'Yêu nhau mấy núi cũng trèo'

Hồi vượt rừng, lội suối từ trung tâm xã Đắk Ơ vào Đồn biên phòng Đắk Bô (Bù Gia Mập, Bình Phước), tôi ấn tượng ngay với thượng úy Trần Văn Trung, 27 tuổi, quê H.Nam Đàn (Nghệ An) đội trưởng phòng chống ma túy của đồn và là nhân vật của câu chuyện tình yêu lãng mạn.

Thượng úy Trần Văn Trung và vợ chụp hình cưới trên biên giới, ở con suối cạnh Đồn biên phòng Bù Gia Mập - Ảnh NVCC

Yêu qua thư trước khi gặp mặt

Sinh ra ở xã Nam Cường (Nam Đàn, Nghệ An), học xong THPT Nam Đàn, năm 2008 Trung thi đỗ Học viện Biên phòng, chuyên ngành trinh sát và khăn gói ra Sơn Tây (TP.Hà Nội) học tập. Mấy dịp nghỉ lễ, về quê, Trung thường sang nhà cô giáo Nguyễn Thị Hương dạy môn sử hồi THPT chơi và cũng từ cô giáo Hương, năm 2011 chàng học viên Trần Văn Trung quen biết cô nữ sinh lớp 12 Nguyễn Thị Lĩnh (khi đó 18 tuổi) quê xã Nam Kim (Nam Đàn, Nghệ An). Khi ấy, Trung vẫn là học viên trong trường, không được dùng điện thoại nên hai người chỉ trò chuyện qua những lá thư. “Cứ rảnh là em ngồi viết thư cho Lĩnh. Những ngày cuối tuần, hồi hộp đợi chính trị viên đơn vị nhận - phát thư cho mọi người, và sung sướng khi nhận được thư. Có bữa còn bỏ cơm để… đọc thư” - Trung cười nhớ lại.

Biết bạn gái kém mình 3 tuổi, trong các lá thư, Trung đều động viên, khích lệ Lĩnh tập trung thi tốt nghiệp THPT và vào đại học. Cảm động trước tấm lòng của người lính chưa hề biết mặt, cô nữ sinh Nguyễn Thị Lĩnh tập trung học tập và đỗ Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Quen và yêu nhau… như thật! Nhưng cả hai người chưa bao giờ gặp mặt, chỉ biết về nhau qua thư tay! Mãi đến kỳ nghỉ tết 2012, khi cả hai người trong nam, ngoài bắc cùng về quê miền Trung nghỉ tết, đôi trai gái mới gặp mặt lần đầu tiên. “Cô ấy cho địa chỉ, em tìm đến nhà, thấy khác hẳn so với tưởng tượng trong thư. Chắc cô ấy cũng vậy nên lúc gặp nhau, cả hai đều ngại, không ai dám chào ai!”, thượng úy Trung cười khi kể lại chuyện.

4 năm vượt núi băng rừng

Cuối năm 2012, Trần Văn Trung tốt nghiệp Học viện Biên phòng, được phân công vào công tác tại Đồn biên phòng Bù Gia Mập, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước. Trong khi một số bạn học người bắc lo lắng vì phải công tác tít trong miền Nam xa xôi, thì Trung mừng rối rít bởi có cơ hội gần người yêu ở TP.HCM.

Khoảng cách rút ngắn, cứ mỗi dịp cuối tuần, cô sinh viên Nguyễn Thị Lĩnh lại ra Bến xe Miền Đông ngồi xe đò 6 tiếng mới lên đến trung tâm xã Đắk Ơ và chàng sĩ quan Trần Văn Trung chờ sẵn, chở bằng xe máy về đồn. Thi thoảng lắm, được phép của chỉ huy, Trung mới từ biên giới xuống thăm Lĩnh. Gần 3 năm Trung công tác ở Đồn biên phòng Bù Gia Mập là thời gian đồng bào quanh doanh trại đóng quân tại xã Bù Lương (H.Bù Gia Mập) quen với bóng dáng cô gái nói giọng miền Trung, cứ chiều cuối tuần xuất hiện trong ngầu ngầu bụi đỏ, quấn quýt quanh người yêu. Đến mức, nhiều người sốt ruột: “Hai đứa cưới nhau sớm đi”.

Cuối năm 2015, Trung được cấp trên cử đi học tiếng Campuchia tại Trường trung cấp Biên phòng 2 (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Thời điểm này, Lĩnh tốt nghiệp ra trường, cả hai tổ chức đám cưới, xong tìm nhà thuê trọ tại P.Bình Chiểu (Q.Thủ Đức, TP.HCM) và lại mỗi cuối tuần mới được gặp nhau.

Đầu tháng 6.2016, Trung kết thúc khóa học, về lại Bình Phước, nhận quyết định chuyển công tác về Đồn biên phòng Đắk Bô sâu trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập, sát với tỉnh Đắk Nông; điều kiện thiếu thốn, vất vả nhất trong hệ thống đồn biên phòng toàn quốc. Từ Đắk Ơ vào Đắk Bô, quãng đường dài gấp 3, luồn qua cây lá âm u, nên Lĩnh chỉ vào thăm chồng được 1 lần bởi Trung không muốn vợ chứng kiến cảnh sống gian khổ với doanh trại tạm bợ tranh tre nứa lá, suốt ngày vượn hót chim kêu. Bù lại, mỗi tháng Trung gắng hoàn thành công việc để về với vợ, dù quãng đường đi có khi gần cả ngày, từ rừng ra đồi, xuống phố, cực nhọc.

Quãng đường về với nhau của đôi vợ chồng trẻ càng dài hơn khi giữa năm 2017 Lĩnh có thai, phải nghỉ công việc văn phòng thời vụ, xuống TP.Vũng Tàu ở gần cậu ruột để có người nhờ chăm sóc khi chồng công tác xa, bởi ở Sài Gòn không có người thân quen. Mọi chi tiêu sinh hoạt trông hết vào đồng lương thượng úy của Trung.

Giữa tháng 9 vừa rồi, Lĩnh sinh bé trai đầu lòng tên Trần Minh Huy, tên ở nhà gọi là Mía. Thượng úy Trung bảo: “Mía ngọt như duyên số đưa ba mẹ cháu đến với nhau và để suốt đời cháu sống trong tình yêu ngọt ngào của người lính biên giới dù khổ cực đến đâu cũng chắt chiu dành cho hậu phương”. Tôi rất tin vào điều đó, bởi ở thời buổi này, khó tìm thấy chuyện tình yêu bình dị mà bền chặt, vượt qua mọi sông núi - vùng miền - rừng rú để đến với nhau, như người lính và cô gái xứ Nghệ…

Mai Thanh Hải

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/yeu-nhau-may-nui-cung-treo-892075.html