Zidane và thuật đắc nhân tâm ở Real Madrid

Chín danh hiệu, trong đó có ba Cup Champions League, là minh chứng cho tài cầm quân của Zidane, HLV luôn bị cho là kẻ ăn may kể từ khi dẫn dắt Real hai năm rưỡi về trước.

Nếu Zinedine Zidane ... có tóc và sống ở Việt Nam, có lẽ ông sẽ được đặt cho biệt danh "Đan tóc đỏ", tương tự Xuân "tóc đỏ" - nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Đến giờ, nhiều người vẫn không tin vào thực tài của Zidane, dù cho ông vừa đi vào lịch sử với tư cách HLV đầu tiên ba năm liền vô địch Champions League. Ba chức vô địch, tức là vượt qua số Champions League trong cả sự nghiệp của huyền thoại Alex Ferguson, hay hai huấn luyện viên lừng danh khác của thế giới đương đại là Pep Guardiola và Jose Mourinho. Đáng kể hơn, ba danh hiệu vĩ đại ấy tới chỉ trong hai năm rưỡi, kể từ khi ông khởi nghiệp nghiệp cầm quân đỉnh cao trên cương vị HLV trưởng Real Madrid vào tháng 1/2016.

Tờ FourFourTwo thậm chí còn dành một bài báo với tựa đề “Zidane-huấn-luyện-viên giỏi cỡ nào? Tại sao HLV của Real lại liên tục giành chiến thắng như vậy?”. Câu trả lời hợp lý nhất được đúc kết qua lời của HLV Hoffenheim, Julian Nagelsmann: “30% công việc huấn luyện là chiến thuật, 70% còn lại là kỹ năng giao tiếp xã hội”.

Về khả năng “Đắc nhân tâm”, hiếm có nhà cầm quân nào quy phục được lòng người như Zidane. HLV lừng danh Carlo Ancelotti nhận xét ba điểm mạnh nhất của Zidane là “sức hút, nhân cách và kinh nghiệm”. Những phẩm chất ấy tưởng không hề liên quan tới chiến thuật, nhưng trên thực tế, lại chính là chìa khóa mở ra kỷ nguyên thống trị châu Âu của Real Madrid những năm qua.

_____________

Bước ngoặt lịch sử

Điều đầu tiên phải khẳng định rằng Zidane là một người rất may mắn. Ông may mắn được dẫn dắt một tập thể gồm toàn những cá nhân đều thuộc hàng xuất chúng ở vị trí của họ. Những cầu thủ mà Zidane sử dụng để xoay tua như Gareth Bale, Marco Asensio hay Isco... nếu ở một đội bóng khác chắc chắn sẽ là linh hồn của lối chơi, thay vì ngồi chờ tới lượt vào thay người như ở Bernabeu. Ông may mắn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ Chủ tịch Florentino Perez - người vốn xem Zidane như con cưng từ khi đưa ông về Real từ Juventus với mức giá kỷ lục thế giới 75 triệu euro năm 2001.

Ngay từ khi giải nghệ, Zidane đã được Perez quy hoạch cho vị trí HLV trưởng tương lai. Danh thủ Pháp nhờ đó lần lượt kinh qua nhiều cương vị ở Real: từ cố vấn đặc biệt cho Chủ tịch, Giám đốc thể thao, trợ lý HLV trưởng (thời Carlo Ancelotti) cho tới HLV đội B của Real là Castilla.

Trong cuốn sách “The Duellists", tác giả Paulo Condo kể câu chuyện trước thềm trận bán kết Champions League lượt đi năm 2010-2011 gặp Barca, HLV Real khi ấy, Mourinho lên kế hoạch phòng ngự phản công triệt để với mục đích đầu tiên là tránh thủng lưới trước. Sau khi dặn dò chiến thuật, Mourinho để cố vấn chủ tịch là Zidane nói vài lời khích lệ cầu thủ, bởi họ rất nể Zidane. Thay vì kêu gọi các cầu thủ chăm chăm phòng ngự, Zidane lại khuyên: "Các cậu đều là những tài năng xuất chúng. Hãy đánh bại Barca đi, bởi Real luôn muốn thắng mọi trận đấu!". Điều này khiến Mourinho mếch lòng và không để Zidane gần gũi các cầu thủ đội một nữa. Nhưng theo Xabi Alonso hồi tưởng, đó là khoảnh khắc mà anh cảm nhận rõ ràng rằng sẽ có ngày Zidane lên làm HLV Real, bởi danh thủ Pháp và CLB này sinh ra là để dành cho nhau.

