Yên Mô chú trọng đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai

Những năm qua, huyện Yên Mô đã huy động nhiều nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình phòng, chống thiên tai, khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả góp phần đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường nên để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, việc đảm bảo hạ tầng phòng, chống thiên tai cần tiếp tục được quan tâm, chú trọng hơn nữa.

Các lực lượng hiệp đồng phòng, chống thiên tai của huyện Yên Mô kiểm tra công trình Âu cầu Hội, xã Yên Thái.

Các lực lượng hiệp đồng phòng, chống thiên tai của huyện Yên Mô kiểm tra công trình Âu cầu Hội, xã Yên Thái.

Theo báo cáo của UBND huyện Yên Mô, trên địa bàn huyện có 10 tuyến đê với tổng chiều dài 119,7 km và 149 cống dưới đê do được xây dựng từ lâu bằng nhiều loại vật liệu và kết cấu khác nhau nên nhiều cống đã bị xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả. Hiện trên địa bàn huyện còn có 2 hồ chứa với dung tích 16,4 triệu m3 nước, gồm hồ Yên Thắng và hồ Yên Đồng đang hoạt động ổn định. Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện đang quản lý, khai thác 34 trạm bơm. Trong đó, 8 trạm chuyên tưới, 15 trạm bơm tưới tiêu kết hợp và 9 trạm bơm chuyên tiêu, với tổng công suất là 318.800 m3/h. Ngoài ra, các trạm bơm do các hợp tác xã nông nghiệp quản lý, khai thác với công suất 233.880 m3/h với nhiệm vụ khoanh vùng, tiêu thoát nước cục bộ.

Đồng chí Đặng Thái Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Theo thông lệ, ngay từ những tháng đầu năm UBND huyện cũng như các xã, thị trấn trên địa bàn đã kiểm tra chất lượng đê, kè, cống và các công trình phòng, chống thiên tai, từ đó xác định những trọng điểm xung yếu để xây dựng, hoàn thiện phương án. Trong năm 2022 huyện đã triển khai tổng số 24 dự án thực hiện mới có tổng mức đầu tư là 348.868 triệu đồng, đã thực hiện với kinh phí là 121.321 triệu đồng.

Đặc biệt, công trình nâng cấp đê hữu sông Vạc, đoạn từ Cầu Rào, xã Yên Phong đến ngã ba sông Bút, xã Yên Từ được nâng cấp với tổng chiều dài 3.692m đã hoàn thành và đang tiến hành kiểm tra, quyết toán công trình đưa vào phục vụ trong mùa mưa bão năm nay.

Bên cạnh đó, để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp chủ động tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi do HTX nông nghiệp quản lý, nạo vét các kênh tiêu kết hợp với nâng cấp bờ vùng đảm bảo tiêu úng thuận lợi với khối lượng đào đắp 182.380 m3; sửa chữa trạm bơm, cống, kênh kiên cố, lắp đặt ống cống nội đồng với kinh phí là 4.320 triệu đồng.

Đồng thời, 17/17 xã, thị trấn đều thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các đồng chí Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm, thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai huyện phụ trách xã trực tiếp chỉ huy tại đơn vị phụ trách khi có tin bão gần và xảy ra mưa lụt. Các trọng điểm đều bố trí cán bộ chuyên môn của huyện để tham mưu, hướng dẫn xử lý kỹ thuật.

Các xã, thị trấn đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư cần thiết theo kế hoạch; huy động lực lượng xung kích và 255 người tuần tra canh gác. Các lực lượng ứng cứu hộ đê của các xã, thị trấn đã chủ động phát hiện các sự cố hư hỏng, tích cực tham gia xử lý các tình huống khi có mưa bão. Nhân dân các địa phương xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi.

Nhằm bảo vệ sản xuất, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện, UBND huyện Yên Mô đề xuất đầu tư nâng cấp 2 hạng mục công trình trọng điểm, xung yếu để phòng, chống thiên tai năm 2023. Bao gồm: Tuyến đê sông Ghềnh và tuyến đê hữu Vạc nằm trong các dự án bị giãn, hoãn từ năm 2010 nên hiện tại một số đoạn đê chưa đủ cao trình thiết kế, mặt đê gồ ghề, lồi lõm, thường xuyên bị đọng nước tạo rãnh dọc đê, rất khó khăn trong công tác đi lại kiểm tra đê điều, tìm kiếm cứu nạn, giao thông phục vụ sản xuất và giao thương của nhân dân các xã Khánh Thượng, Khánh Dương, Khánh Thịnh, Yên Phong, Yên Từ và Yên Nhân.

Trong đó, tuyến đê hữu sông Ghềnh, đoạn từ cống Đầm Khánh, xã Yên Thắng đến cầu Liên Trì, xã Yên Hòa có chiều dài khoảng 3,2 km. Hiện trạng mặt đê nhỏ, gồ ghề khó khăn cho việc đi lại của người dân cũng như nhiệm vụ phòng chống lụt bão, một số vị trí dòng chảy áp sát chân đê gây xói lở.

Tuyến đê hữu sông Vạc, đoạn từ cống Ba Bầu đến ngã ba sông Điện Biên, xã Khánh Thượng, có chiều dài khoảng 1,7 km. Đoạn đê nằm trong dự án Nạo vét sông, nâng cấp đê sông Vạc đoạn từ cầu Yên đến cầu Trì Chính thuộc dự án giãn, hoãn, hiện nay UBND huyện Yên Mô đã nhận bàn giao nguyên trạng. Hiện trạng mặt đê nhỏ, gồ ghề khó khăn cho việc đi lại, một số vị trí dòng chảy áp sát chân đê gây xói lở.

Các tuyến đê này đã được dừng triển khai để quyết toán, kết thúc dự án theo Văn bản số 945/UBND-VP4 ngày 9/12/2021 của UBND tỉnh về việc cắt giảm quy mô, tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật, dừng triển khai để quyết toán đối với các dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư có thời gian kéo dài, không đảm bảo cân đối vốn để hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Trước mắt, để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão năm 2023, huyện Yên Mô tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai và các quy định của pháp luật về đê điều để nhân dân chủ động và tự giác thực hiện; triển khai tập huấn kỹ thuật hộ đê, kỹ thuật chằng chống nhà cửa ứng phó với thiên tai; động viên, hướng dẫn nhân dân vùng có nguy cơ ngập lụt chuẩn bị các phương tiện thuyền bè nhỏ, dự trữ lương thực, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước để chủ động đối phó khi ngập lụt xảy ra; từng bước nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó, phục hồi của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/yen-mo-chu-trong-dau-tu-cac-cong-trinh-phong-chong-thien/d20230509103532783.htm