Yêu biết mấy, đồng đội của tôi

Vào đúng dịp 27 tháng 7, kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, tôi cùng vợ vào Tam Kỳ dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng mà Nhà nước phong tặng cho Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V, nơi chúng tôi đã sống và cống hiến nhiều năm tuổi trẻ.

Cách đây vài năm, chúng tôi đã có cuộc hội ngộ giàu ý nghĩa với đồng đội tại Quy Nhơn. Lần ấy, tưởng là cơ hội cuối cùng chúng tôi gặp nhau, vì ai cũng cao tuổi, ở tản mạn khắp các vùng miền của đất nước. Vậy mà cơ hội thứ hai lại đến, khi đơn vị mà chúng tôi công tác suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước được phong danh hiệu Anh hùng. Thế là, những cán bộ Tuyên huấn chúng tôi, từ mọi miền của Tổ quốc, lại ùa về tụ tập tại Tam Kỳ - Quảng Nam, nơi có căn cứ của Khu ủy khu V đóng lâu nhất, đó là Trà Mi.

Công đầu tạo nên cuộc gặp gỡ tràn đầy tình nghĩa này thuộc về các anh chị trong Ban Liên lạc hưu trí Ban Tuyên huấn Khu ủy V, mà người có công nhất, theo cảm nhận của tôi, là anh Nguyễn Kim Tuấn, nguyên cán bộ Ban. Anh phải cùng một số anh em sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, lập hồ sơ trình Trung ương xem xét thành tích của Ban. Bây giờ, anh cũng nghỉ hưu rồi, không chức quyền, không quân sĩ, chẳng kinh phí, vậy mà anh phải làm đi làm lại hồ sơ, ra Hà Nội ba lần bảo vệ trước Hội đồng xét duyệt. Anh bảo, không phải mình hám cái danh Anh hùng, mà vì biết bao đồng đội của mình đã hy sinh, hoặc bỏ một phần máu thịt trên chiến trường gian khổ, ác liệt này, họ đáng được tôn vinh. Ba lần từ Đà Nẵng ra Hà Nội, ba lần tốn công tốn của mà vẫn chưa xong. Có một ông Tướng chất vấn: “Vậy trong kháng chiến, cán bộ Tuyên huấn đã giết được bao nhiêu kẻ địch mà xứng danh Anh hùng?” Nghẹn họng. Bó tay. Vì làm tuyên huấn là làm công tác chính trị, tư tưởng, tác động vào tinh thần của cả bên ta và bên địch, có phải là người cầm súng đánh giặc đâu mà đong đếm xác chết? Sau lần ấy, anh về Đà Nẵng, không hy vọng gì nữa. Vậy mà đột nhiên anh nhận được thông báo: Nhà nước đã xét duyệt hồ sơ, phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V.

Mừng đấy, lại lo đấy, bởi đã được vinh danh, thì phải mời hết những đồng đội đã từng là cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn khu V về làm lễ đàng hoàng ở chính mảnh đất một thời bom đạn, thấm máu quân dân Khu V. Nhưng tiền đâu để làm? May thay, anh không đơn độc. Ban Tuyên huấn Trung ương cấp một phần kinh phí, đại diện của Ban ở Đà Nẵng cùng anh Kim Tuấn lần mò tới nhiều cơ quan, đơn vị kêu gọi hỗ trợ. Lời kêu gọi được đáp lại nhiệt tình, kinh phí khá dồi dào, lại được Tỉnh ủy, UBND Quảng Nam giúp đỡ, cho nên anh Tuấn mới thông báo rộng rãi cho đồng đội về dự lễ, được Ban Tổ chức lo cho từ kinh phí đi lại, tới việc ăn, ở!

Đồng chí Nguyễn Kim Tuấn ôn lại những thành tích của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V