Tuy nhiên, việc Zidane được bổ nhiệm làm HLV trưởng Real vào tháng 1/2016 nằm ngoài dự tính của cả Perez lẫn danh thủ Pháp. Sau khi Ancelotti rời đi không kèn không trống vào mùa hè 2015, cựu HLV Liverpool, Rafael Benitez được bổ nhiệm vào chiếc ghế nóng, dù Zidane đã ở sân Bernabeu từ trước. Có lẽ, Perez tin rằng một HLV giàu kinh nghiệm như Benitez sẽ là lựa chọn tốt hơn Zidane vào thời điểm đó, bởi toàn bộ vốn liếng cầm quân của danh thủ Pháp chỉ gói gọn trong 12 tháng nắm quyền tại Castilla.

Đôn Zidane lên làm HLV trưởng vào tháng 1.2016 là canh bạc mạo hiểm của Perez, nhưng canh bạc ấy đã thành công.

Nhưng toan tính của Perez đã sớm đổ bể khi Benitez không được lòng cả CĐV lẫn các cầu thủ. Đỉnh điểm của nỗi thất vọng là việc Real bị Barca vũ nhục với tỷ số 4-0 ngay tại Bernabeu. Khi Benitez bị sa thải vào ngày 4/1/2016, Real đang đứng thứ ba tại La Liga, và đã bị loại khỏi Cup Nhà Vua do sự cố đăng ký cầu thủ Denis Cheryshev không hợp lệ.

Zidane được bổ nhiệm trong cùng ngày hôm đó như một cách “chữa cháy”, khi Perez không còn lựa chọn nào khác. Không ai ngờ rằng, đây là một bước ngoặt lịch sử giúp Perez có những năm tháng vinh quang nhất trên cương vị Chủ tịch Real.

Real như lột xác dưới bàn tay của Zidane và có chuỗi trận thắng như chẻ tre và kết thúc mùa giải với chỉ một điểm ít hơn những nhà vô địch Barca. Trong trận El Clasico lượt về, Real đánh bại Barca với tỷ số 2-1 và giúp Zidane trở thành HLV đầu tiên của Real kể từ Bernd Schuster giành chiến thắng ngay trong trận El Clasico đầu tay. Ở Champions League, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha thẳng tiến tới chức vô địch sau khi đánh bại đối thủ cùng thành phố Atletico Madrid trong loạt luân lưu.

Sang mùa giải kế tiếp, Zidane thậm chí còn thành công rực rỡ hơn. Tại La Liga, Real giành chức vô địch đầu tiên kể từ mùa giải 2011-2012. Ở mặt trận châu Âu, họ trở thành CLB đầu tiên trong kỷ nguyên Champions League (từ 1992) bảo vệ thành công chức vô địch với chiến thắng 4-1 trước Juventus trong trận chung kết. Và sau khi vượt qua Liverpool tại Kiev hôm 26/5 vừa qua, Real của Zidane tiếp tục khẳng định vị thế của họ trong lịch sử với tư cách đội bóng duy nhất ba lần liên tiếp vô địch Champions League.

Ở tuổi 45, Zidane trở thành huấn luyện viên trẻ nhất từng ba lần nâng Cup Champions League. Ancelotti có vinh dự này ở tuổi 54, còn Bob Paisley phải chờ tới năm 63 tuổi. Zidane có tổng cộng chín danh hiệu sau hơn hai năm cầm quân, bao gồm ba Champions League, một La Liga, một Siêu Cup Tây Ban Nha, hai Siêu Cup Châu Âu và hai FIFA Club World Cup. Zidane đã dẫn dắt Real tổng cộng 149 trận, như vậy trung bình cứ 17 trận đấu dưới trướng ông, “Kền kền trắng” thu về một danh hiệu!

Real xây chắc vị thế hàng đầu ở Champions League trong hai năm rưỡi được Zidane dẫn dắt. Đồ họa: Việt Chung - Nhật Tảo.

