Yêu cầu làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ các dự án

Ngày 5-6, HĐND TP Hà Nội đã tổ chưc phiên họp giải trình về tình hình thực hiện NQ 14/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND TP về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay; kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật gắn với việc giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.

Đối tượng giải trình gồm UBND TP, các sở, ngành TP; UBND các quận, huyện, thị xã; các đơn vị có liên quan. Nội dung, phạm vi giải trình, tập trung vào 2 nhóm vấn đề là kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay; kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật gắn với việc giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP theo Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Tại phiên giải trình, các đại biểu nêu vấn đề cụm công nghiệp Bình Minh-Cao Viên thuộc huyện Thanh Oai đã được tỉnh Hà Tây cũ cấp giấy chứng nhận từ năm 2007 nhưng việc triển khai đến nay rất chậm, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết nguyên nhân chậm trễ và biện pháp thúc đẩy xây dựng, phát triển cụm làng nghề trong thời gian tới.

Giải trình nội dung này, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, cụm công nghiệp Bình Minh-Cao Viên-Bích Hòa của huyện Thanh Oai, được quyết định chủ trương đầu tư năm 2007 nhưng chủ yếu là vướng công tác GPMB và vướng cụ thể là năng lực của chủ đầu tư, phối hợp với Chủ tịch UBND huyện thực hiện việc này.

Lý do nữa là do hợp nhất năm 2008 nên cụm công nghiệp này nằm trong danh mục phải rà soát; cơ chế chính sách có sự thay đổi nên chủ đầu tư cũng phải thay đổi theo; Giấy chứng nhận đầu tư của chủ đầu tư đã hết hạn, năm 2018, chủ đầu tư mới đề xuất để khởi động lại dự án này nhưng đến nay chưa tiếp tục thực hiện được là do giấy chứng nhận của chủ đầu tư đã hết hạn…

Sở Công Thương đã có văn bản báo cáo UBND TP xin chủ trương điều chỉnh cho chủ đầu tư một số nội dung theo yêu cầu tại Nghị định 68, và UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương và các sở ngành liên quan để hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Khi nhận được văn bản của chủ đầu tư, ngày 10-3-2020, Sở Công Thương đã tổ chức cuộc họp liên ngành xin chủ trương một số nội dung liên quan thành lập cụm Bình Minh-Cao Viên-Bích Hòa huyện Thanh Oai theo quy định tại Nghị định 68 và cũng hướng dẫn chủ đầu tư liên hệ các sở ngành, Sở TN&MT, UBND huyện Thanh Oai và các đơn vị có liên quan để thực hiện các việc này.

Ngày 21-4-2020, Sở Công Thương cũng có báo cáo số 122 về tình hình vướng mắc của doanh nghiệp trong triển khai xây dựng hạ tầng kĩ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn TP gửi UBND TP.

Ngày 27-5, Sở Công Thương cũng nhận được văn bản 2705 của chủ đầu tư xin bổ sung hồ sơ theo quyết định số 4785 của UBND TP về thành lập cụm công nghiệp Bình Minh-Cao Viên-Bích Hòa huyện Thanh Oai và gửi kèm hồ sơ nhưng trong hồ sơ của chủ đầu tư vẫn thiếu. Do đó ngày 1-6, Sở Công Thương đã ban hành văn bản số 2294 để hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung những nội dung còn thiếu về quyết định thành lập cụm công nghiệp theo Nghị định 68 của Chính phủ và cũng đề nghị huyện Thanh Oai có tờ trình theo quy định tại Nghị định 68 để triển khai thực hiện.

Đến nay cụm công nghiệp Bình Minh-Cao Viên-Bích Hòa huyện Thanh Oai đã được cập nhật vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất tại Quyết định 3681, Quyết định ngày 10-7-2021của UBND TP Hà Nội về duyệt điều chỉnh quy hoạch nội dung sử dụng đất đến năm 2020 cho huyện Thanh Oai.

Toàn cảnh phiên giải trình HĐND TP ngày 5-6

Toàn cảnh phiên giải trình HĐND TP ngày 5-6

Trong phiên giải trình, đại biểu cũng nêu vấn đề về tiến độ thiết kế, đầu tư xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc, phục vụ kiểm soát ô nhiễm môi trường tại 80 làng nghề trên địa bàn TP đến nay còn chậm, nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp?

Đại diện Ban quản lý cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội giải trình nội dung này nêu rõ, đối với dự án xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Ban quản lý là chủ đầu tư được giao triển khai thực hiện dự án. Giao Sở TN&MT Hà Nội là chủ đầu tư, với công suất 8.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 231 tỷ đồng. Dự án được TP phê duyệt từ tháng 8-2013.

