An Giang: Chết đứng cùng cá tra

(CATP) An Giang là một trong những tỉnh có nguồn cung cấp đáng kể cho các mặt hàng xuất khẩu thuộc dạng thủy hải sản, trong đó có cá tra. Tuy nhiên, hiện tại người nuôi cá tra đang điêu đứng vì lỗ nặng, người thì cầm cự, người thì buông tay. Các hộ nuôi cá tra đang đứng trước nguy cơ phá sản, cũng như dự báo trước sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung cá tra xuất khẩu.

Treo ao hàng loạt

Không chỉ riêng ở An Giang, hầu hết các hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL cũng lâm vào tình trạng trên, người nuôi chỉ còn biết than trời và còng lưng tìm cách trả nợ vì đã đổ số tiền lớn vào các ao nuôi. Tính đến năm 2012, số tiền để mua cá giống có dao động nhẹ, trung bình một con cá giống từ 2.000 - 2.500 đồng. Thời gian để cá con trưởng thành từ 6 tới 8 tháng (tùy theo giống cá, lứa cá). Trong suốt thời gian đó, số tiền mà các hộ dân nuôi cá tra phải thả vào ao rất lớn, trong đó gánh nặng về tiền mua thức ăn cho cá là mối lo ngại lớn nhất của nhà nuôi. Hiện 1kg thức ăn có giá 11.500 đồng, trong khi giá bán ra của cá tra 18.000 - 19.000/kg, tức là hơn 2/3 giá tiền phải bỏ ra cho thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, chất lượng của thức ăn gần như giảm dần theo thời gian, độ đạm không còn dồi dào dẫn đến tình trạng cá nhảy mồi. Nếu trước đó trung bình một ao cá chỉ cho khoảng 1,6kg thức ăn, thì nay phải đến 1,7kg. Cùng với đó là người nuôi cá không thể trực tiếp mua thức ăn tại đại lý cấp 1 mà phải thông qua đại lý cấp 2, chi phí trung gian, chi phí phát sinh cũng không phải là con số nhỏ.

Một lý do nữa khiến quá trình nuôi cá của bà con lỗ nặng là do ô nhiễm nguồn nước. Để xử lý, khắc phục, tái tạo nước mới liên tục là một gánh nặng cho túi tiền của người nuôi. Trong khi những ao nuôi cá tra thường giữ được nguồn nước sạch lâu hơn đối với những ao nuôi cá lóc. Nước thải của quá trình nuôi cá lóc có màu đen, bốc mùi, ô nhiễm và khi được thải ra cũng ảnh hưởng phần nào đến nguồn nước sạch. Ngoài ra, cá tra lại hay mắc các bệnh như sốt xuất huyết, gan thận ứ mủ, hoại tử... giá thành của các thuốc chữa bệnh cá như thế này lên đến 150 triệu đồng. Một số hộ nuôi vẫn còn đang cầm cự với nghề, một số còn lại đã chọn con đường... treo ao.

Bỏ của chạy lấy người

“Dạo này thua lỗ muốn mờ mắt, cá cứ nuôi cỡ 700 - 800g là lại chết. Trung bình bán 500 - 600kg thì thu được 12 triệu đồng nhưng nội tiền thức ăn đã chiếm gần 8 triệu rồi. Hôm bữa mới bán 100 tấn cá, lỗ hết 300 triệu. Lỗ kiểu này chỉ có nước bỏ nghề thôi, qua đợt này nhà tôi không nuôi nữa” - cô Kim Hồng, một hộ nuôi cá than thở. Được biết, trước kia những hộ nuôi lâu năm có thể đoán biết bệnh của cá và tự mua thuốc để chữa nhưng hiện tại mỗi khi cá có biểu hiện bệnh, người nuôi phải liên hệ với kỹ sư, mang cá về phân tích bệnh lý. Ghé thăm các ao nuôi cá tra tại khu vực Châu Đốc (An Giang), không khí hầu như không còn hối hả như đặc thù vốn có của nghề. Các ao cá bỏ trống, mặt nước tĩnh lặng đến buồn bã. Hỏi đến việc nuôi cá là gương mặt cô Hồng lại phảng phất vẻ vừa buồn vừa tiếc, cô cho biết: “Đây là nghề của ông cha để lại, giờ treo ao cũng thấy có lỗi, gắn bó với cái ao, con cá cũng chục năm rồi. Nếu ngưng nuôi cũng không biết phải làm gì, nhưng khổ cái là lỗ quá nặng, càng làm càng chết. Muốn đi vay tiền ngân hàng thì cũng cực lắm, học hành không đến nơi đến chốn nên cứ ngại tới mấy thứ giấy tờ, thủ tục. Mượn tiền ở ngoài lãi quá cao, nhưng cũng ráng chịu. Bây giờ không còn nghĩ tới nuôi cá tra sao cho lời nữa mà là làm sao có tiền trả nợ, nản lắm rồi, lúc này chỉ còn nước bỏ của chạy lấy người”.

Qua liên hệ, chúng tôi gặp được bà Ngọc Hương (70 tuổi, một chủ ao cá tra lớn và lâu năm tại Châu Đốc), bà lắc đầu ngao ngán: “Cách giải quyết hả? Cách của gia đình chúng tôi bây giờ là... treo ao. Không phải chỉ gia đình tôi thôi đâu, ai cũng vậy, tiền vay ngân hàng phải đến hàng bạc tỷ. Hồi còn làm ăn được, mỗi lần rạng một hầm cá cũng kiếm được chút đỉnh tiền cơm gạo, gom góp mua vàng để dành...”, nói đến đó bà Hương lại bỏ lửng rồi nhai trầu bỏm bẻm. Theo ánh mắt của bà Hương, chúng tôi nhìn ra những ao cá tra hoành tráng một thời, từng là kế sinh nhai của cả gia đình bà, cũng là miếng đất, cái ao sự sống của những hộ nuôi cá tra khác giờ nằm lặng thinh, vắng hẳn tiếng quẫy đuôi động nước của mấy con cá tra.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=707&id=501323&mod=detnews&p=