Yêu thương và đố kỵ

Thú thực, cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu hết ý của câu 'văn nhân tương khinh' của người xưa.

1. Từ bao đời, dân gian đã lưu truyền câu ca: “Yêu nhau củ ấu hóa tròn/ Ghét nhau thì quả bồ hòn thành vuông”, để nói về sự thiên vị của tình cảm trong cuộc sống. Lịch sử các vương triều đã để lại những bài học sâu sắc do sự thiên vị của tình cảm. Sự công minh thật khó lắm thay! Câu chuyện về nhân vật Tào Tháo trong lịch sử Trung Quốc là một điển hình về sự thiên vị của nhân dân khi đánh giá nhân vật này. Trong lịch sử Trung Hoa, Tào Tháo là một anh hùng, một người có tư duy đổi mới và nhiều chính sách an sinh, cải cách hợp quy luật mang lại những hiệu quả tốt, quy tụ được nhiều nhân tài... Nhưng lòng dân, theo truyền thống thì mang tư tưởng trung quân, mà lúc ấy thì vẫn phù nhà Hán. Vì thế, lòng dân đều hướng về Lưu Bị, ca ngợi Lưu Bị như người nối nghiệp nhà Hán. Trong bộ tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”, mọi tình cảm tốt đẹp đều dành cho Lưu Bị, còn Tào Tháo thì bị coi là ngụy tặc vì không phải là dòng dõi nhà Hán. Tào Tháo bị biến thành một kẻ gian hùng với những mưu mô xảo quyệt, bằng một thái độ thù địch, phê phán. Một số nhân vật lịch sử của nước nhà do hoàn cảnh lịch sử và xã hội, nhân dân cũng thể hiện tình cảm đánh giá rất thiên vị.

Có lẽ vì tình cảm thường thiên vị nên trong công việc phê bình văn chương nghệ thuật nhiều người có mặc cảm với những phong cách phê bình tình cảm. Thực ra không phải vậy. Phê bình dựa vào tình cảm vẫn có thể khoa học và phê bình hàn lâm vẫn có thể thiên vị. Hoài Thanh là một nhà phê bình tình cảm, ông yêu thương các nhà Thơ Mới hết lòng. Nhưng Hoài Thanh vẫn gọi được hồn cốt của từng nhà thơ, thậm chí với một số người ông còn bắt mạch đúng tương lai của họ. Vậy là phong cách phê bình không ảnh hưởng đến giá trị khách quan khi đánh giá tác phẩm. Còn có một số người phê bình hàn lâm dùng đủ phương pháp phê bình khoa học mà thực tế việc đánh giá lại rất thiên vị. Thì ra, dùng “vũ khí” gì trong phê bình không phải là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề là người sử dụng vũ khí đó mà thôi. Những phương pháp phê bình khoa học và hiện đại mà người sử dụng nó không vô tư hoặc không thành thạo thì làm gì có kết quả được. Mà nói cho cùng, khi người viết phê bình còn phải dựa vào phương pháp này nọ tức là họ vẫn chưa thuộc bài, vẫn chưa thành thạo, vẫn là thời kỳ ở “thao trường” tập luyện thì khó thành công lắm. Nhất là các phương pháp phê bình lại được sản sinh ra để dùng cho người phương Tây phê bình các tác phẩm của họ, thì người Việt Nam, người phương Đông sử dụng để phê bình các tác phẩm văn chương phương Đông liệu có hợp không? Câu trả lời này, những người viết phê bình cần phải làm sáng tỏ. Nó có khập khiễng gì chăng khi áp dụng các phương pháp phê bình ấy vào phê bình văn chương Việt Nam, mà tôi chưa thấy một tác phẩm phê bình nào dạng đó thật sự có giá trị cao?

Những kiệt tác lý luận, phê bình của văn chương nhân loại là những tác phẩm đã vượt lên trên tất cả các phương pháp. Nói như người phương Đông, đó là “vô chiêu”. Đến đây, tự nhiên tôi lại nhớ đến nhà thơ Vũ Cao khi ông nói “Lãnh đạo văn nghệ là không lãnh đạo gì cả”. Đúng rồi, không lãnh đạo gì cả, tức là đạt đến trình độ cao của lãnh đạo. Còn phê bình “vô chiêu” không dùng phương pháp phê bình gì cả, đó là đạt đến trình độ cao của phê bình. Nó đã đến trình độ thành thục, tự nhiên trong lãnh đạo và trong phê bình. Vấn đề là ở tài năng. Người có tài là người đã hơn người thường một bậc. Tài năng tự nó sẽ biến thành các phương pháp phù hợp trong từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể. Khi thì tình cảm, khi thì lý trí mà không khi nào thiên vị cả. Đó là các tác phẩm “Nghệ thuật thi ca” của Arixtốt, “Văn tâm điêu long” của Lưu Hiệp, những tác phẩm phê bình của Viên Mai, Thánh Thán (Trung Quốc), “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh...
Có người hô hào viết phê bình phải cân bằng giữa lý trí và tình cảm. Thế nào là cân bằng? Ở đời không bao giờ có sự hoàn toàn cân bằng cả! Nếu phê bình vì văn chương nghệ thuật thì tự nó sẽ có những ứng tác phù hợp một cách khách quan. Nếu phê bình vì mục đích ngoài văn chương thì tự nó sẽ lệch lạc. Cũng là nhân nào quả ấy. Tiếc rằng, rất nhiều người cầm bút viết phê bình hiện nay không hiểu điều này.

