Bảo đảm an toàn thực phẩm: Cơ quan quản lý cũng... khó!

Tại Hội thảo đối thoại chính sách quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP do Cục ATTP (Bộ Y tế) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 12-9, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong khẳng định, bảo đảm ATTP chưa bao giờ “nóng” như hiện nay. Công tác quản lý cũng còn lúng túng do chưa có quy định hoặc một số quy định chưa thật cụ thể.

Không kiểm tra, không thể quản lý

Trước đây, tất cả các hàng hóa nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước đều được “tiền kiểm”, tức là được cơ quan quản lý nhà nước về ATTP kiểm tra trên hồ sơ giấy tờ, nếu đạt mới cấp chứng nhận lưu thông. Hiện nay, Cục ATTP đang tập trung theo hướng tăng "hậu kiểm", giảm "tiền kiểm" nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phó Cục trưởng Cục ATTP Trần Việt Nga cho biết, trước đây, thời gian “kiểm tra thường” tại cửa khẩu với một sản phẩm thực phẩm nhập khẩu là 9,3 ngày, nay chỉ còn 5,5 ngày. Nếu thấy sản phẩm có hiện tượng mốc, màu biến đổi, điều kiện bảo quản không đúng…, cơ quan quản lý mới lấy mẫu kiểm nghiệm. Tương tự, thời gian trung bình “kiểm tra chặt” cũng giảm gần một nửa do chỉ lấy mẫu xét nghiệm với những lô hàng bị cảnh báo “có vấn đề” (nhưng số này chỉ 1-2%/năm).

Lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh ATTP tại khu vực Thành Công. Ảnh: Văn CHiến

Vấn đề đặt ra là, hàng hóa kém chất lượng, nếu chờ “hậu kiểm”, thì đã đến tay người tiêu dùng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, dù quản lý theo phương thức nào, nặng về "tiền kiểm" hay "hậu kiểm", vẫn phải hướng tới hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Minh bạch về chất lượng

Một vấn đề được đặt ra tại hội thảo là kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp sản xuất trong nước về khoảng dung sai trong công bố chất lượng và ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm. Các doanh nghiệp đề xuất, dung sai đối với các vitamin và khoáng chất là 30%; đối với các chất sinh năng lượng là 20%. Các đại biểu đều thống nhất, để đảm bảo quyền của người tiêu dùng được thông tin chính xác, minh bạch về hàng hóa và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, quy định về dung sai là cần thiết, nhưng dung sai này phải được ghi rõ ràng trên nhãn hàng hóa và mức dung sai công bố phải trên cơ sở khoa học, được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

TS. E-Song Tee, nguyên Trưởng Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch, Dinh dưỡng và Tiểu đường (Viện Nghiên cứu Y khoa, Bộ Y tế Malaysia) cho biết, các sản phẩm thực phẩm chế biến thường có thời gian sử dụng nhất định, phần lớn là trong khoảng 1 năm. Trong thời gian đó, hàm lượng dưỡng chất sẽ có sự suy giảm dần trong quá trình lưu kho và bảo quản, đặc biệt là những dưỡng chất. Tuy nhiên, mức độ suy giảm này thường không vượt quá 20% tổng lượng dưỡng chất vốn có của sản phẩm. Do vậy, cần có quy định về khoảng dung sai để các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài cũng như các sản phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam lưu thông một cách thuận lợi. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, về nguyên tắc, dung sai càng nhỏ thì chất lượng sản phẩm càng cao, người tiêu dùng được hưởng lợi. Không thể chấp nhận sản phẩm công bố hàm lượng cao, nhưng hàm lượng thực lại thấp như... hàng giả. Với các chất có lợi cho sức khỏe, Bộ Y tế cần quy định hàm lượng tối thiểu; chất có hại cho sức khỏe thì phải có quy định giới hạn tối đa cho phép.

Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, hàm lượng một chất trong sản phẩm đạt 70% trở xuống (dung sai từ 30%) coi như hàng giả, nhưng Việt Nam lại chưa có quy định này. Bởi vậy, cơ quan quản lý sẽ lấy ý kiến để sớm đưa ra quy định, buộc doanh nghiệp phải đưa ra sản phẩm có chất lượng ổn định, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tiêu dùng. Trước mắt, doanh nghiệp phải ghi công khai hàm lượng và dung sai trên nhãn sản phẩm. Cơ quan quản lý phải tăng cường công tác hậu kiểm để quản lý doanh nghiệp có ghi dung sai đúng với kết quả kiểm nghiệm. Doanh nghiệp vi phạm, không thực hiện đúng việc công bố chất lượng sản phẩm cũng như quy định ghi nhãn mác sẽ bị xử lý nghiêm.

Không thể tùy tiện liệt kê công dụng

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh, khi doanh nghiệp công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng y học phải có hồ sơ công bố nghiên cứu đánh giá hiệu quả, chứ không thể tùy tiện liệt kê “công dụng”. Thời gian qua, Cục ATTP đã xử phạt không ít thực phẩm chức năng quảng cáo thổi phồng công dụng hoặc quảng cáo không đúng nội dung được Cục ATTP xác nhận.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/847977/co-quan-quan-ly-cung-kho