Ðẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Sau hơn 10 năm triển khai Luật Du lịch năm 2005, Luật Du lịch năm 2017 đã chính thức được thông qua với nhiều điểm mới, nhằm đẩy mạnh phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một trong những điểm mới của Luật là nhà nước sẽ tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào phát triển du lịch.

Ðây sẽ là cơ sở để các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng có điều kiện phát triển, không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa mà còn góp phần ổn định đời sống người dân.

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng là xu hướng phát triển tương đối mạnh với hình thức phong phú. Có không ít địa phương xây dựng được những mô hình thành công như: Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Vĩnh Phúc…

Cụ thể, các hoạt động du lịch cộng đồng tại Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) đã và đang phát triển khá mạnh, trung bình mỗi năm có ba đến bốn mươi nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ lại. Với cảnh quan đẹp, văn hóa phong phú, ẩm thực đa dạng, mô hình du lịch cộng đồng ở Bản Dền (Sa Pa, Lào Cai) cũng đón từ ba đến 3,5 vạn du khách/năm, doanh thu hằng năm đạt từ ba đến bốn tỷ đồng. Các hộ gia đình tổ chức homestay (du khách sẽ ở ngay tại nhà của người dân địa phương) có thêm thu nhập bình quân từ một đến ba triệu đồng/tháng.

Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng là mỗi địa phương tìm ra nét độc đáo, huy động cộng đồng cùng tham gia, tạo nên những sản phẩm mà ở đó du khách được trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của cộng đồng, được thụ hưởng, cảm nhận những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Mô hình giúp đề cao, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, nhằm giúp du khách có thêm hiểu biết và tình yêu đối với văn hóa, môi trường, phong tục, nếp sống… của người dân. Bên cạnh việc phát huy, quảng bá những nét đẹp văn hóa bản địa, điều được lớn nhất của du lịch cộng đồng là đời sống của chính người dân cải thiện hơn.

Mặc dù việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng là phù hợp xu thế và số du khách tìm đến các sản phẩm du lịch này ngày càng tăng, nhưng thực tế, du lịch cộng đồng ở Việt Nam vẫn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, chưa đi vào thực chất. Hình thức hoạt động mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng bản địa.

Một vài địa phương lại quá chú trọng đến yếu tố phát triển kinh tế nên tổ chức còn manh mún, chụp giật, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch, mà chưa chú trọng đến vấn đề duy trì bền vững hoạt động này. Vì thế, để du lịch cộng đồng phát triển, quan trọng nhất vẫn là cộng đồng của từng địa phương phải ý thức sâu sắc về giá trị đặc sắc của văn hóa, địa phương mình, từ đó truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu, sự tôn trọng và niềm tin.

Song song với việc tháo bỏ các vướng mắc đang hạn chế du lịch cộng đồng, các nhà khoa học cần phối hợp nghiên cứu, hướng dẫn người dân bản địa xây dựng sản phẩm hấp dẫn, không trùng lặp, bảo đảm vấn đề giữ gìn cảnh quan, môi trường, tránh tình trạng chộp giật, phá hủy dần những nét văn hóa bản địa đặc sắc. Muốn hạn chế tình trạng phát triển tự phát về du lịch cộng đồng như hiện nay, nhất thiết phải có quy hoạch cụ thể và rõ ràng, tăng cường chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên cần lưu ý, quản lý nhà nước không phải là quản hay siết chặt mà phải hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân làm đúng và hiệu quả hình thức du lịch này...

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34021302-%C3%B0ay-manh-phat-trien-du-lich-cong-dong.html