Dự án đã được tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công các gói thầu xây lắp từ quý 4-2015. Đến ngày 13-2-2017, dự án được giao cho Ban quản lý dự án cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Tại thời điểm đó, công trình đã đạt khối lượng giải ngân khoảng 30%, Ban quản lý đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thi công. Đến nay trên 4 gói thầu đã hoàn thành tổng 3 gói thầu, còn 1 gói thầu đạt 95% khối lượng. Các phần nhà máy đang được vận hành thử từ tháng 12-2018 đến nay. Theo tiến độ, dự án hoàn thành trong năm 2019.

Nguyên nhân chậm tiến độ dự án chậm do trong quá trình triển khai thi công xây lắp, nhiều hạng mục phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp hiện trạng, bổ sung thiết kế chi tiết, đảm bảo điều kiện thi công và bàn giao công trình như bổ sung hệ thống chống sét, đề án xả thải…; dự án được phê duyệt năm 2013 trước khi có quy định 40 ngày 13-5-2019 của Chính phủ có hiệu lực, để đủ điều kiện bàn giao công trình cần thiết phải bổ sung hạng mục trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục vào dự án.

Hiện còn 120m chưa triển khai thi công được do vướng vào đất của người dân, không có mặt bằng thi công; dự án được chuyển đổi qua nhiều chủ đầu tư, do công tác phối hợp triển khai giữa các đơn vị, tập hợp hồ sơ pháp lý, quản lý chất lượng công trình bị khó khăn nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Các nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ đó xuất phát từ trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu khi chưa thực hiện quyết liệt trong triển khai, thiết kế còn nhiều thiếu sót dẫn đến phải chỉnh sửa.

Để sớm khắc phục, Ban quản lý dự án đã đưa các giải pháp: Đối với vướng mắc trong công tác GPMB thi công, Ban quản lý đã phối hợp UBND huyện Hoài đức thỏa thuận vị trí thi công bị vướng mặt bằng, phối hợp các sở chuyên ngành hướng dẫn các thủ tục triển khai, chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thiện thiết kế, bản vẽ thi công, điều chỉnh cho phù hợp hiện trạng để triển khai thi công, hạn chế việc giải phóng mặt bằng, đến nay, các điều chỉnh thiết kế đã được phê duyệt.

Đối với hạng mục còn thiếu của dự án, ban quản lý dự án đã báo cáo UBND TP cho phép bổ sung các hạng mục cần thiết vào dự án, đảm bảo đủ điều kiện bàn giao công trình và đưa vào sử dụng theo quy định. Và đã được UBND TP phê duyệt bổ sung hệ thống chống sét và tích điện vào dự án trong tháng 5-2020.

Để đẩy nhanh tiến độ bàn giao, ban quản lý đã phối hợp Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền là đơn vị vận hành nhà máy được UBND TP Hà Nội giao để triển khai vận hành, đảm bảo sẵn sàng bàn giao, đưa vào sử dụng ngay sau khi hoàn thành. Thời gian tới ban quản lý sẽ tập trung triển khai và cố gắng phấn đấu, quyết tâm hoàn thành dự án, bàn giao đưa vào sử dụng công trình vào cuối năm 2020 nếu không có phát sinh ngoài ý muốn.

Về trạm xử lý nước thải làng nghề Vân Canh, huyện Hoài Đức, Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo và định hướng theo hướng thu hút xã hội hóa đầu tư. Ngay tại các sự kiện xúc tiến đầu tư từ năm 2017 -2018, TP đã đưa vào danh mục kêu gọi xúc tiến đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Thông qua 2 hội nghị, cũng có nhà đầu tư có nguyện vọng đăng ký triển khai thực hiện nhưng trong quá trình nghiên cứu dự án, các nhà đầu tư chưa được mặn mà.

Các lý do như chưa rõ cơ chế thu phí dịch vụ để hoàn vốn đầu tư vào dự án, dự án có suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu nên đây là nội dung chưa hấp dẫn được nhà đầu tư.

Sở KH-ĐT mong muốn chủ đầu tư phối hợp với UBND huyện Hoài Đức có rà soát, đánh giá lại toàn bộ nội dung của dự án. Rrong trường hợp thực hiện xã hội hóa khó khăn như vậy, chủ đầu tư và UBND huyện Hoài Đức cần có kiến nghị với UBND TP để cho cách chuyển đổi hình thức đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/yeu-cau-lam-ro-nguyen-nhan-cham-tien-do-cac-du-an-196182.html