Yên bình trên đảo Hòn Heo

Đảo Hòn Heo thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Hòn Heo nằm cách đất liền khoảng 10km đường biển.

Từ bao đời nay, cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trên đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với nỗ lực của chính quyền địa phương, sự vươn lên của người dân trên đảo, từ 2 năm qua cuộc sống đã đổi thay rõ nét. Không chỉ lo được cái ăn, cái mặc, mà còn vươn lên làm giàu. Hòn Heo đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, khoác lên mình “chiếc áo mới” và rất bình yên…

“Chở” chữ ra đảo

Từ trước đến nay, học sinh trên đảo Hòn Heo chỉ có thể học tại chỗ đến hết cấp 2, sau đó nếu muốn học tiếp cấp 3 thì phải vượt biển vào đất liền. Thầy, cô nơi đây cũng thế, nhiều người đã dành cả tuổi thanh xuân để mang tri thức đến với ốc đảo Hòn Heo.

Thầy Phan Đình Ngát, Hiệu trưởng Trường PTCS Sơn Hải cho biết, trên toàn xã có một trường mầm non, một trường tiểu học – THCS và một điểm nằm ở ấp lẻ Hòn Ngang. Tổng cộng có 15 lớp học với 436 học sinh. Thầy, cô nơi đây đa phần từ đất liền ra dạy học, một số người lập gia đình và định cư luôn ở đảo, số còn lại ở nhà công vụ để dạy học.

Gắn liền với việc dạy học trên đảo gần 20 năm, thầy Ngát, kể thêm: “Ngày xưa khi mới ra hòn dạy học, đời sống khó khăn, vất vả, bà con nấu cơm cho ăn, bệnh thì họ chăm sóc như người nhà. Nhưng cái buồn là các em học sinh nam chỉ học hết cấp 2 thì đi biển mưu sinh, các em nữ thì lấy chồng. Mình làm thầy mà thấy học trò lỡ dở chuyện học hành lòng không đặng.

Đảo Hòn Heo - ngày càng phát triển về kinh tế - xã hội.

Chính vì thế, ngày mình lên lớp, tối thì đi từng nhà học sinh, để trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với phụ huynh, dần dà học sinh vào đất liền học cấp 3, sau đó học lên cao được nhiều hơn. Hiện, có nhiều học trò đang là đồng nghiệp của tôi đấy – đó là niềm vui, niềm tự hào của thầy, cô ở đảo này”.

Những học trò mà thầy Ngát nhắc đến đó là cô giáo trẻ Lê Anh Thư (21 tuổi) và Nguyễn Thị Thanh Tuyền (28 tuổi). Cả hai đều sinh ra và lớn lên ở đảo, hiểu rõ những khó khăn vất vả của người dân nơi đây, dù muốn học thêm nữa để thay đổi cuộc sống của bản thân, gia đình nhưng cái khó là thay đổi suy nghĩ của những gia đình xứ biển là việc không đơn giản.

“Học hết cấp 2, gia đình mong muốn em nghỉ học để phụ giúp việc trong nhà, để cha mẹ đi biển. Tưởng chừng con đường học tập của bản thân phải dừng lại. Nhưng từ chính lời động viên của thầy Ngát và các thầy, cô khác đã thay đổi được suy nghĩ của gia đình em và nhiều gia đình khác trên đảo này”, cô giáo Thư chia sẻ.

Chính vì thế, sau khi học hết cấp 3, Thư và Tuyền quyết tâm học Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang với chuyên ngành Giáo dục tiểu học, sau khi ra trường quay về đảo công tác đến nay.

Chịu cảnh xa vợ con, mỗi tháng chỉ một, hai lần về đất liền sum họp, nhưng thầy Đoàn Văn Kiều, dạy môn Hóa – Sinh cấp 2 tại Trường PTCS Sơn Hải luôn hoàn thành sứ mệnh “trồng người” trên đảo.

Thầy Kiều tâm sự: “So với bạn học cùng trang lứa trong đất liền, học sinh ở đây vô tư, ngây thơ khác hẳn. Thấy các em ham học, lễ phép, chịu khó, tôi cảm thấy có động lực gắn bó với lớp, với trường hơn. Tôi dần cảm thấy gắn bó, quen thuộc những chuyến đi dạy hàng tuần tại xã đảo”.

Mặc dù là khó khăn, nhưng Ban giám hiệu cùng thầy, cô nơi đây luôn cố gắng tổ chức cho các em học sinh tham gia các hoạt động phong trào của trường đầy đủ (các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể thao…). Các em được miễn phí hoàn toàn tiền học phí. Khó khăn tới đâu nhà trường khắc phục tới đó…

Hòn Heo phát triển, yên bình

Một trong những bước ngoặc trong sự phát triển của Hòn Heo là vào đầu năm 2017, mạng lưới điện quốc gia đã chính thức vận hành phục vụ cho nhân dân trên địa bàn. Ngày có điện người dân nơi đây mừng như “bắt được vàng”.

