Yêu cầu đánh giá toàn diện việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã làm việc với UBND tỉnh về chuyên đề giám sát 'Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh'.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Tuấn chủ trì buổi làm việc.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh, trong 3 năm (2020, 2021, 2023), UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, với nhiều biện pháp đồng bộ, tập trung huy động mọi nguồn lực, góp phần sớm kiểm soát, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn. Trong đó: HĐND, UBND tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về phòng, chống dịch; bảo đảm kịp thời, phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống dịch trong từng thời gian.

Toàn tỉnh đã huy động gần 2.556 tỷ đồng từ nguồn NSNN; 550,9 tỷ đồng (gồm tiền và giá trị hiện vật quy đổi tương đương tiền), cùng nhiều hiện vật không quy đổi thành tiền khác từ các tổ chức, cá nhân. Huy động cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, tổ chức, các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, toàn tỉnh đã trưng dụng nhiều cơ sở vật chất, phương tiện của các bệnh viện, trường học và của nhiều cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn cho công tác chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phát biểu tại buổi giám sát

Cùng với huy động, UBND tỉnh cũng đã cơ bản thực hiện tốt việc chỉ đạo, điều hành phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực và thanh toán, quyết toán theo quy định. Kết quả trong 3 năm, tổng kinh phí đã thực hiện là gần 2.525,9 tỷ đồng, gồm 2.060,5 tỷ đồng từ nguồn NSNN và trên 465,3 tỷ đồng từ nguồn huy động và nguồn khác.

Lãnh đạo Sở Tài chính giải trình tại buổi làm việc

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh, Báo cáo của UBND khẳng định: giai đoạn 2018-2022, HĐND, UBND tỉnh đã cơ bản thực hiện tốt việc cụ thể hóa và chỉ đạo, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng. Trong đó, đã tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thường xuyên quan tâm kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với đội ngũ làm công tác y tế cơ sở và y tế dự phòng...

Lãnh đạo Sở Y tế giải trình các nội dung Đoàn giám sát nêu tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, đã cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về cơ chế tài chính trên lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song tỉnh đã cố gắng bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm duy trì và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng… Do đó, năng lực hoạt động của hệ thống y tế cơ sở của tỉnh tiếp tục được nâng lên; công tác y tế dự phòng cũng đạt được những kết quả tích cực….

Lãnh đạo ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh làm rõ các nội dung Đoàn giám sát nêu liên quan đến ngành Bảo hiểm

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế, thiếu sót: công tác huy động, tiếp nhận, quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân còn có việc thực hiện chưa đúng theo quy định tại Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu tại buổi làm việc.

Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản tiếp nhận từ nguồn ủng hộ, tài trợ còn chậm do vướng mắc về hồ sơ. Thực hiện các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ và hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, người lao động và các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh covid còn có mặt hạn chế. Sau đợt cao điểm chống dịch, số lượng hàng hóa, hiện vật tồn kho ở một số đơn vị còn lớn, có một số máy móc, trang thiết bị được phân bổ cho các đơn vị sử dụng trong đợt cao điểm chống dịch chưa được phân bổ, điều chuyển sử dụng cho phù hợp với điều kiện bình thường mới.

Tổ chức và hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng còn một số hạn chế, bất cập: việc bố trí nhân sự, phân công, điều hành trong tổ chức hoạt động của các đơn vị thuộc hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng sau sắp xếp có lúc, có nơi chưa hợp lý. Một số trung tâm y tế và trạm y tế chưa quan tâm đúng mức trong thực hiện công tác dân số và y tế dự phòng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều đơn vị, nhất là các trạm y tế còn yếu kém, thiếu thốn và lạc hậu. Thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên khoa sâu làm công tác y tế dự phòng cũng như trong khám bệnh, chữa bệnh.

Lực lượng nhân sự làm công tác y tế dự phòng ở các trung tâm và trạm y tế còn mỏng; một số năng lực, trình độ hạn chế; hầu hết cán bộ nhân viên trạm y tế xã đều phải kiêm nhiệm nhiều việc; nhiều nhân viên y tế thôn, bản không có trình độ chuyên môn. Khả năng đáp ứng của mạng lưới y tế cơ sở và y tế dự phòng còn những hạn chế nhất định.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Tuấn kết luận buổi giám sát

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Đoàn giámsát Trần Văn Tuấn đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn lại Ban tiếp nhận nguồn tài trợ, ủng hộ công tác phòng chống dịch ở các cấp trong tỉnh; bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát, chuyển hết số tiền từ nguồn huy động các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 (hiện còn dư) về UBMTTQ quản lý theo đúng quy định.

Chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình hàng hóa, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua hiện đang tồn kho, để có phương án quản lý, sử dụng cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình sử dụng một số máy móc, trang thiết bị đã đầu tư cho một số đơn vị trong thời gian cao điểm chống dịch nhưng nay không có nhu cầu sử dụng, hoặc hiệu quả sử dụng hạn chế, để có phương án điều chuyển cho các đơn vị khác sử dụng, bảo đảm phù hợp với điều kiện bình thường mới. Chỉ đạo các cơ quan khẩn trương có biện pháp giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn trong việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các trang thiết bị, máy móc được tài trợ.

Tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; nhất là đối với các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Dương Nhung – Thanh Mai

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/yeu-cau-danh-gia-toan-dien-viec-huy-dong-quan-ly-su-dung-nguon-luc-phong-chong-dich-i312794/