Yên Tử và hành trình kết nối tâm linh

Hiếm chốn hành hương nào mà thiên nhiên trong lành, nơi linh khí của đất trời hội tụ, nơi mà mọi người đều có thể có cho riêng mình một cuộc 'tẩy trần', 'chữa lành' như tại Yên Tử.

Khóa tu "Doanh nhân hạnh phúc" tại Yên Tử là cơ hội để các doanh nhân đón nhận những nguồn năng lượng tích cực mới

Chốn thiêng

Trong tâm thức của người Việt, Yên Tử là ngọn núi thiêng gắn với danh xưng “đất Phật”. Tiết trời bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, Yên Tử đều mở lòng đón nhận từng dòng người tìm về đây, hành hương lên đỉnh Phù Vân.

Yên Tử bao đời nay vẫn thế và theo dòng chảy của thời gian ngày càng đậm tô thêm những trầm tích, những mạch nguồn văn hóa, sự hòa quyện giữa đạo và đời ngày càng sâu sắc.

Từ năm 2001, người hành hương lên Yên Tử đã có thể sử dụng cáp treo và hiện tuyến cáp treo đã nối đến gần chùa Đồng, nên những bậc lão niên hành hương về đất Phật dễ dàng hơn. Song Yên Tử vẫn luôn mời gọi khách bộ hành, bởi hành trình về Yên Tử không chỉ đơn thuần là thưởng ngoạn thiên nhiên, trải nghiệm tâm linh, mà còn là khám phá những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống.

Từ bờ suối Giải Oan, khách bộ hành bước dưới những tán cổ thụ hơn 700 năm, băng qua rừng trúc, đường tùng uy nghi, vượt hàng ngàn bậc đá cheo leo, chiêm bái những ngôi chùa, ngọn tháp cổ kính ẩn mình trong mây trắng.

Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới đã được Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang cùng thực hiện.

Đây là hồ sơ di sản đầu tiên trong cả nước xây dựng trình UNESCO có phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh, trải dài hàng trăm km2. Theo đó, Hồ sơ đề cử 17 cụm di tích, 32 di tích đã cơ bản hoàn thiện, được xây dựng với khoảng 2.000 trang bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh, hàng trăm bản đồ, bản vẽ mô phỏng, hệ thống ảnh, clip tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.

Ngược thời gian theo dấu chân của những bậc tiền nhân, thế kỷ XIII dưới thời Trần, đức vua anh minh Trần Nhân Tông (1258 - 1308) từng lãnh đạo quân dân Đại Việt 2 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông (1285 và 1288), đưa Đại Việt ngày một thêm hưng thịnh. Khi non sông đã “vững âu vàng”, ngài cởi bỏ hoàng bào để lên núi Yên Tử tu hành, trở thành Điều ngự Giác Hoàng, sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Lần đầu tiên, dân tộc Việt có một dòng thiền thuần Việt. Kế thừa tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã thống nhất các dòng thiền đương thời trở thành thiền Trúc Lâm nhập thế, mang đậm tinh thần và bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng và đề cao giá trị của con người, dùng đạo để gắn đời, qua đời để xiển đạo, đạo hòa quyện với đời và cũng là đời. “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam đã trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức, từ đó hòa quyện trở thành giá trị văn hóa chung của dân tộc. Đúng như cảm xúc của nhà thơ Giang Nam khi ông tới thăm Yên Tử và sáng tác bài thơ “Lên Yên Tử nghĩ về đất nước”: “Lên Yên Tử để lại sau lưng những lo lắng đời thường/ Nghe quá khứ hiện về hào hùng dữ dội/Đuổi giặc xâm lăng giữ yên bờ cõi/Lại trở về với rừng trúc, đồi thông”.

Khu trung tâm văn hóa lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử

Từ đỉnh Yên Tử cao 1.068 m - ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm, của Điều ngự Giác Hoàng và các vị tổ kế tục là Pháp Loa, Huyền Quang đã lan tỏa. Dấu chân của các thế hệ danh nhân, nhà tu hành đã ghé qua Côn Sơn, Thanh Mai (TP. Chí Linh, Hải Dương), in trên đá núi dọc dãy Yên Tử, từ sườn tây Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà (Bắc Giang), tới sườn đông Ngọa Vân, Quỳnh Lâm (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) và Hoa Yên, Vân Tiêu, chùa Đồng (TP. Uông Bí, Quảng Ninh). Hàng trăm ngôi chùa, đền, am, tháp, hàng ngàn, hàng vạn kinh văn… chứa đựng di sản lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật đã tạo nên một không gian văn hóa - tôn giáo thống nhất cho cả khu vực.

Nơi nương náu, chữa lành tâm hồn

Trong suốt hơn 700 năm qua, Yên Tử luôn là một chốn hành hương với thiên nhiên được bảo tồn nguyên vẹn nhất.

Một nhà báo lão thành từng miêu tả về Đường Tùng: “Đây là nơi hội tụ của các “bậc lão thực” tuổi đời hơn 700 năm duy nhất còn sống sót cùng với di tích. Và chúng tôi không thể không bày tỏ lòng kính trọng bằng sự vuốt ve hoặc im lặng hoàn toàn như thói quen đã từng đối xử với những ly rượu hoặc ngôi nhà hơn tuổi của mình… Trên kia, những vòm xanh nguy nga vẫn không ngớt tiếng rì rầm. Và tôi chợt hiểu ra, đó là những gì thật nhất mà thiên nhiên hoang dã đang truyền cho chúng tôi. Có mà như không có”.