____________

Thủ lĩnh phòng thay đồ

Chuỗi trận bất bại dài nhất (40 trận) và mạch ghi bàn dài nhất (73 trận) trong lịch sử Real đều tới trong giai đoạn Zidane cầm quân. Những thành tích ông đạt được – đặc biệt trên mặt trận châu Âu – đều là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Nhưng khả năng cầm quân của Zidane vẫn là ... một dấu hỏi. Ông khiến nhiều người hoài nghi bởi Zidane không thể hiện phong cách rõ rệt nào về chiến thuật, triết lý chơi bóng như các đồng nghiệp Guardiola hay Mourinho. Và chính Zidane đã thừa nhận trong một bài phỏng vấn trước thềm trận chung kết Champions League 2018, ông “không phải người giỏi nhất về chiến thuật”. Đổi lại, Zizou biết cách giữ sự đoàn kết trong phòng thay đồ, thứ mà ông khẳng định là “tối quan trọng”.

Zidane cho biết: "Tôi không phải HLV giỏi nhất, đặc biệt là về chiến thuật. Nhưng tôi có những thứ khác: đam mê và khát vọng – những thứ có ý nghĩa hơn rất nhiều. Ai đó có thể nói rằng việc quản lý phòng thay đồ không quan trọng, nhưng tôi cam đoan với bạn điều ngược lại. Bạn có thể thắng trận này trận kia, nhưng để duy trì chiến thắng như một thói quen, phòng thay đồ cần phải là một tập thể thống nhất".

"Tôi đã chơi 17, 18 năm với tư cách một cầu thủ, và làm việc với rất nhiều HLV trưởng và những cầu thủ tài năng có cái tôi lớn. Tôi biết phòng thay đồ ra sao và hiểu những cầu thủ đang nghĩ gì. Điều này rất quan trọng. Phòng thay đồ của Real hiện tại đúng như tôi mong muốn: mọi cầu thủ đều đoàn kết. Chỉ tài năng thôi là không đủ để vô địch. Bạn muốn nói gì thì nói, nhưng nếu không làm việc chăm chỉ thì bạn sẽ không bao giờ giành chiến thắng. Những học trò của tôi vừa tài năng lại vừa chăm chỉ. Khi kết hợp những phẩm chất này lại với nhau, bạn có thể gặt hái rất nhiều thành công".

Khái niệm giúp tập thể luôn đoàn kết của Zidane được ảnh hưởng ít nhiều từ Ancelotti. Nhà cầm quân người Italy từng đúc kết trong cuốn tự truyện "Lãnh đạo tĩnh lặng" như sau: "Quan hệ giữa HLV với các cầu thủ là thứ quan trọng nhất. Bạn có thể nói đủ thứ về kỹ chiến thuật, nhưng sẽ là vô nghĩa nếu các cầu thủ không chịu nghe bạn. Khi đó, bạn sẽ chẳng thể nào có được ý chí tập thể để triển khai thành công những ý đồ của mình".

Zidane lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích cho sự nghiệp cầm quân nhờ từng làm việc với những bậc HLV kỳ tài như Marcelo Lippi (trong ảnh), Del Bosque, Aime Jacquet, Carlo Ancelotti.

Không phải tới khi làm HLV, Zidane mới được biết với tư cách một ông chủ của phòng thay đồ, biểu tượng gắn kết của tập thể. Trước thềm World Cup 1998, Pháp là quốc gia bị chia rẽ sâu sắc: vấn nạn thất nghiệp trở nên nặng nề, nền kinh tế thiếu ổn định khiến những mâu thuẫn sắc tộc ngày càng leo thang. Trong tình cảnh trớ trêu đó, đội tuyển Pháp bất ngờ trở thành cứu tinh cho cả dân tộc. Một đội hình đa sắc tộc, với những cá nhân gốc gác trải dài từ Armenia (Djorkaeff), Guadeloupe (Thuram, Henry), Basque (Lizarazu), Senegal (Viera), Ghana (Desailly) cho tới Argentina (Trezeguet). Từng chiến thắng của đội tuyến như một mũi khâu hàn gắn những mâu thuẫn trong xã hội. Và trong trận chung kết, Zidane – đứa con của những người Algeria nhập cư – trở thành biểu tượng đoàn kết quốc gia và hòa hợp chủng tộc khi lập cú đúp giúp tuyển Pháp lần đầu vô địch thế giới.

