Yêu cầu hàng đầu là phải lo cho người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường

Chiều 19-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về tình hình khắc phục hậu quả bão, lụt. Cùng đi có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Chủ tịch nước đã tới thăm, động viên và tặng quà gia đình bà Đỗ Thị Thanh Hoa, ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng bị thiệt hại rất nặng nề do bão, lụt gây ra. Chủ tịch nước mong muốn gia đình cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục thiệt hại, bảo đảm an toàn nơi ăn, ở, sớm ổn định cuộc sống.

Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã kiểm tra thực địa công tác khắc phục thiệt hại các công trình hạ tầng tại điểm sạt cuối đường Lê Văn Lương, Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Đây là một trong số 21 điểm sạt lở nặng nề của quận Sơn Trà.

Theo báo cáo của địa phương, bão, lụt đã gây thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân trên địa bàn. Đến 14 giờ ngày 18-10, trên địa bàn TP Đà Nẵng, ước tính thiệt hại sơ bộ ban đầu do bão, lụt gây ra là 1.486,505 tỷ đồng.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc động viên gia đình bà Đỗ Thị Thanh Hoa, thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Phong bị thiệt hại nặng sau bão số 5. Ảnh: KIM NGÂN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc động viên gia đình bà Đỗ Thị Thanh Hoa, thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Phong bị thiệt hại nặng sau bão số 5. Ảnh: KIM NGÂN

Làm việc với lãnh đạo thành phố, các bộ, ngành, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung, bao gồm các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; đặc biệt chia sẻ với TP Đà Nẵng, địa phương bị ngập sâu nhất, thiệt hại lớn nhất về người và tài sản trong đợt bão, lũ vừa qua. Chủ tịch nước bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của người dân bị thiệt hại, nhất là gia đình bị mất người thân; đồng thời biểu dương, đánh giá cao hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang TP Đà Nẵng và Quân khu 5 đã chủ động, kịp thời ứng phó với đợt lũ lớn nhất trong nhiều năm qua tại địa phương.

Chủ tịch nước ghi nhận trong những ngày mưa lũ, lãnh đạo thành phố và lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Quân đội đã kịp thời đến hiện trường chỉ đạo công tác ứng cứu và sơ tán người dân đến nơi an toàn. Toàn hệ thống chính trị thành phố đã khẩn trương, nỗ lực cao nhất để khắc phục hậu quả sau trận mưa lịch sử này và bước đầu làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường hợp thiệt hại... Cho rằng, thành phố còn đang bừa bộn và nhiều xáo trộn sau mưa lũ, Chủ tịch nước đề nghị Đà Nẵng cần tập trung công tác chỉnh trang đường phố, bảo đảm vệ sinh môi trường, hỗ trợ cuộc sống, sinh hoạt. “Không để người dân thiếu đói, thiếu chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, giao thông, y tế... nhất là không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ", Chủ tịch nước chỉ đạo.

Nhấn mạnh đến yêu cầu hàng đầu là phải lo cho người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thành phố, hội chữ thập đỏ các cấp tăng cường rà soát, kịp thời hỗ trợ người dân. Đi liền với đó là khắc phục nhanh các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng; sớm đưa học sinh trở lại trường học bình thường và bảo đảm đủ sách vở, trang thiết bị học tập cho các cháu. Chủ tịch nước cũng lưu ý cần có phương án hợp lý khắc phục tình trạng sạt lở và vùi lấp đất, đá tại Nghĩa trang Hòa Sơn để nhân dân yên tâm.

Do tình hình thiên tai còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành và thành phố cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình; chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời; nhất là tăng cường công tác dự báo. Đặc biệt, thành phố cần quy hoạch bài bản hệ thống cấp, thoát nước để phòng ngừa các trường hợp khẩn cấp, giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra. Cùng với đó, tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với các tình huống khẩn cấp khi cần thiết do đặc thù địa phương ven biển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiên tai.

Chủ tịch nước hoan nghênh các nhà tài trợ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và những tấm lòng vàng đã ủng hộ vật chất, tinh thần, sách giáo khoa, vở viết... cho người dân, con em, học sinh Đà Nẵng khắc phục thiệt hại mưa lũ, sớm có cuộc sống bình thường trở lại. Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn, phát huy truyền thống cách mạng, với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Đà Nẵng sẽ vượt mọi khó khăn do thiên tai, bão lũ gây ra; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã tặng quà và chứng kiến các tổ chức, đơn vị trao tặng các phần quà hỗ trợ người dân Đà Nẵng khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ.

KIM NGÂN - TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/yeu-cau-hang-dau-la-phai-lo-cho-nguoi-dan-som-tro-lai-cuoc-song-binh-thuong-708621