2. Thú thực, cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu hết ý của câu “văn nhân tương khinh” của người xưa. Tất nhiên là tôi hiểu ý khái quát là: các nhà văn thường xem nhẹ, không phục tài nhau, hay đố kỵ, không trân trọng nhau. Bởi trong ý nghĩ của tôi thường ngược lại. Trước đây, tôi đã viết bài đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn, sau đó in trong tập “Tản mạn nghiệp văn” rằng: “Ngày ấy có thể sáng tác văn chương của chúng tôi chưa thật hay, nhưng tình cảm của chúng tôi đối với nhau thì không thể chê được, trọng nhau về tài quý nhau về đức. Hội Văn nghệ Hải Hưng (nay thành hai hội Văn nghệ Hải Dương và Hưng Yên) mỗi năm tổ chức trại sáng tác văn học một lần. Bạn bè văn nghệ háo hức được gặp nhau, trò chuyện, đọc thơ đọc truyện cho nhau nghe thâu đêm suốt sáng. Bạn bè cùng làm thơ cùng viết truyện hiếm lắm. Cả tỉnh gần ba triệu dân mà những người sáng tác thơ văn cũng chỉ có vài chục người. Khi không có trại, nhiều người chúng tôi tìm đến thăm nhà nhau, đạp xe xa mấy chục cây số để hàn huyên”. Bài viết được nhiều người viết văn đồng tình. Nhà văn Trần Thị Nhật Tân, tác giả tiểu thuyết “Dòng xoáy”, từng được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh biểu dương trong thời kỳ đầu Đổi mới, đã viết hẳn một lá thư dài gửi tôi, tán đồng và cũng đau buồn về tình hình của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định lúc ấy.

“Văn nhân tương khinh” ư? Người xưa nói mà truyền được tới nay tất phải sâu sắc? Chỉ có tôi là nông cạn bởi một tình yêu bồng bột với văn chương nghệ thuật và bạn bè văn giới chăng? Bình tĩnh mà chiêm nghiệm thì tôi thấy cả câu châm ngôn và tôi đều không hoàn toàn đúng. Văn chương nghệ thuật cùng văn giới cũng giống như nhiều lĩnh vực của cuộc đời, thường có hai mặt của một tấm huân chương. Và bây giờ tôi mới hiểu vì sao, khi tôi nhờ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc giúp bản thảo tập thơ sắp xuất bản của tôi, anh lại góp ý với tôi: Nên đổi tên tập thơ là “Sóng đôi”. Bởi khổ kết của một bài thơ tôi có viết:“Ông Thiện và ông Ác/ Bên cửa chùa lâu rồi/ Từ ngàn đời đã thế/ Mai sau còn sóng đôi”. Vâng, vì vậy, vẫn có những tình bạn đẹp của văn giới như tình bạn giữa Đỗ Phủ và Lý Bạch, tình bạn Xuân Diệu - Huy Cận, và vẫn có “Văn nhân tương khinh”.

Rồi tôi cũng gặp những chuyện “Văn nhân tương khinh” của chính cuộc đời mình. Có một nhà văn đã có thành tựu. Tôi có bài viết về anh. Tất nhiên là tôi vẫn coi anh như bậc đàn anh với tình cảm yêu mến và trân trọng. Với bạn bè khi nói về anh tôi cũng nói với vẻ tự hào. Thế rồi một lần tôi và một người bạn đến gặp anh. Tôi biết là anh mới ra tập sách mới mà chưa tặng tôi. Tôi có giới thiệu với anh là người bạn tôi rất yêu văn. Nhưng hôm ấy tôi thấy thái độ của anh hơi khác, không thân thiện. Có thể là anh bực mình với tôi về một điều gì đó chăng? Anh liền vào trong nhà lấy ra một tập sách vừa mới xuất bản đề tặng bạn tôi. Và chẳng nói gì thêm. Tất nhiên là trước đó tôi mong được anh tặng tập sách mới để tự hào với bạn. Lúc này tôi chỉ còn muốn chui xuống đất vì ngượng với bạn, bị anh coi khinh. Nhưng đành cười với bạn là được anh tặng nhiều rồi.

Còn một bạn thơ khác thì tôi chưa có bài viết về anh. Vì đọc thơ anh tôi chả hiểu gì cả, mặc dù chúng tôi rất quý mến nhau. Tôi và anh ở xa nhau. Những lần gặp nhau chúng tôi đều mừng rỡ và vui với nhau hết lòng. Rồi có lần vì lợi ích chung của nền văn chương mà trong một bài viết tôi có đề cập đến một trào lưu thơ tự nhận là hiện đại, nhưng độc giả đọc không hiểu gì cả và tôi chỉ đặt câu hỏi bâng quơ chứ không hề ám chỉ ai là “những tháp ngà trong nghệ thuật mới”. Vậy mà anh đã tránh mặt tôi dẫu một lần tôi đến tận nơi anh công tác trân trọng mời anh đi ăn trưa với một bạn văn khác cũng là bạn thân của anh.

“Vẫn biết ở đời không phải dễ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thốt lên như thế trong nhà tù từ hơn bảy mươi năm trước. Mà ngày nay trong cuộc sống tự do ở môi trường thoải mái của giới văn nghệ sĩ, sao vẫn có “văn nhân tương khinh” thì thật thậm vô lý?

Đinh Quang Tốn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/yeu-thuong-va-do-ky-tintuc449390