Ông Trương Văn Còn, còn quen gọi là Ba Còn (70 tuổi, ngụ ấp Hòn Heo) – nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Bà Lụa (nay là xã Sơn Hải) cho biết, gia đình ông ra đảo từ 50 năm trước, cùng với gia đình ông còn có 3 gia đình khác. Lúc đầu ra đảo, cuộc sống đầy khó khăn.

“Người dân sống trên đảo này không nghĩ rằng một ngày có thể sử dụng được điện lưới quốc gia. Nếu như trước đây, chúng tôi sử dụng máy phát điện, nhưng chỉ dùng từ 5 giờ chiều cho đến 11 giờ đêm. Nay có điện, điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân thay đổi rõ rệt, những hộ đi đánh bắt có thể cho tàu cập bến để mua bán bất cứ lúc nào vì đèn sáng trưng, nhất là mấy đứa nhỏ học hành được tiếp xúc với máy vi tính, Internet…”, ông Ba Còn cho biết.

Thời điểm chúng tôi có mặt ở đảo Hòn Heo cũng là thời gian diễn ra trận đấu chung kết AFF Susuki Cup 2018 giữa Đội tuyển bóng đá Việt Nam và Malaysia, nhà nhà điều mở tivi ủng hộ, cổ vũ cho đội nhà.

Dạy và học trên đảo Hòn Heo.

Ông Cao Thanh Hồng (68 tuổi) chia sẻ: “Thời ấy, lo cái ăn chưa xong chứ mơ gì đến chuyện học hành. Đêm đêm, nhà nào cũng hắt hiu ngọn đèn dầu chứ không như bây giờ điện sáng lung linh trong từng thôn, xóm, rồi cái tivi giúp người dân xem, biết đủ chuyện trên khắp thế gian này mà chẳng lo hết nguồn điện ắc quy như 2 năm trước...”.

Việc sản xuất kinh tế cũng được người dân Hòn Heo linh hoạt chuyển đổi. Là một trong những người mạnh dạn đầu từ vào việc nuôi cá lồng bè, anh Nguyễn Vũ Bằng (41 tuổi) cho biết, ngoài công việc đi biển, gia đình tận dụng nguồn cá tạp để làm mồi nuôi cá bóp.

Với 16 lồng nuôi, mỗi năm anh Bằng thu lãi từ 500-600 triệu đồng. Năm qua, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản của xã Sơn Hải đạt trên 16.000 tấn, đạt 110,24% so với kế hoạch. Về khai thác hải sản, hiện xã có 206 phương tiện đánh bắt thủy sản; 113 hộ nuôi trồng thủy sản, với tổng số 724 lồng bè…

Về sự yên bình trên đảo Hòn Heo, Thượng úy Diệp Bình Sơn, Trưởng Công an xã Sơn Hải cho biết, tình hình ANTT trên địa bàn được giữ vững là nhờ vào lối sống hiền hòa, đoàn kết, thượng tôn pháp luật của người dân trên xã đảo.

Người dân trên đảo yêu thương nhau, đoàn kết, cảnh giác, đề phòng khi có những đối tượng lạ mặt, khả nghi, trình báo phối hợp với cơ quan chức năng để có hướng phòng ngừa tội phạm hiệu quả….

Theo các cao niên trên đảo như ông Ba Còn, Năm Cam, Thanh Hồng…, người đầu tiên ra đào Hòn Heo sinh sống là ông Trần Văn Hạt (tức Tư Hạt, sinh năm 1901). Ông Tư Hạt ra đảo từ những năm 1940, ở đảo mọi người rất kính nể và gọi ông là “Chúa đảo”.

Khi ông mất, người dân đã lập miếu thờ cùng với Bà Chúa xứ. Sở dĩ đảo có tên là Hòn Heo vì trước đây có 2 vợ chồng người Pháp ra đảo xin đất của ông Tư Hạt chăn nuôi, sản xuất. Được ông Tư Hạt cấp đất, họ quyết định nuôi heo và để xây dựng chuồng, 2 vợ chồng ra bờ biển nhặt đá về dựng chuồng cạnh chân núi.

Theo những người lớn tuổi, thì lúc họ ra đảo, 2 vợ chồng người Pháp không còn ở đây nữa, nhưng dấu tích chuồng heo vẫn còn, diện tích của chuồng heo rất lớn (trên 3.000m²)…Đảo Hòn Heo – ngày càng phát triển về kinh tế - xã hội.

Trần Lĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/51catet__-yen-binh-tren-dao-hon-heo-529757/