'Yersin là một biểu tượng về mục đích sống'

Nhân dịp ra mắt tác phẩm 'Sống để phiêu lưu', tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ về nhân vật chính của cuốn sách - ông Năm Yersin, về Đà Lạt và sự xê dịch trong nghề viết của mình.

Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Vĩnh Nguyên là tác giả của nhiều cuốn sách lịch sử, văn hóa, hư cấu và tiểu luận viết cho người lớn. Sống để phiêu lưu: Những cuộc thám hiểm của ông Năm Yersin là tác phẩm đầu tiên của anh dành cho độc giả thiếu niên.

Quyển sách ra đời từ tâm sự một người cha

- Từng xuất bản 6 cuốn sách về Đà Lạt, nhưng cuốn thứ bảy này là tác phẩm đầu tiên dành cho lứa tuổi thiếu niên. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về nguồn cảm hứng khiến anh chấp bút cuốn sách này?

- Tôi thường bắt đầu một cuốn sách không phải từ nguồn cảm hứng, mà đa số, từ những suy tư và ý tưởng. Rồi thường duy trì việc viết bằng kỷ luật, loại bỏ ý định “chờ cảm hứng”.

Có lẽ cũng như những người cha khác, tôi nhiều lần băn khoăn nghĩ về việc xác lập, lựa chọn mục đích sống của con cái mình trong bối cảnh mà các giá trị sống xoay chuyển quá nhanh; tuổi trẻ rất dễ rơi vào các cuộc khủng hoảng, hoang mang trước tương lai.

Tôi có ý định viết cho đứa con trai 13 tuổi của mình một cuốn sách, mong một lúc nào đó, khi đặt các bộ truyện tranh hấp dẫn xuống, cháu có thể tiện tay cầm lên đọc nó rồi tìm thấy ngôn ngữ của thời đại mình, hay xa hơn, gặp gỡ một biểu tượng có tính soi dẫn, nghe một lời khuyên thân thiết, không giáo điều, áp đặt…

Câu chuyện những cuộc phiêu lưu trong thế giới y học và khám phá địa lý, những vùng văn hóa xa lạ của bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin, về bề mặt chất liệu, đủ để gói ghém thành một món quà hấp dẫn cho bọn trẻ. Sâu xa hơn, Yersin xứng đáng là một biểu tượng về mục đích sống dành cho con người nói chung trong thế giới hiện đại.

- Là độc giả đặc biệt được ghi lời đề tặng, con trai anh có tham gia ý kiến với anh về tác phẩm và chia sẻ cảm nhận ra sao về cuốn sách?

- Cháu bảo rằng, phần nhiều là mang lên lớp, đọc khi ra chơi (có lẽ một phần muốn khoe với bạn bè chăng?). Là một độc giả nhỏ tuổi đọc sách ngẫu hứng, có thể đọc hai đêm hết một cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh hay Saint-Éxupery hay dành nhiều ngày đọc đi đọc lại một cuốn truyện tranh yêu thích, khi gặp cuốn này, cháu đã đọc với sự hiếu kỳ và chậm rãi. Sau đó, có chia sẻ với “tác giả” một số cảm nhận riêng mà khi viết tôi không nghĩ tới.

Ví dụ, cháu so sánh sự phụng sự con người vô điều kiện của bác sĩ Yersin với những hỏi đòi khắc nghiệt của ông bác sĩ quái dị trong bộ truyện tranh Black Jack, hay cảm thấy bất ngờ vì thế giới các bộ tộc núi rừng Nam Trường Sơn - những nơi cháu từng đặt chân đến - từng có nhiều phong tục lạ lùng: cúng thần sấm sét, làm đám ma như trong phim kinh dị hay cách trao đổi hàng hóa sơ khai thuở con người chưa biết làm tính cộng…

Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên (trái) và con trai trong một chuyến đi Đà Lạt. Ảnh: NVCC.

Xê dịch trong những chuyến phiêu lưu của nghề viết

- Lý do nào đã khiến anh chọn khía cạnh con người phiêu lưu của Yersin làm đề tài chủ chốt của cuốn sách?

- Như tôi đã nói ban đầu, đây chính là một trong những yếu tố làm nên con người cá nhân tuyệt vời ở ông Yersin. Ta thấy ông rời bỏ viện Pasteur Paris lúc ở độ chín của sự nghiệp chỉ bởi các áp lực của môi trường “tháp ngà” khiến con người ông mệt mỏi.

