ZTE đã được cứu sau khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận

Tập đoàn ZTE sẽ được gỡ bỏ lệnh cấm vận sau khi họ nộp phạt và thực hiện các thay đổi nhân sự quản lý cấp cao.

Ảnh minh họa.

Thông tin này cũng đã được xác nhận lại bởi chính Tổng thống Mỹ Donald Trump qua một bài đăng trên trang Twitter cá nhân của mình.

Ông viết rằng: “Tôi đã đóng và giờ cho phép công ty này mở cửa trở lại với những đảm bảo lớn nhất bằng cách yêu cầu họ đổi quản lý cấp cao và đổi cả hội đồng quản trị. Họ phải mua các linh kiện của Mỹ và nộp phạt 1,3 tỷ USD”.

Trong tháng 4 vừa qua, ZTE đã bị áp lệnh cấm vận trong 7 năm không được phép mua các công nghệ gồm cả phần mềm và phần cứng từ các công ty Mỹ.

Lệnh cấm vận này đến từ việc công ty này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và Triều Tiên.

Ngay sau khi bị áp lệnh cấm vận, toàn bộ hoạt động của ZTE đã bị ảnh hưởng.

Việc sản xuất của công ty này đã bị ngừng do không có linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ.

Một nguồn tin cho biết kể từ ngày 15/4, công ty này đã bị thiệt hại 3 tỷ USD.

ZTE mặc dù là một công ty đại chúng nhưng cổ đông lớn nhất hiện nay của họ lại là chính phủ Trung Quốc.

Về các khoản tiền phạt mà công ty này từng phải nộp cho chính phủ Mỹ có thể kể đến khoản tiền phạt 900 triệu USD mà năm ngoái họ đã phải trả do bị phát hiện bán thiết bị viễn thông cho các nước bị Mỹ cấm vận.

Nhưng sau khi nộp phạt ZTE vẫn chưa thay đổi các nhân sự cấp cao như trong án phạt của mình nên Bộ Thương mại Mỹ áp thêm lệnh cấm vận lần này.

Ngay sau khi công bố bố thỏa thuận về việc hủy bỏ lệnh cấm vận với ZTE, Tổng thống Trump đã vấp phải sự phản đối lớn trong Quốc hội.

Các thành viên của cả đảng Cộng Hòa lẫn đảng Dân Chủ đều cho rẳng Tổng thống Mỹ đang vì áp lực từ Bắc Kinh mà bỏ qua các vấn đề an ninh mạng mà cơ quan tình báo Mỹ đã khuyến cáo.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng Hòa Marco Rubio đã đăng lên Twitter của mình rằng: “ZTE và Trung Quốc đang nghiền nát các công ty Mỹ và họ sử dụng các công ty viễn thông để theo dõi và lấy cắp thông tin chúng ta”.

Ông và nhiều nghị sỹ khác đồng tình với ý kiến cả 2 đảng trong Quốc hội nên cùng nhau ngăn chặn thỏa thuận này.

Các cơ quan hành pháp khác tại Mỹ cũng bày tỏ lo ngại trước việc các công ty viễn thông Trung Quốc sử dụng thiết bị của họ để khai thác các thông tin về người dân Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã yêu cầu dừng bán các sản phẩm điện thoại và modem của ZTE tại mọi cửa hàng nằm trong cơ sở quân sự của mình.

Từ khía cạnh kinh tế, việc để ZTE sống là một nước đi quan trọng giữ cho căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không leo thang.

ZTE đang nhập khẩu 25 đến 30% các linh kiện cần thiết cho sản phẩm từ các nhà cung cấp Mỹ.

Cuối ngày hôm qua, cổ phiếu của các nhà cung cấp linh kiện cho ZTE tại Mỹ đều đã tăng giá.

Trước đó Reuters đã dẫn lại nguồn tin cho biết thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm vận với ZTE sẽ đi kèm với điều kiện Trung Quốc loại bỏ thuế với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Mỹ và sẽ phải mua thêm sản phẩm của nước này.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/zte-da-duoc-cuu-sau-khi-my-go-bo-lenh-cam-van-3451704.html