Yêu cầu chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương

Theo Reuters và TTXVN, ngày 4-4, Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc kêu gọi ngừng các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với các quốc gia đang phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ. G77 cảnh báo việc áp đặt trừng phạt kinh tế đơn phương sẽ tác động tiêu cực đến khả năng của các nước trong chống dịch, khiến các nước chậm nhận được các nguồn cung trang, thiết bị y tế để điều trị cho người dân.

* Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) K.Georgieva nhận định đại dịch đã khiến kinh tế toàn cầu rơi vào đình trệ, có thể dẫn tới suy thoái với mức độ nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. IMF kêu gọi các nền kinh tế phát triển giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với đại dịch. IMF sẵn sàng sử dụng quỹ dự phòng chiến tranh 1.000 tỷ USD nếu cần.

* Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hàng triệu lao động ở khu vực Ðông - Nam Á có thể bị mất việc làm khi các hoạt động kinh tế phải đột ngột dừng lại do các chính phủ tăng cường nỗ lực chống dịch. Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo gần 25 triệu lao động trên toàn thế giới có thể bị mất việc làm.

* Tính tới ngày 4-4, số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt ngưỡng 1,15 triệu người và hơn 60 nghìn người chết, khoảng 240 nghìn bệnh nhân đã khỏi bệnh. Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số trường hợp mắc Covid-19 cao nhất thế giới, với hơn 291 nghìn người. Trong khi đó, Italy là quốc gia có số người chết cao nhất trên toàn cầu, với khoảng 14.700 người trong gần 120 nghìn người nhiễm bệnh.

* Tổng thống Mỹ D.Trump đã kích hoạt Ðạo luật sản xuất quốc phòng nhằm dừng hoạt động xuất khẩu khẩu trang cũng như các thiết bị bảo hộ y tế khác. Bộ trưởng Y tế Mỹ A.Azar cho biết, hàng chục triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế sẽ được điều trị miễn phí nếu mắc Covid-19. Hiện có 27,5 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế. Tổng thống D.Trump đã chọn một thành viên của văn phòng luật sư Nhà trắng làm Tổng thanh tra giám sát việc phân bổ hàng trăm tỷ USD trong quỹ liên bang như một phần của gói cứu trợ nhằm đối phó với dịch.

* Thủ tướng Canada G.Tru-đô cho biết, chính phủ liên bang sẽ điều quân tới bang Kê-bếch để hỗ trợ các cộng đồng địa phương ứng phó với đại dịch. Thủ tướng Tru-đô cảnh báo chính quyền Mỹ về việc cần duy trì mở cửa biên giới Canada - Mỹ đối với hoạt động trao đổi thương mại hàng hóa thiết yếu. Số ca nhiễm Covid-19 tại nước này đã lên tới hơn gần 13 nghìn trường hợp.

* LHQ dự báo khu vực Mỹ latinh đang tiến tới đợt "suy thoái sâu" trong năm nay, với GDP khu vực được dự báo sẽ giảm 1,8 đến 4% do tác động của đại dịch. Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản tín dụng trị giá 245 triệu USD cho một số nước Mỹ latinh để mua trang thiết bị, vật tư y tế. Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) cũng phê duyệt một quỹ khẩn cấp 16 triệu USD nhằm đối phó dịch bệnh.

* Ðại diện cấp cao của Liên hiệp châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại G.Bo-ren cho biết khối đã hồi hương được hơn 350 nghìn công dân, nhưng vẫn còn tới 250 nghìn trường hợp bị mắc kẹt và nhiều hoạt động giúp đỡ đang được tiến hành. EU đã sử dụng đến chương trình máy bay xử lý khủng hoảng của mình khi không có hãng hàng không thương mại nào sẵn sàng cất cánh để đưa công dân EU hồi hương.

* Thành phố Xanh Pê-téc-bua của Nga đã khởi tố vụ án hình sự đầu tiên do phát tán tin giả về dịch. Theo luật mới, những cá nhân phát tán các thông tin giả sẽ bị phạt tiền lên tới 25 nghìn USD và có thể phải nhận án tù lên tới 5 năm. Các phương tiện truyền thông đưa tin sai lệch về dịch sẽ bị phạt tới 127 nghìn USD.

* Ngày 4-4, Hàn Quốc cho biết, số ca nhiễm tại tâm dịch thứ hai của châu Á đã lên tới 10.156 ca, trong khi số trường hợp không qua khỏi là 177 ca. Chính phủ Hàn Quốc quyết định kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần nữa.

* Ngày 4-4, Trung Quốc đã tổ chức quốc tang để tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh mạng sống của họ để chiến đấu chống dịch và những người đã chết vì dịch Covid-19. Trong số những liệt sĩ có 12 y sĩ, bác sĩ, một sĩ quan cảnh sát và một nhân viên cộng đồng.

* Cơ quan Hàng không dân dụng Thái-lan thông báo, Thái Lan sẽ tạm thời cấm tất cả chuyến bay chở khách hạ cánh xuống nước này từ sáng 4-4 cho tới hết ngày 6-4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch của Bộ Y tế tuyển dụng 45.684 viên chức để đối phó với dịch. Chính phủ cũng công bố một gói kích thích kinh tế mới trị giá 50,87 tỷ USD.

* Với mong muốn hỗ trợ gần 150 nghìn sinh viên ASEAN đang du học tại Australia, đại sứ các quốc gia thành viên ASEAN tại Australia đã gửi thư chung kêu gọi Chính phủ Australia có sự hỗ trợ phù hợp về sức khỏe thể chất và tinh thần cho sinh viên quốc tế và linh hoạt các quy định ban hành. Bộ trưởng Di trú Australia ngày 4-4 cho biết sẽ có một số thay đổi chính sách, tuy nhiên, người nước ngoài tại Australia sẽ không nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ.

* Tại Iran, người phát ngôn Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 4-4, nước này có 55.743 ca nhiễm và 3.452 người chết, 4.103 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Chính phủ cấm mọi hoạt động đi lại giữa các thành phố ít nhất đến ngày 8-4, đóng cửa tất cả các trường học và bốn điểm hành hương quan trọng của người Hồi giáo dòng Shiite. Quốc hội Iran phải tạm thời ngừng hoạt động.

* Liên minh Nghiên cứu lâm sàng Covid-19 gồm hơn 70 cơ quan khoa học đã gửi thư cảnh báo rằng, các nước nghèo cần được tiếp cận với nghiên cứu về dịch để tránh cho hệ thống chăm sóc y tế bị sụp đổ. Bức thư nêu rõ sự lo ngại của các chuyên gia y tế không chỉ ở góc độ dịch sẽ cướp đi sinh mạng của nhiều người ở các nước nghèo, mà sẽ làm nghiêm trọng thêm các vấn đề đang tồn tại như nghèo đói, cơ sở hạ tầng yếu kém và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43934602-yeu-cau-cham-dut-cac-bien-phap-trung-phat-don-phuong.html