức hỗ trợ cụ thể về vật liệu chính (cát, đá, xi măng, thép), phần còn lại huy động nhân dân đóng góp.

Đường quê thôn Bống Sổm, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.

Với cách làm quyết liệt, chủ động tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh Yên Bái đã huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và sự đóng góp của nhân dân để phát triển giao thông nông thôn đạt trên 824,8 tỷ đồng; toàn tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa được trên 581,44 km mặt đường bê tông xi măng (đạt hơn 133, 6% kế hoạch); mở mới, mở rộng 185,87 km đường đất (bằng gần 31% kế hoạch) và xây dựng 842 công trình thoát nước (đạt tỷ lệ 67,8%). Trong đó, các địa phương tiêu biểu thực hiện kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng là: Văn Chấn, Văn Yên; các địa phương tiêu biểu trong mở mới, mở rộng đường đất là: Mù Cang Chải, Trạm Tấu; tiêu biểu trong xây dựng công trình thoát nước là: Yên Bình, Trấn Yên và Văn Yên.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2019, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 144-CTr/TU ngày 15/02/2019, đặt mục tiêu phấn đấu kiên cố hóa ít nhất 300 km đường bê tông xi măng trong năm 2019. Do vậy, tổng vốn dự kiến cần huy động thực hiện trong năm 2019 là 490,936 tỷ đồng.

Với số vốn dự kiến huy động kể trên, ước tính đến hết năm 2019 tỉnh Yên Bái có thêm 437,87 km đường bê tông xi măng kiên cố (bằng 146% mục tiêu của năm 2019); 0,5 km đường đất mở mới, mở rộng; và 143 công trình thoát nước các loại (cầu và cống thoát nước).

Tuy nhiên, tình hình giải ngân từ đầu năm đến nay mới đạt 40,705 tỷ đồng (bằng 14,0% kế hoạch vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh đã giao); trong đó, vốn hỗ trợ thực hiện theo cơ chế Đề án giải ngân đạt 9,595 tỷ đồng/kế hoạch vốn ngân sách tỉnh đã giao là 40 tỷ đồng, bằng 22,5%; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 31,11 tỷ đồng/kế hoạch vốn đã giao là 183,796 triệu đồng, bằng 17,0%. Dẫn đến, tình hình thực hiện kiên cố hóa đường bê tông xi măng (tính đến hết tháng 6/2019) mới đạt 74km/kế hoạch dự kiến thực hiện năm 2019 là 437,87 km đường bê tông xi măng, bằng 11,6%; các tuyến đường mở mới, mở rộng và công trình thoát nước các loại đang tổ chức triển khai thực hiện với tiến độ chậm, vì chưa giải ngân đủ vốn.

Xe tải dễ dàng vào thôn thu mua cam giúp người dân thị trấn Nông trường Trấn Phú (Văn Chấn) yên tâm sản xuất.

Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của UBND tỉnh Yên Bái vào ngày 2/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã giao cho ngành Giao thông và Kế hoạch và Đầu tư bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đồng thời đôn đốc các địa phương tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu phát triển giao thông nông thôn của năm 2019.

Trước đó, trong tháng 6/2019, tỉnh Yên Bái đã thông qua chủ trương hỗ trợ 15 tỷ đồng, dự kiến trong tháng 8/2019 hỗ trợ tiếp 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án PTGTNT.

Theo lãnh đạo UBND huyện Lục Yên và Mù Cang Chải, nguyên nhân chậm trễ tiến độ là do Tỉnh giao vốn hơi muộn, do thời tiết (nắng nóng diện rộng, dài ngày và bước vào mùa mưa), đặc biệt do UBND cấp xã (chủ đầu tư) còn thiếu kinh nghiệm và năng lực trong triển khai thực hiện. Được biết, đây là vấn đề không mới, nên các địa phương đều đã có kế hoạch để dồn sức hoàn thành nhiệm vụ trong 6 tháng còn lại.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái cho biết nguyên nhân chậm tiến độ là do trong 6 tháng đầu năm, các địa phương tập trung vào công tác chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, do vậy, sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công trong 6 tháng cuối năm, đảm bảo tiến độ đề ra. Hiện, các địa phương đang hoàn thiện đầy đủ thủ tục để giải ngân vốn được giao trong thời gian sớm nhất, bởi vậy, công tác giải ngân như trên sẽ không ảnh hưởng tới tiến độ triển khai thực hiện.

Khách du lịch đổ về xã Tú Lệ (Văn Chấn) vào mùa cốm nếp.

Phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Tính gộp cả giai đoạn 2016-2019, dự kiến Đề án hoàn thành trên 1.019,31 km đường bê tông xi măng kiên cố; mở mới, mở rộng trên 186,37 km đường đất; xây dựng trên 985 công trình thoát nước.

Trong đó, thực hiện theo Đề án giao thông nông thôn, đã kiên cố trên 613,9 km đường bê tông xi măng (tăng 41,1% so với mục tiêu Đề án); mở mới, mở rộng trên 123,74 km đường đất; xây dựng trên 777 công trình thoát nước. Thực hiện lồng ghép từ các nguồn vốn các chương trình, dự án, đã kiên cố trên 405,41 km đường bê tông xi măng; mở mới, mở rộng trên 62,63 km đường đất; xây dựng 208 công trình thoát nước.

Không dừng lại với những kết quả đạt được, tỉnh Yên Bái đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế đó là: Còn khoảng 63% đường giao thông nông thôn toàn tỉnh chưa được kiên cố hóa; khoảng 103 km đường giao thông đến trung tâm của 12 xã (xã Pá Hu, Tà Xi Láng, Làng Nhì - huyện Trạm Tấu; xã Phong Dụ Thượng, Mỏ Vàng, Châu Quế Thượng, Nà Hẩu, Hoàng Thắng - huyện Văn Yên; xã Suối Quyền, An Lương, Sùng Đô, Nậm Mười - huyện Văn Chấn) đi lại vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất là vào mùa mưa. Nhiều công trình mới đưa vào khai thác sử dụng, do ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét đã bị hư hỏng, thậm chí bị cuốn trôi hoàn toàn, do đó chưa phát huy được hiệu quả đầu tư.

Nhìn lại 9 năm triển khai thực hiện, Đề án phát triển giao thông nông thôn Yên Bái đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, làm thay đổi căn bản diện mạo đời sống của các vùng dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh; góp phần đưa 52 xã/157 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 66 xã/157 xã đạt tiêu chí về giao thông; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được kiên cố hóa; tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 là 17,68%, giảm 14,53% so với năm 2015. Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, 6 tháng đầu năm 2019, đã có 13/20 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đạt trên 50% kế hoạch; tổng sản lượng lượng thực bằng 58,6% kế hoạch, tăng 1,2% so với năm 2018; đón trên 350 ngàn lượt khách du lịch, doanh thu đạt 208 tỷ đồng, tăng 38,3% về khách và 46,5% về doanh thu so với năm 2018./.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/xa-hoi/yen-bai-tiep-tuc-day-manh-phat-trien-giao-thong-nong-thon-527553.html