Chúng tôi háo hức về lại mảnh đất chiến trường xưa. Mong nhất là được hàn huyên với đồng đội, có người cả mấy chục năm rồi chưa gặp lại. Tôi gặp một ông già râu dài tóc bạc, chưa nhận ra là ai. Nhưng khi anh cười, thì tôi thốt lên ngay: “Anh Vũ Hồng!” bởi tôi nhận ra ngay nụ cười tươi tắn, hồn hậu thời gian khổ. Hồi ấy, tôi là phóng viên trẻ mới vào chiến trường, anh đã là cán bộ kỳ cựu, nhưng vẫn cùng nhau đi cõng gạo. Đáng nhớ nhất là anh lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái, với nụ cười tươi tắn, cởi mở. Bây giờ, anh đã 89 tuổi, nhưng vẫn mạnh khỏe. Anh bảo, đó là nhờ tập Dịch kinh cân. Ngay tại sảnh khách sạn, vẫn với nhiệt tình như xưa, anh hướng dẫn tôi cách đứng vẫy tay tập luyện cho khỏe người như anh – 5 năm nay, từ khi tập, chẳng ốm đau bệnh tật gì, vẫn phóng xe máy vững vàng. Rất chu đáo, anh dặn phải để sẵn chiếc ghế, vì tập xong, chân sẽ đau cứng, phải ngồi xuống kịp thời kerp ngã. Anh nhắc lại kỷ niệm hồi mấy anh em đi cõng gạo, qua sông Thanh, gặp một rừng loòng boong với hàng chùm trái chín. Anh bảo, hôm ấy đang bị đau bụng, vậy mà ăn mấy trái loòng boong ngọt lịm vào một lúc là êm bụng ngay! Tôi nhắc lại hồi cõng gạo, chiều nghỉ ở bến Giằng, mắc võng bên bờ sông, tới nửa đêm nước lũ về ào ào, anh em phải lục tục dậy dỡ tăng, cởi võng, chạy vội lên chỗ cao!

Buổi chiều, sảnh khách sạn đông đặc người. Tưởng là vỡ trận, người đăng ký khoảng 250, vậy mà thực tế có tới 440 người về dự lễ, làm sao bố trí kịp nơi ăn nghỉ? Các cháu nhân viên khách sạn, các chị em cán bộ từ Ban Tuyên huấn Trung ương vào tíu tít đón đón, ghi ghi, thu thu xếp xếp, cuối cùng cũng ổn cả. Buổi tối, họp toàn đoàn để nghe phổ biến về chương trình buổi lễ, tôi đi qua một hàng ghế thì một người dúi vào tay tôi một gói khá to. Đông người, tôi lướt qua và chẳng hiểu là ai đã trao cho mình gói quà đó. Khi về phòng, mở ra, đó là cá kèo và cá mực khô. Vợ tôi trách tôi mãi là không dừng lại xem ai đã đưa quà cho mình? Sáng hôm sau, tìm khắp hội trường, cũng gặp được người đã cất công đem gói quà từ quê ra cho chúng tôi, đó chính là Đông, người phụ nữ trước đây cùng làm với vợ tôi ở Điện ảnh khu, cũng đã có lần ra Hà Nội, lưu lại nhà tôi một tối. Tình bạn mộc mạc mà đằm thắm làm sao. Trong dịp này, vợ tôi - Ngân – cũng thỏa lòng mong ước khi được về tận nhà người bạn thân cách đây đã 50 năm, là Lan, nhà ở Quế Sơn. Hai chị em từng là chiến sĩ quân Giải phóng từ năm mười mấy tuổi, từng cùng nhau chăm sóc thương bệnh binh ở Trạm xá, có đêm phải nằm canh xác một anh lính trẻ qua đời vì bị sốt rét ác tính, sợ quá hóa ra hết sợ... Thấy nhà bạn cao to được dựng trên mảnh đất rộng, có vườn cây xanh tốt, hoa quả sum xuê, chúng tôi rất vui.

Tác giả cùng đồng chí Vũ Hồng, người đã 89 tuổi mà vẫn mạnh khỏe, vui tươi

Trong chuyến hội tụ này, có rất nhiều cặp vợ chồng đã xây dựng hạnh phúc từ thời còn chiến tranh hoặc sau đại thắng mùa xuân 1975 một chút. Với những cặp mà tôi biết, chỉ trừ mấy cặp phải chia lìa do cái chết, còn lại vẫn sánh đôi vững bước trong cuộc sống mới. Có lẽ, bắt nguồn từ gian khổ, chung lưng đấu cật, nên tình yêu của họ rất bền chặt, họ chung bước vượt qua chiến tranh ác liệt và lại cùng nhau vượt qua những ngày thiếu thốn thời hậu chiến. Đó là các cặp Long – Ngân, Huề - Thùy, Quảng – Hòa, Nghiệp – Thoa, Hạnh – Hải, Bông – Hạnh… Bây giờ, họ đã là ông bà nội ngoại, có cuộc sống vui vầy cùng con cháu, bạn hữu.