Người Pháp đổ ra đường để mừng công, hô vang "Zizou President" (Tổng thống Zizou). Hình ảnh ông được chiếu lên Khải Hoàn Môn, còn Tổng thống Pháp Jacques Chirac tuyên bố: "Đây là đội tuyển đã chiến thắng và thống nhất nước Pháp bằng chiến thắng!". Tầm ảnh hưởng của Zidane lớn tới mức ở World Cup 2002, tuyển Pháp bất ngờ bị loại ngay từ vòng bảng dù đang là ĐKVĐ của cả World Cup lẫn Euro. Nguyên nhân chính được xem là do Zidane chấn thương và không thể góp mặt trong hai trận đầu tiên.

Kết thúc Euro 2004, Zidane tuyên bố từ giã bóng đá quốc tế. Một năm sau, huyền thoại người Pháp buộc phải tái xuất trước lời kêu gọi của HLV Raymond Domenech trước viễn cảnh Les Bleus không thể tham dự World Cup 2006. Ông trở lại cùng Thuram và Makelele để giúp tuyển Pháp từ vị trí thứ tư tại vòng loại thẳng tiến tới trận chung kết World Cup 2006. Tại giải đấu trên đất Đức, Zidane, ở tuổi 35, đã chơi tuyệt hay để trở thành “Cầu thủ hay nhất”. Ông ghi bàn loại Tây Ban Nha ở vòng 1/8, chơi một trận để đời trước Brazil tại tứ kết, rồi ghi bàn duy nhất từ chấm phạt đền đánh bại Bồ Đào Nha tại bán kết.

Trong trận đấu cuối cùng của sự nghiệp, Zidane đã không thể giữ bình tĩnh trước sự xúc phạm từ Marco Materazzi và nhận tấm thẻ đỏ tai tiếng. Không còn người đội trưởng, tuyển Pháp bị Italy đánh bại trong loạt luân lưu. Khi trở về Paris, hàng chục ngàn người vẫn tụ tập tại quảng trường Place de la Concorde để hô vang “Zizou! Zizou”. Một cuộc khảo sát cho thấy có tới 61% người Pháp đã tha thứ ngay lập tức cho Zidane sau cú “thiết đầu công” với Materazzi. Với đại đa số người Pháp, Zidane sẽ mãi là một người hùng dân tộc.

Với người Pháp, Zidane luôn là biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc.

________________

Thu phục Cristiano Ronaldo

Zidane lên làm HLV Real sau khi treo giày 10 năm, thời gian không dài, nhưng đủ để những học trò siêu sao biết “tầm” của thầy. Rất nhiều ngôi sao của bóng đá đương đại như Mesut Ozil, Paul Pogba, Eden Hazard hay Marco Asensio... lớn lên với thần tượng số một là Zidane. Thủ quân của Real hiện tại là Sergio Ramos thậm chí còn từng là đồng đội của Zidane trong những tháng ngày cuối sự nghiệp quần đùi áo số của ông.

Do vậy, khác với nhiều huyền thoại bóng đá khác đã giải nghệ từ hàng chục năm, các cầu thủ đương đại đều hiểu được tầm vóc vĩ đại của Zidane và không thể tỏ ra kiêu ngạo trước HLV người Pháp. Và khác với những nhà cầm quân giỏi chiến thuật nhưng lại kém trong giao tiếp, Zidane là một người xuất sắc trong việc hòa đồng với các cầu thủ. Ông đã ở Real hơn 10 năm, nắm rõ mọi ngõ ngách trong sân Bernabeu và có thời gian quan sát những cầu thủ với tư cách cả Giám đốc thể thao lẫn trợ lý HLV. Khi trở thành thuyền trưởng của Real, ông thể hiện cái uy của một bậc đàn anh hơn là tạo ra sự xa cách trong mối quan hệ thầy - trò.

Điều này được Toni Kroos xác nhận trước trận bán kết lượt về với Bayern: "Ai cũng biết Zizou là cầu thủ xuất sắc nhường nào. Ông ấy đã nếm trải đủ mọi thứ với tư cách một siêu tiền vệ, do vậy chúng tôi chấp nhận mọi điều ông ấy nói và cố gắng biến những ý đồ của ông ấy thành hiện thực. Zizou không cần sử dụng một cái loa, bởi tất cả chúng tôi đều lắng nghe ông ấy".