Hành trình hòa mình vào thiên nhiên là hành trình của giác ngộ chỉ có thể có ở Yên Tử là vậy. Chả thế mà, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm là Huyền Quang tôn giả đã có bài kệ: “Buông niềm trần tục/ Náu tới Hoa Yên/ Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy/ Gió tiên đưa đòi bước thần tiên/ Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới/ Giày thong thả dạo khắp sơn xuyên”.

Vẻ đẹp đó vẫn vẹn nguyên và đang được chăm sóc, gìn giữ. Suốt dọc đường đi, từ chân núi lên đến chùa Đồng, cứ khoảng 3-5 m lại có một thùng rác được thiết kế hòa vào cây rừng, được đặt cạnh mọi lối đi. Các biển chỉ dẫn có cả hình ảnh minh họa, cả chữ tiếng Việt lẫn tiếng Anh chuẩn quốc tế, được đặt hàng riêng cho Yên Tử.

Quần thể di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử đang được đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Nhưng từ trước đó, để đưa Yên Tử thành một điểm đến không thể thiếu trong chuỗi di tích, danh thắng của du lịch Quảng Ninh, Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm đã lập Dự án Khu trung tâm văn hóa lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử tại khu vực Bến xe Giải Oan cũ. Toàn bộ công trình này được chính kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Bill Bensley thiết kế, nay đã hiện hữu dưới chân núi Yên Tử. Từng viên ngói, phiến gạch, từng khuôn viên trong công trình đều mang đậm kiến trúc thời Trần thế kỷ XIII và kiến trúc thân quen của làng quê Việt Nam.

Chùa Đồng trên đỉnh núi thiêng Yên Tử

Ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Tùng Lâm cho biết, kiến trúc sư Bill Bensley khi đến Yên Tử khảo sát, nhìn thấy Vườn tháp Huệ Quang, ông đã quyết định xây dựng một công trình mang dấu ấn của thời gian ở thế kỷ XIII và lấy cảm hứng kiến trúc của Vườn tháp để áp dụng cho công trình. Mục đích của kiến trúc sư khi xây dựng công trình này là để du khách khi đến đây cảm nhận được màu của thời gian, cảm nhận được sự thân thuộc gần gũi và thấy mình đang “chạm vào quá khứ”. Các cảnh quan được tôn trọng tối đa, khi tất cả những cây có đường kính từ 10 cm trở lên đều được giữ lại. Thiết kế các công trình được bố trí đan xen, ẩn hiện để tương thích với khung cảnh rất đẹp hiện có.

Giờ đây, dưới chân núi Yên Tử, người hành hương còn có thêm cơ hội được chiêm ngưỡng, được nghỉ ngơi trong Khu tĩnh dưỡng Lagecy Yên Tử - Mgallery. Nơi đây giống như một cung điện cổ, đưa du khách đắm mình trong tinh hoa văn hóa trải dài suốt lịch sử ngàn năm của dân tộc. Được trải nghiệm không gian văn hóa thanh bình tại khu vực Làng Nương.

Mới đây, công trình Cung Trúc Lâm Yên Tử do kiến trúc sư Bill Bensley thiết kế, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư đã được khánh thành.

Quốc sư Phù Vân từng nói: “Núi không có Phật. Phật vốn ở trong tâm. Tâm lặng lẽ mà biết, ấy là chân Phật”. Ngay từ khởi nguyên, thiền Trúc Lâm đã mang sẵn một tinh thần nhập thế. Nó luôn nâng đỡ chúng sinh và tồn tại như chính đời sống chúng sinh. Cũng dễ hiểu rằng, tại sao sau trùng trùng đổ nát, người ta vẫn tìm về Yên Tử, không phải cầu gặp Phật, mà để thư thái, tìm lại bản thân.

Trong những ngày tháng đại dịch Covid-19, đã có biết bao sự mất mát to lớn xảy đến bất ngờ, nhiều biến cố chưa từng có đã diễn ra. Chính trong những lúc đó, con người mới chợt hiểu, được sống, được thở đã là an lành và hạnh phúc như thế nào. Để đồng hành, nâng đỡ và chữa lành cho những tâm hồn đang bị tổn thương, Tùng Lâm Yên Tử đã tạo ra các chương trình “chữa lành” với những khóa thiền như “Doanh nhân hạnh phúc”, “Gia đình hạnh phúc”, “Bình yên đóa hoa ra chào”, “Suối nguồn tuệ giác”… để giúp mọi người tìm về với chính mình, xoa dịu những nỗi đau, vết thương trong tâm.

“Đến với Yên Tử, điều đầu tiên tôi thấy là năng lượng bình an của núi rừng, của cảnh quan và của con người nơi đây. Tôi mong muốn tất cả chúng ta hãy để lại phía sau những bận rộn, lo toan hàng ngày, những mối bận tâm để tập trung tận hưởng những giây phút được sống ở đây”, ông Bùi Đình Tuấn đã chia sẻ mong muốn giản dị này trước khóa thiền “Doanh nhân hạnh phúc” năm 2022.

Hạ An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/yen-tu-va-hanh-trinh-ket-noi-tam-linh-d201666.html