Nhân lực 'mỏng' điều trị F0 ở Trạm y tế lưu động Hà Nội

'Trạm Y tế lưu động số 1 Hoài Đức (TP Hà Nội) có 5 nhân viên y tế tham gia chăm sóc, điều trị F0. Kết thúc mỗi đợt, họ được về và cách ly 14 ngày, nên việc quay vòng nguồn nhân lực gặp nhiều khó khăn'- bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức chia sẻ.

Trạm Y tế lưu động số 1 huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) có địa chỉ tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, được kích hoạt từ ngày 23/11/2021. Tính đến 8h ngày 10/12, trạm thu dung, điều trị 174 bệnh nhân F0, trong đó có 30 bệnh nhân đã được xuất viện, 6 bệnh nhân chuyển tuyến điều trị tại tầng 2 và tầng 3. Các bác sĩ cho biết, đa số các bệnh nhân F0 tại đây đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nhân lực tại Trạm được phân công theo từng đợt, mỗi đợt gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng.

Trạm Y tế lưu động số 1 Hoài Đức (TP Hà Nội).

BS Lê Thị Xiêm, Đội phó phụ trách chuyên môn của Trạm Y tế lưu động số 1 Hoài Đức (TP Hà Nội)

BS Lê Thị Xiêm, Đội phó phụ trách chuyên môn của Trạm Y tế lưu động số 1 bắt đầu thực hiện công việc chống dịch tại đây từ ngày 7/12/2021. Hàng ngày, BS Xiêm cùng đồng nghiệp của mình thăm khám cho các bệnh nhân. Theo bác sĩ Xiêm, hầu hết các bệnh nhân đều thể nhẹ, không triệu chứng nên tâm lý của các F0 điều trị tại đây khá thoải mái. Mỗi buổi sáng, các bác sĩ và điều dưỡng sẽ đến thăm khám cho từng bệnh nhân, cấp phát thuốc, vitamin, đồng thời tư vấn cho người bệnh cách tự chăm sóc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng chống lại virus. Các suất ăn được phục vụ đến tận phòng bệnh cho mỗi người.

Bên trong khu điều trị F0 tại Trạm y tế lưu động số 1 Hoài Đức.

Tại đây, mỗi phòng bệnh bố trí khoảng 5-7 giường bệnh, đảm bảo giữ khoảng cách và luôn được khuyến cáo tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Theo BS Xiêm, tính đến 8h ngày 10/12, Trạm còn 138 bệnh nhân điều trị.

“Khi có F0 cộng đồng, TTYT sẽ thông báo tới Trạm số lượng bệnh nhân vào để chúng tôi chuẩn bị phòng, chuẩn bị vật tư cá nhân cho bệnh nhân, làm bệnh án theo dõi, thăm khám khi bệnh nhân vào. Nếu bệnh nhân không triệu chứng thì chúng tôi tư vấn, trường hợp bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe thì cần báo cho bác sĩ để can thiệp, xử trí”- BS Xiêm cho biết.

Tính đến 8h ngày 10/12, Trạm thu dung, điều trị 174 bệnh nhân F0, trong đó có 30 bệnh nhân đã được xuất viện, 6 bệnh nhân chuyển tuyến điều trị tại tầng 2 và tầng 3.

Hàng ngày, các nhân viên y tế cũng rà soát bệnh nhân để lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp nào có xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện thì sẽ được xuất viện và hướng dẫn, tư vấn bệnh nhân theo dõi sức khỏe tại nhà.

BS Xiêm cũng chia sẻ, do khối lượng công việc hàng ngày tương đối nhiều, nhân lực y tế tại chỗ chỉ có 5 người nên các nhân viên y tế tại đây thường không có thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, đây là lần đầu tiên BS Xiêm cùng đồng nghiệp tham gia điều trị F0 nên đôi lúc vẫn còn bỡ ngỡ, họ vừa làm vừa hoàn thiện dần.

Đồ ăn người thân gửi cho bệnh nhân F0 được tập kết ở phía ngoài cổng của Trạm Y tế lưu động.

“Vì bệnh nhân thường vào buổi tối. Có ngày hơn 20 bệnh nhân, cao điểm nhất là khoảng 25 bệnh nhân. Tiếp đón 1 đợt vào cũng mất khá nhiều thời gian nên có hôm chúng tôi phải làm đến 2h30 sáng. Mỗi ngày chỉ nghỉ được khoảng 5 tiếng”- BS Xiêm nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) cho biết, UBND huyện cũng đã xây dựng phương án đối với từng tình huống và số lượng bệnh nhân trên địa bàn được giao. Trạm y tế lưu động số 1 quy mô được phê duyệt là 300 giường bệnh, hiện tại đang có 138 bệnh nhân.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức (TP Hà Nội).

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, các trạm y tế lưu động sẽ được kích hoạt theo tình hình thực tế bệnh nhân trên địa bàn. Theo phương án phê duyệt, đến giai đoạn 2 với khoảng 550 bệnh nhân thì có thể kích hoạt 2-3 trạm y tế. Thời gian tới, nếu tình trạng diễn biến phức tạp hơn, số lượng ca bệnh tăng cao thì tất cả các trạm y tế trên địa bàn các xã thị trấn sẽ được kích hoạt.

Tuy nhiên, cũng theo bà Thanh, hiện nay nhân lực y tế còn "mỏng", vì khi một nhóm vào thực hiện công việc sau đó về phải cách ly 14 ngày, nên việc quay vòng nhân viên y tế tham gia vào công việc gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch, các y bác sĩ cũng rất cố gắng để hoàn thành tốt công việc.

Nhân lực tại Trạm được phân công theo từng đợt, mỗi đợt gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng.

Trước diễn biến dịch phức tạp của dịch, hiện UBND huyện Hoài Đức cũng đã chỉ đạo thành lập Trạm y tế lưu động số 2 tại trường THCS thị trấn Trôi, hiện đang hoàn thiện cơ sở vật chất, sẵn sàng thu gom bệnh nhân.

Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, đối với việc cách ly F0 tại nhà, hiện UBND huyện Hoài Đức cũng đã sẵn sàng phương án, nếu số lượng F0 vượt quá số thu dung của các trạm y tế lưu động thì sẽ tiến hành cho cách ly tại nhà.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trước tình hình ca mắc tăng cao, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án triển khai trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn. Các địa phương thực hiện phương châm mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo số liệu mới nhất của Sở Y tế, toàn thành phố đã có 22 quận, huyện tiếp nhận trên 850 F0 điều trị tại các trạm y tế lưu động. Bên cạnh việc điều trị F0 tại trạm y tế lưu động, Sở Y tế Hà Nội cũng phân bổ 6.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà cho 30 quận, huyện, thị xã./.

Minh Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhan-luc-mong-dieu-tri-f0-o-tram-y-te-luu-dong-ha-noi-910908.vov