Trong số học trò của Zidane, Cristiano Ronaldo – một trong hai cầu thủ hay nhất của bóng đá đương đại - nổi bật hơn cả. Người tiền nhiệm của Zidane là Benitez đã thất bại trong việc lấy lòng Ronaldo, khi vào thời điểm mới đến, ông từ chối gọi Ronaldo là “cầu thủ hay nhất thế giới”. Câu chuyện nổi tiếng nhất về sự cứng nhắc của Benitez là việc ông cho trợ lý gặp Ronaldo để giao bài tập về... cách dứt điểm. Ronaldo - cầu thủ ghi trung bình 50 bàn mỗi mùa và đã là chủ nhân của ba Quả Bóng Vàng vào thời điểm đó - được yêu cầu đi... học lại cách sút bóng. Với cái tôi cao vời vợi của anh, Ronaldo từ chối nhận bài tập và đáp lại: "Bảo Rafa là tôi sẽ gửi cho ông ta một chiếc USB chứa những bàn thắng của tôi để ông ta tự nghiên cứu!".

Zidane không cứng nhắc như Benitez. Thay vì ra lệnh cho Ronaldo, một trong những việc đầu tiên ông làm khi nắm quyền chỉ đạo Real là thách học trò siêu sao thi đá phạt trên sân tập. Trước sự chứng kiến của các cầu thủ khác, Zidane thắng áp đảo siêu sao người Bồ Đào Nha. Thay vì cảm thấy tự ái, Ronaldo vui vẻ chấp nhận thua cuộc, và thậm chí còn đề nghị cõng Zidane như một hình phạt cho kẻ thua cuộc.

Zidane hiểu rằng với trình độ và khát khao của Ronaldo, ông đang có trong tay một thanh "bảo kiếm” có thể chinh phạt mọi danh hiệu nếu được sử dụng đúng cách. Từ mùa 2016-2017, Ronaldo được sử dụng một cách chọn lọc hơn tại La Liga. Những mùa giải trước đó, Ronaldo luôn tìm cách đá mọi trận đấu để giành giải Vua phá lưới, và lập những kỷ lục cá nhân, để rồi hệ quả là thường xuyên bị đuối sức về cuối mùa.

Khi đã bước qua ngưỡng 30 tuổi, Ronaldo cần hiểu bản thân anh không phải siêu nhân để có thể đá mọi trận đấu. Zidane là người đã khai sáng cho Ronaldo: "Hãy quên danh hiệu Vua phá lưới La Liga đi. Cậu hãy bớt nghĩ xem mình sẽ ghi được bao nhiêu bàn, mà hãy nghĩ xem mình có thể ghi những bàn thắng quan trọng như thế nào!".

Số lượng các trận La Liga mà Ronaldo góp mặt trong hai mùa giải gần đây lần lượt là 29 và 27, trong khi sáu mùa giải trước đó, anh luôn đá tối thiểu 30 trận. Tại Liga mùa này, khi Real đã chấp nhận không thể đuổi kịp Barca, Ronaldo chỉ sử dụng một cách rất hạn chế. Anh không được đưa vào danh sách đăng ký trong những chuyến làm khách không quan trọng của Real và bị thay ra giữa chừng trong các trận cầu đinh với Barca và Atletico. Đổi lại, ở đấu trường Champions League, Ronaldo góp mặt đầy đủ trong mọi trận đấu mà Zidane dẫn dắt. Sự bùng nổ của Ronaldo ở đấu trường châu Âu, với ba lần liên tiếp là Vua phá lưới, đóng vai trò tối quan trọng trong ba chức vô địch Champions League của Real dưới thời Zidane.

Nhờ chế độ thi đấu hợp lý của Zidane, Ronaldo vẫn có đóng góp hữu hiệu và thể hiện được vai trò thủ lĩnh ở Real.

Không chỉ khiến Ronaldo nể phục về chuyên môn lẫn uy tín của bậc đàn anh, Zidane còn cho thấy sự ủng hộ vô điều kiện đối với học trò. Khi Ronaldo tuyên bố anh là "Cầu thủ hay nhất 20 năm trở lại đây", Zidane không hề phản đối dù chính ông cũng chơi bóng trong khoảng thời gian kể trên. Khi Ronaldo ngạo nghễ khẳng định "Tôi là cầu thủ hay nhất lịch sử", Zizou thậm chí còn công khai lên tiếng ủng hộ.