Ta lại thấy ông làm bác sĩ trên các tàu ở Đông Dương chỉ để làm quen địa hình, học cách sử dụng các thiết bị chuyên dụng trước khi đặt chân lên những vùng đất hoang vu của núi rừng Nam Trường Sơn mà thuở ấy, chính dân bản địa còn e ngại. Những chuyến đi trả giá bằng máu, và có đôi lần ông suýt mất mạng vì gặp voi rừng, chiến đấu với lục lâm thảo khấu…

Những năm cuối đời, cuộc phiêu lưu của ông khám phá và khai thác Hòn Bà, mở trang trại nuôi ngựa sản xuất huyết thanh, nhập vào Việt Nam những giống cây mới cho mục đích y học và nông nghiệp. Nhất là chúng ta thấy ông không ngần ngại đi vào “thành phố chết” Hong Kong trong trận dịch hạch năm 1894 để dựng lán mổ tử thi và tìm ra trực khuẩn gây bệnh, từ đó trở thành vị bác sĩ đặt dấu chấm hết cho Cái Chết Đen từng phủ bóng chết chóc lên lịch sử nhân loại nhiều thế kỷ…

Trong mỗi quyết định của ông, ta đều thấy sự phiêu lưu. Và để ý kỹ, sẽ thấy ông luôn có sự trang bị kỹ lưỡng cho các cuộc phiêu lưu bằng một tinh thần ham học hỏi, yêu mến hiểu biết.

Ông rời thế giới chúng ta hơn 80 năm, nhưng các thành tựu và phẩm giá của ông, tôi nghĩ không ở lại với lịch sử. Phẩm chất “sống để phiêu lưu” trong sự hiểu biết và phụng sự con người, tôi nghĩ cần được gieo mầm trong tâm hồn, ý thức của thế hệ tương lai.

Sách Sống để phiêu lưu. Ảnh: NVCC.

- Cá nhân anh yêu thích Yersin ở những điểm nào?

- Tôi nhìn thấy con người lặng lẽ đơn độc của ông Năm Yersin. Cuốn sách này đã bắt đầu từ những năm tháng cuối đời ông. Tôi nghĩ, vào thời điểm đó, hẳn có lúc nhà thám hiểm, nhà khoa học lừng danh này cảm thấy cô đơn. Những đứa trẻ xóm Cồn ngày ngày vây quanh xem phim, đọc sách, nghe kể chuyện phiêu lưu… sẽ trở thành những người bạn thiết của ông, có lẽ là dịp để ông bộc bạch, gửi gắm nhiều nhất.

Vậy thì nơi góc biển miền Trung Việt Nam, những chân trời hôm qua sẽ được tái hiện. Đó cũng là những chân trời tươi đẹp ẩn sâu trong nội tâm của con người tầm vóc và hướng nội, ẩn dật này.

- Trong cuốn sách này, anh viết “ít nhà thám hiểm nào lại bằng lòng với chuyến thám hiểm đầu tiên” khi kể câu chuyện về Yersin. Phải chăng anh với lịch sử, kiến trúc, văn hóa Đà Lạt cũng chính là những chuyến thám hiểm miệt mài như vậy?

- Tôi được đọc tiểu sử, hồi ký, nhật ký của Yersin từ hơn 20 năm trước. Và đúng là trong những chọn lựa cuộc sống của mình, tôi có nghĩ đến ông. Nhưng trước cuộc đời phong phú đặc biệt của ông, cuộc sống của tôi khá nhàm chán và nhạt nhẽo. Nếu dễ dãi, tôi sẽ nói rằng đó là những cuộc thám hiểm trong công việc viết lách. Nhưng tiếc thay, trên thực tế thì không phải vậy, người viết như tôi thì chỉ có thể học ông được một vài phẩm chất trong sự chọn lựa độc lập cho con đường của mình.

- Sau mỗi tác phẩm anh có thường nhìn lại và tự đánh giá, đúc kết để phát triển, hoàn thiện hơn những tác phẩm sau đó không?

- Sau mỗi tác phẩm, tôi nghĩ đến tác phẩm mới. Và tôi không đi làm cái việc hoàn thiện tác phẩm đã viết, mà tìm kiếm một cái gì đó mới, bất ngờ hơn so với cái cũ. Vì như đã nói, cuộc sống của tôi vô cùng nhàm chán, nên tôi thích sự xê dịch khi viết.

- Anh có thể chia sẻ thêm về các tác phẩm anh đang ấp ủ hiện nay? Anh nghĩ sự nghiệp cầm bút của mình trong tương lai sẽ còn gắn liền xuyên suốt với thành phố Đà Lạt hay không?

- Về viết, tôi vẫn đang làm một lúc nhiều thứ, không biết phải nói từ đâu. Bạn nghĩ một người đã viết quá nhiều về một thành phố như tôi thì có nên tiếp tục không? (Cười).

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/yersin-la-mot-bieu-tuong-ve-muc-dich-song-post1463200.html