Trong cuộc vui này, tôi không khỏi ngậm ngùi khi không còn được gặp những đồng đội thân thiết của tôi, bởi các anh chị ấy đã hi sinh thời chiến tranh, hoặc qua đời trong thời bình. Đâu rồi Kiều Thị Nghị, cô gái Quảng Ngãi có đôi mắt bồ câu thơ ngây, trong sáng, từng chèo đò đưa chúng tôi vượt sông Tranh giữa mùa mưa lũ? Đâu rồi Lê Viết Vượng, phóng viên TTX mang 5 thứ bệnh trong người vẫn háo hức ra tiền tuyến? Đâu rồi Phạm Thị Đệ, cô gái Hà Tây thân hình nhỏ bé với gùi sắn nặng trĩu trên lưng? Đâu rồi Nguyễn Thành Lê, phóng viên báo Cờ Giải phóng, đã vượt qua nỗi đau mất vợ vì chị bị ung thư, để vững vàng cầm bút góp sức chống xâm lược? Đâu rồi Nguyễn Mỹ, nhà thơ với bài thơ sống mãi cùng thời gian “Cuộc chia ly mầu đỏ”, người đã trở thành “thợ săn” nổi tiếng của Ban Tuyên huấn, lại là tay sát cá, thường đi câu với tôi? Đâu rồi họa sĩ Hà Xuân Phong, người nghệ sĩ giỏi vẽ, lại cũng giỏi cắt tóc, thường trổ tài giúp anh em đỡ đầu bù tóc rối? Đâu rồi Dương Thị Xuân Quý, nữ nhà văn người nhỏ bé cõng chiếc ba lô lớn hơn thân mình, vượt Trường Sơn mà hồn văn vẫn lai láng, viết ngay trên đường hành quân truyện ngắn "Hoa rừng" đầy tinh thần lạc quan, người đã cùng tôi và Bùi Minh Quốc đãi nhau một bữa cháo loãng vào cái đêm mà chị xuống Quảng Đà để rồi "nằm lại đất lành Duy xuyên" (thơ Bùi Minh Quốc)? Đâu rồi nhà văn Chu Cẩm Phong, người cán bộ dày dạn nơi chiến trường, vừa gương mẫu làm công tác chuyên môn, vừa tiên phong trong công việc sản xuất, gùi cõng vất vả, gian nan, người đã viết “Gió lộng từ cửa Đại” mà tôi được nghe phát trên đài Tiếng nói Việt Nam hồi tôi vừa bước chân vào chiến trường, làm cho tôi càng háo hức cầm bút góp phần vào sự ngiệp giải phóng dân tộc? Ôi, thương nhớ biết bao, những đồng chí thân yêu của tôi đã gửi thân mình ở rừng núi Tây nguyên vì bom đạn, biệt kích, nước lũ cuốn trôi... Kết thúc chiến tranh tháng 4/1975, Ban Tuyên huấn khu V có 1.098 cán bộ, trong đó hy sinh trên chiến trường 128 đồng chí, bị thương 193 đồng chí, nhiễm chất độc da cam 19 đồng chí, bị bắt cầm tù 12 đồng chí, qua đời từ sau ngày hòa bình 68 đồng chí, trong đó có 16 đồng chí cán bộ lãnh đạo Ban. Tức là, trong suốt cuộc kháng chiến vệ quốc, khoảng 30% đồng chí chúng tôi đã hi sinh, bị thương, bị cầm tù! Cơ quan Thông tấn xã của chúng tôi luôn luôn là người lính xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Vào năm 1959, khi chưa thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng thì phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có mặt tại chiến trường Khu V. Đến năm 1965, Thông tấn xã Khu V có 60 phóng viên đủ các bộ phận chuyên môn nhiếp ảnh, kỹ thuật, và phóng viên thường trú các tỉnh miền Trung. Đến ngày giải phóng miền Nam, thông tấn xã Khu V có 180 phóng viên, kỹ thuật viên, hy sinh 8 đồng chí, bị bắt 1 đồng chí.

Chỉ vỏn vẹn 1 ngày đêm, gặp nhau hàn huyên không đủ thời gian, không nghe hết chuyện. Chỉ biết rằng, những cán bộ Tuyên huấn Khu ủy V chúng tôi, khi ra khỏi cuộc chiến, vẫn giữ vững khí tiết, phẩm hạnh, vươn lên tiếp tục đóng góp xây dựng đất nước thời hậu chiến đầy gian khổ. Có không ít người đã trở thành cán bộ trung, cao cấp. Nhiều người yên vị làm cán bộ bình thường. Cũng có những người trở lại làm thường dân, về quê cày sâu cuốc bẫm. Vậy mà tất cả có một điểm chung là ý chí vươn lên, sống tử tế, không chịu cảnh bần hàn khốn khó, cũng không chạy theo cái bả tiền tài, danh vọng, cho nên không một ai trở thành quan tham.

Yêu biết mấy, đồng đội của tôi!

Ban Tổ chức đón tiếp, bố trí ở, ăn chu đáo

Bốn nữ phóng viên TTX Khu V thời chiến và ngày gặp lại sau hơn 40 năm

Thời chiến, ở căn cứ, đủ mọi sắc thái của cuộc sống

Đôi bạn thời chiến Ngân - Lan sau 50 năm gặp lại

Phạm Việt Long |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/yeu-biet-may-dong-doi-cua-toi-63167