HLV người Pháp tuyên bố trong một cuộc họp báo sau khi Ronaldo giành Quả Bóng Vàng thứ năm trong sự nghiệp: "Đã có rất nhiều cầu thủ làm nên lịch sử tại đội bóng này. Nhưng chưa ai làm được những gì Ronaldo từng làm, những con số đã nói lên điều đó. Tôi nghĩ rằng có cho một siêu cầu thủ khác chơi bóng 15 hay 20 năm tại đây thì anh ta cũng không thể làm được như Cristiano. Tôi nghĩ Cristiano còn giỏi hơn cả tôi, nhưng tôi cũng chẳng thấy phiền, vì tôi có một sự nghiệp rất ổn. Còn với Cristiano, không còn lời nào để tả nữa. Những gì cậu ấy thể hiện hàng ngày trên sân tập hay khi thi đấu thực sự là không tưởng. Với tôi, cậu ấy chắc chắn là cầu thủ hay nhất lịch sử".

Zidane có thực sự nghĩ vậy không thì chỉ có ông mới biết, nhưng trong con mắt dư luận và chính Ronaldo, HLV này luôn có một niềm tin sắt đá không thể lay chuyển vào siêu sao Bồ Đào Nha. Ngay cả trong những thời điểm gian khó như khi Ronaldo mất phong độ và bị chỉ trích nặng nề cuối năm 2017, Zidane vẫn lạc quan và khẳng định "những bàn thắng rồi sẽ trở lại với Cristiano". Kết quả là kể từ đầu năm 2018, Ronaldo chơi 22 trận cho Real Madrid và ghi tới 28 bàn thắng cùng năm pha kiến tạo, trong đó những bàn thắng quyết định giúp “Kền kền trắng” vượt qua PSG và Juventus tại Champions League.

________________

Phát huy tối đa năng lực cầu thủ

Điểm mạnh nhất của Zidane là khả năng giao tiếp, truyền cảm hứng cho cầu thủ. Ibrahimovic từng nhận định về Zidane thời còn là cầu thủ: "Khi Zidane vào sân, 10 cầu thủ còn lại đột nhiên hay hơn. Anh ấy tới từ hành tinh khác và sở hữu thứ ma thuật có thể biến 10 người còn lại trở nên giống mình khi đứng trên sân". Chứng kiến các cầu thủ Real Madrid chơi bóng, người xem có thể thấy hình bóng của Zidane-cầu-thủ. Ví dụ điển hình là khi bị Liverpool gỡ hòa trong trận chung kết Champions League, Real Madrid không hề có dấu hiệu nào bị hoảng loạn. Thay vì mất bình tĩnh, các cầu thủ áo trắng vẫn chơi thứ bóng đá quen thuộc của mình. Bàn thắng xuất thần của Gareth Bale tới sau 20 đường chuyền liên tục không bị ngắt nhịp của Real Madrid.

Toni Kroos đã giải thích về sự điềm tĩnh này của Real: "Chúng tôi có rất nhiều cầu thủ dạn dày kinh nghiệm chinh chiến và có thể bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh, bởi chúng tôi biết mình có thể đánh bại tất cả. Kể cả khi đang trong thế thua, chúng tôi vẫn biết mình đủ khả năng xoay vần cục diện trận đấu. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều tình huống rồi, do vậy chúng tôi không bao giờ cảm thấy lo lắng". Bản lĩnh ấy hay khoảnh khắc thiên tài của Bale đều mang đậm hình bóng của Zinedine Zidane.

Những ai từng xem huyền thoại người Pháp thi đấu đều nhớ thần thái tự tin, lối chơi tinh tế và những khoảnh khắc bùng nổ, lật ngược thế cờ của ông. Tuyển Anh từng dẫn trước Pháp 1-0 tới tận phút 90 tại Euro 2004, trước khi gục ngã bởi hai bàn thắng của Zidane ở những phút bù giờ. Khi mới đến Real Madrid với mức giá kỷ lục thế giới, Zidane đứng dưới không ít sức ép với thành tích không như ý của Los Blancos tại đấu trường quốc nội. Nhưng chỉ với cú volley trác tuyệt vào lưới Leverkusen trong trận chung kết Champions League 2002, Zidane đã chứng minh chân giá trị của ông và mãi khắc tên trong lịch sử đội bóng.

Zidane truyền được thần thái chơi bóng của bản thân vào các cầu thủ, đề rồi trong một mùa giải, Real Madrid có hai siêu phẩm đẹp bậc nhất lịch sử Champions League do hai người khác nhau là Cristiano Ronaldo và Gareth Bale thực hiện. Sự điềm tĩnh mà Kroos nhắc đến, hay những khoảnh khắc trác tuyệt kể trên không phải ngẫu nhiên mà đều xuất hiện dưới thời Zizou. Ông biết cách khai thác tối đa năng lực cầu thủ, giúp nâng tầm những cái tên như Asensio hay Lucas Vazquez và thường xuyên có những quyết định thay người đúng đắn.

