Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại" giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình số 06) , UBND TP Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ một số dự án giao thông như: Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông; đường vành đai 3; cầu vượt nút giao Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái; cầu vượt nút giao Cổ Linh…

Tiếp tục thực hiện dự án trồng 1 triệu cây xanh

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 06, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh-Ngã Tư Sở-Hà Đông) để đưa vào khai thác sử dụng năm 2017. Trong năm 2016 hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án: Cầu vượt nút giao Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái; cầu vượt nút giao Cổ Linh; Hợp phần BRT và hợp phần đường vành đai 2 thuộc dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội; đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở); đường nối từ Đại lộ Thăng Long kéo dài đến QL 21, huyện Thạch Thất.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT: Đường trục phát triển phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); đường 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến QL 1A, quận Hoàng Mai; đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì. Hoàn thiện các thủ tục thông qua đề xuất dự án đối với các dự án công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng giao thông khung thực hiện theo hình thức PPP làm cơ sở kêu gọi đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện sau năm 2016. GPMB các dự án do Bộ GTVT đang triển khai trên địa bàn TP Hà Nội: Cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình, Pháp Vân-Cầu Giẽ giai đoạn 2, cầu Ba Vì-Việt Trì; Khởi công trong năm 2016 dự án đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long (cả trên cao và dưới thấp); chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng đường cao tốc, vành đai, đường sắt đô thị còn lại để thực hiện trong giai đoạn 2016-2020…

Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công 4 công trình trọng điểm cấp bách giảm ùn tắc giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đặc thù xây dựng, gồm: Xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Cổ Linh và đường đầu cầu Vĩnh Tuy; xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương-đường Thanh Niên; Cải tạo, chỉnh trang khu vực nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch; mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long.

Đối với công tác cấp nước sạch, UBND TP yêu cầu thực hiện rà soát, hiệu chỉnh Quy hoạch cấp nước TP; tiếp tục hoàn thiện chuẩn bị đầu tư các dự án: Nhà máy nước sông Đà II, sông Hồng, sông Đuống; phát triển hệ thống truyền dẫn và phân phối cho các khu vực còn thiếu mạng lưới cấp nước; về thoát nước và xử lý nước thải: Tập trung thi công hoàn thành giai đoạn 2-Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội; tiếp tục triển khai nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom Yên Xá-nghiên cứu, triển khai dự án thoát nước lưu vực sông Nhuệ; hệ thống thoát nước khu vực quận Long Biên, Hà Đông và một số khu đô thị mới bị úng ngập; nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom Phú Đô, Hồ Tây...

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu nâng cấp, duy trì hệ thống cây xanh, mặt nước hiện có. Tiếp tục thực hiện Chương trình trồng một triệu cây xanh, tăng diện tích cây xanh trên đầu người. Nghiên cứu đầu tư xây dựng, thiết kế cảnh quan các công viên, vườn hoa, hồ nước theo quy hoạch; Kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể nhu cầu đầu tư, cải tạo nâng cấp các vườn hoa, sân chơi, nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TP; Tổng hợp, đề xuất kế hoạch triển khai. Cùng đó, khởi công xây dựng các dự án khu công viên và hồ điều hòa phía Bắc và phần mở rộng phía Nam công viên Mai Dịch, Dự án Khu công viên và hồ điều hòa CV1 khu đô thị mới Cầu Giấy; Hoàn thành chuẩn bị đầu tư xây dựng hệ thống vườn ươm, đảm bảo cung cấp, phục vụ kịp thời các dự án đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa.

Hà Nội sẽ tiếp tục trồng thêm nhiều cây xanh để tạo bóng mát và “lá phổi” cho TP. Ảnh tư liệu

Hoàn thành quy hoạch không gian kiến trúc-đô thị tiêu biểu

Trong công tác thu gom và xử lý chất thải rắn UBND TP yêu cầu triển khai các giải pháp nhằm hạn chế việc phát sinh nguồn rác nơi công cộng; Cơ giới hóa việc thu gom rác, vận chuyển rác; bố trí các điểm tập kết rác phù hợp, đảm bảo môi trường và mỹ quan đô thị. Hoàn thành khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn (giai đoạn II); Hoàn thành đề xuất và kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao tại Sóc Sơn, quy mô 4.000 tấn/ngày, Cầu Diễn 1.000 tấn/ngày..; Chuẩn bị đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng các Trạm trung chuyển rác thải tại một số khu vực theo quy hoạch.

Trong vấn đề xây dựng đô thị văn minh hiện đại, TP yêu cầu hoàn thành phê duyệt Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2016 của TP; Kêu gọi đầu tư thực hiện dự án đô thị Nhật Tân-Nội Bài, đô thị sinh thái ven sông Hồng, đô thị vệ tinh; tiếp tục triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà tái định cư; triển khai thực hiện công tác hạ ngầm, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi theo phương thức xã hội hóa.

Sắp xếp, tổ chức lại các điểm trông giữ xe, không để tình trạng thu phí không đúng quy định. Thường xuyên rà soát việc phân luồng, bố trí hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông hợp lý và tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm (nút giao, công trình cầu vượt) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép triển khai theo cơ chế đặc thù.

Hoàn thành quy hoạch không gian kiến trúc-đô thị tiêu biểu, chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, không gian, cảnh quan, kiến trúc, phố cổ, làng cổ, thành cổ đặc trưng của Thủ đô. Nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền các cấp về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; thực hiện các quy hoạch, dự án được duyệt. Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở của người dân theo các mục tiêu trong chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của TP…

UBND TP giao cho Sở Xây dựng là cơ quan Thường trực chương trình, phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính cùng các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã giúp Ban chỉ đạo chương trình chuẩn bị các nội dung cuộc họp, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo tiến độ, tổ chức các cuộc kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện chương trình hàng năm, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo Thành ủy, UBND TP theo quy định.

Các Sở, ngành liên quan tùy theo chức năng được phân công sẽ phụ trách các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến ngành mình như quản lý kinh tế, kỹ thuật, chất lượng xây dựng; đầu tư, cấp phép xây dựng với Sở Xây dựng. Sở GTVT chủ trì thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý kinh tế, kỹ thuật, chất lượng xây dựng, quản lý thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng đối với các công trình giao thông… Sở Tài nguyên và môi trường thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý đất đai, quản lý môi trường.

Sở Xây dựng với vai trò chính, có trách nhiệm tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng, hàng năm, dự thảo báo cáo của UBND TP thông qua Ban chỉ đạo chương trình để báo cáo Thành ủy từ ngày 15 đến 20-6 và từ ngày 15 đến 20-12 hàng năm. Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành tự kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện chương trình ở đơn vị mình.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/yeu-cau-day-nhanh-tien-do-mot-so-du-an-giao-thong-trong-diem-117784