Một trong những quyết định quan trọng nhất của Zidane khi lên làm huấn luyện viên Real Madrid là trọng dụng Casemiro. Trong trận El Clasico đầu tiên và duy nhất, Benitez đã sử dụng James Rodriguez và khiến đội hình Real Madrid mất cân bằng trầm trọng giữa công và thủ. Zidane nhận ra điều này, bởi chính ông từng có những bệ đỡ chắc chắn thời còn chơi bóng là Didier Deschamps và Claude Makelele. Khi Perez bán đi Makelele vì Perez tin rằng đây không phải một ngôi sao hào nhoáng “chuẩn Galaticos” và “chỉ biết chuyền trong phạm vi 5m” và đưa về David Beckham, Zidane đã mỉa mai: "Cần gì phải dát vàng chiếc xe Bentley khi bạn đã bán đi động cơ của nó?".

Được sự ủng hộ tối đa của Perez, Zidane mạnh dạn gạt bỏ James khỏi đội hình chính và đưa “động cơ” Casemiro đá sau Toni Kroos và Luka Modric. Kết quả là bộ đôi tiền vệ sáng tạo kể trên có thể rảnh chân để triển khai bóng, bởi công việc phòng ngự bọc lót đã có Casemiro quán xuyến. Marcelo cũng có thể rảnh chân lên tấn công, bởi Casemiro đảm bảo với anh rằng “cứ lên đi, ở đây có em lo”. Kết thúc mùa giải 2016-2017, ba cái tên cuối cùng tranh giải “Tiền vệ hay nhất châu Âu” là bộ tam vệ của Real Madrid: Kroos, Modric và Casemiro.

Khi nói về Zidane trên tờ El Pais, Casemiro bày tỏ sự biết ơn vô bờ bến: "Từ khi Zidane còn là trợ lý cho Ancelotti, ông ấy đã luôn tỏ ra thân thiện với tôi. Khi đó Xabi (Alonso) và (Sami) Khedira còn đá chính còn tôi thì không. Nhưng Zidane luôn đặt niềm tin vào tôi, dặn tôi hãy cứ chăm chỉ và đợi thời cơ đến. Khi có cơ hội, tôi đã nắm bắt nó và mọi thứ từ đó đến nay đều suôn sẻ cả.”

__________________

Cuộc nói chuyện thay đổi cục diện

Những người không tin vào khả năng đọc trận đấu của Zidane có thể xem một đoạn clip do Real Madrid công bố ghi lại phần nói chuyện của Zidane với các cầu thủ trong giờ nghỉ trận chung kết Champions League 2017. Khi đó, Real Madrid đang bị Juventus cầm hòa 1-1. Zidane cho các cầu thủ bảy phút nghỉ ngơi, trước khi trở lại phòng thay đồ với những chỉ đạo cụ thể.

Zidane đứng giữa các cầu thủ và đưa ra phương hướng cho hiệp hai: “Điều quan trọng nhất là ở khía cạnh phòng ngự, các cậu phải đá ‘rát’ lên. ‘Rát’ không phải theo kiểu đá thô bạo để nhận thẻ, mà quan trọng là chúng ta phải có mặt đúng thời điểm: theo sát họ hơn, máu lửa hơn. Họ (Juventus) đá trận này với sơ đồ 4-4-2. Alves và Mandzukic dâng lên rất cao, nên chúng ta phải tìm cách khiến họ lui về. Isco, khi họ có bóng, cậu hãy lùi về bên trái để bọc lót trong sơ đồ phòng ngự 4-4-2, còn lúc có bóng thì hãy tìm kiếm khoảng trống giữa các tuyến. Marcelo và Dani (Cavarjal) cần dâng lên cao nhiều hơn".

Những chỉ đạo của Zidane được các học trò thực hiện xuất sắc, giúp Real đè bẹp Juventus ở chung kết Champions League 2017.

"Khi có bóng, chúng ta phải kiên nhẫn. Cố gắng đẩy bóng thật nhanh sang hai cánh. Marcelo và Dani cần lên cao, bởi khi chúng ta có bóng họ sẽ phải lui về phòng ngự. Luka (Modric) cần thỉnh thoảng dâng lên cao như Isco. Cristiano (Ronaldo) hãy chạy vào trong, để Karim (Benzema) lùi về sau hoặc đảo vị trí, giống như cách chúng ta đã tập cả tuần qua. Cứ đánh biên, chơi với nhịp độ cao hơn thì chắc chắn bàn thắng sẽ tới", ông quả quyết.

"Chúng ta sẽ phải chịu đòn đau đấy, bởi đây là một trận chung kết. Nhưng cứ bình tĩnh, rồi chúng ta sẽ có bàn thắng. Anh em hiểu chứ?", Zidane kết thúc bài phát biểu. Các học trò hưởng ứng ông thầy bằng cách đồng loạt vỗ tay. Trong hiệp hai, Real Madrid ghi không chỉ một, mà tận ba bàn. Không tính pha nã đại bác bất ngờ của Casemiro, cả hai bàn thắng còn lại của Ronaldo và Asensio đều xuất phát từ những pha dâng cao từ biên của Modric và Marcelo.

Về khía cạnh phòng ngự, nếu ở hiệp một, Juventus có tám pha qua người thành công, thì trong hiệp hai, họ không có lấy một lần vượt qua các cầu thủ Real. Các học trò của Zizou đã làm đúng theo chỉ đạo của ông bằng cách đá “rát”, qua đó Casemiro có năm lần cướp bóng thành công trong hiệp hai. Các con số còn tương tự của Ramos và Varane lần lượt là ba và hai. Không thể thắng trong đối đầu tay đôi và chịu sức ép từ hàng tiền vệ lẫn cặp hậu vệ cánh của Real Madrid, Juventus sụp đổ một cách bất ngờ so với chính họ trong hiệp một!

____________

Vĩ thanh

Zidane không phải không có những sai lầm trên ghế HLV trưởng. Việc Real hụt hơi tại La Liga mùa này tới từ việc ông thiếu đi những phương án dự phòng hiệu quả cho hàng công. Sự thừa mứa ở hàng tiền vệ khiến James phải ra đi là điều dễ hiểu, song việc đẩy đi cả Alvaro Morata lẫn Mariano khiến Real chỉ còn ... Borja Mayoral dự phòng cho Ronaldo và Benzema. Khi hai trụ cột mất phong độ do chấn thương hay thẻ phạt, Real không còn phương án tấn công nào hiệu quả vào đầu mùa bóng. Việc Kylian Mbappe bất ngờ từ chối vụ chuyển nhượng 180 triệu euro sang Real để chọn PSG đã khiến Zidane trở tay không kịp.

Thành công của Zidane tới từ việc quá phụ thuộc vào đội hình chính và nói không với việc thay máu đội hình. Khi kỳ chuyển nhượng mùa đông 2018 mở cửa, ông tuyên bố “Tôi hài lòng với đội hình hiện tại”. Rất may là canh bạc của Zidane đã được đền đáp xứng đáng tại Champions League. Mùa hè tới với World Cup sẽ nhiều biến động tại Bernabeu, nhất là khi hai siêu sao Ronaldo và Bale đều đã úp mở về chuyện ra đi. Nếu điều đó xảy ra, một lần nữa những người hoài nghi sẽ lại chống mắt chờ xem Zidane sẽ xoay sở ra sao.

Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận rằng, Zidane có được thành công như ngày nay trên ghế huấn luyện không đơn giản chỉ có may mắn. Zidane đã và đang làm được đúng những gì ông cam kết khi lên cầm quân tại Bernabeu: "Mang tới cho các cầu thủ sự tự tin, mang tới cho cổ động viên niềm hy vọng và mang về cho câu lạc bộ những chiến thắng, những danh hiệu".

Người thầy dẫn dắt Zidane tại World Cup 1998 trên đất Pháp là Aime Jacquet từng nhận xét: "Trong con người Zidane có một thứ mà cả tôi, cậu ấy và bất cứ ai cũng không thể kiểm soát nổi, đó là 'Ngọn lửa Marseille'. Một ngày nào đó, cả thế giới sẽ được nhìn thấy nó".

Ngọn lửa ấy ngày hôm nay vẫn đang cháy rực, thiêu đốt mọi đối thủ trên vũ đài châu Âu!

Thịnh Joey

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/zidane-va-thuat-dac-nhan-tam-o-real-madrid-13890.html