Báo Lạng Sơn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

HOÀNG ĐÌNH HÔM, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Lạng Sơn

Phóng viên Báo Lạng Sơn tác nghiệp tại sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác trung ương thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn (tháng 8/2023) -Ảnh: HOÀNG HUẤN

Trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, viên chức, lao động Báo Lạng Sơn đã không ngừng nỗ lực rèn luyện, cống hiến, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Từ tờ Tin Lạng Sơn đến Báo Lạng Sơn

Tháng 12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, Nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ cuối năm 1946 đến năm 1948, quân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã kiên cường chiến đấu và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.

Ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ban hành Quyết nghị số 29 QN/TW, trong đó nêu: “Đảng ta đương lãnh đạo cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Phong trào mỗi ngày một tiến nên công việc của Đảng mỗi ngày một phức tạp. Mỗi việc của Đảng phải thấu suốt từ trên xuống dưới, chính sách của Đảng phải được thi hành đầy đủ”.

Để nhanh chóng chuyển tải các chủ trương chính sách của Trung ương và của tỉnh xuống đến cơ sở, tỉnh đã cho xuất bản tờ Tin Lạng Sơn do Ty Thông tin – Tuyên truyền quản lý. Đồng thời mỗi huyện cũng ra tờ tin của huyện do phòng thông tin – tuyên truyền huyện phụ trách.

Sau Chiến dịch Biên giới 1950, phòng thông tin – tuyên truyền các huyện giải thể thì tờ tin của huyện cũng không còn. Tờ Tin Lạng Sơn của tỉnh chuyển cho Ty Thông tin – Văn nghệ quản lý và xuất bản. Lúc này tờ tin được xuất bản hằng tuần, hai trang, khổ nhỏ được chuyển đến tay đồng bào, chiến sĩ trong cả tỉnh. Cuối năm 1951, Tờ Tin Lạng Sơn được chuyển giao cho Phòng Thông tin (Ủy ban hành chính tỉnh) quản lý.

Trong giai đoạn này, tờ Tin Lạng Sơn đã tích cực chuyển tải các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc; kịp thời phản ánh động viên quân dân toàn tỉnh thi đua giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, bảo mật trừ gian, hăng hái đi dân công phục vụ chiến dịch…, góp phần vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Bước sang năm 1955, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong tỉnh đặt ra những nhiệm vụ cấp bách mới, tờ Tin Lạng Sơn đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, động viên đồng bào đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất và xây dựng nếp sống mới, khắc phục hậu quả của thiên tai do hạn hán kéo dài, nhanh chóng đẩy lùi nạn thiếu đói diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh…

Năm 1961, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam đang giành được nhiều thắng lợi, Mỹ liên tiếp thất bại trong “chiến tranh đặc biệt”; miền Bắc bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Trước tình hình và nhiệm vụ mới, Ban Bí thư Đảng Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 5-NQ/TW ngày 19/1/1961 về công tác báo chí.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, ngày 5/3/1964, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 05 – NQ/TĐB về chuyển tờ Tin Lạng Sơn lên thành tờ Báo Lạng Sơn. Mặc dù ra đời trong hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự chủ động chuẩn bị về nhân lực, vật lực, ngày 1/5/1964 Báo Lạng Sơn – Cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã ra mắt bạn đọc số đầu tiên. Ngày 1/5/1964 trở thành mốc lịch sử cùng sự phát triển, trưởng thành của Báo Lạng Sơn. Ban đầu báo ra 5 ngày/kỳ, 4 trang, khổ 27 x 39 cm.

Số báo đầu tiên ra đời đúng ngày Quốc tế lao động 1-5 nên chủ đề được phản ánh đậm nét là phong trào thi đua lao động sản xuất, học tập, chiến đấu của quân dân Lạng Sơn chào mừng ngày Quốc tế lao động. Cũng trong số báo đầu tiên này có bài “Báo Lạng Sơn ra đời” được đăng tải đóng khung trang trọng trên trang nhất của báo - Bài báo là thông điệp khẳng định rõ tôn chỉ, mục đích cũng như nhiệm vụ của tờ báo là “Tuyên truyền, giải thích chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và chính phủ thi hành ở tỉnh ta, đặc biệt chú trọng tuyên truyền động viên nhân dân các dân tộc đoàn kết thi đua thực hiện các công tác lớn của tỉnh, giáo dục tư tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người mới, nếp sống mới. Phản ánh tình hình phong trào và những đổi mới của các dân tộc trong tỉnh; giới thiệu kinh nghiệm của các ngành các cấp thiết thực phục vụ cho sản xuất, cải thiện đời sống của Nhân dân”.

Vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị

Ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, chiến tranh ác liệt, các phương tiện hoạt động nghiệp vụ còn thiếu thốn và số lượng biên chế ban đầu chỉ có 5 đồng chí, nhưng cán bộ, phóng viên Báo Lạng Sơn lúc bấy giờ đã bám sát các phong trào cách mạng, sâu sát thực tế, tuyên truyền cổ vũ, động viên quân dân các dân tộc Lạng Sơn hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, lập công trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Song song với nhiệm vụ tuyên truyền, lãnh đạo Tòa soạn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với tỉnh các giải pháp để phát triển Báo Lạng Sơn.

“Sự kiện vịnh Bắc Bộ” mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Lạng Sơn là một trong những mục tiêu phá hoại, nhằm cắt đứt con đường viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, của quốc tế đối với Việt Nam. Thời kỳ này các cơ quan của tỉnh, kể cả xí nghiệp in, Tòa soạn phải đi sơ tán. Việc liên lạc, chỉ đạo của tỉnh với Tòa soạn, phóng viên đi công tác đều gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, Báo Lạng Sơn vẫn xuất bản đều đặn, kịp thời chuyển tải sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh đến nhân dân các dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của quân và dân trong tỉnh.

Mặt báo thời kỳ này tập trung phản ánh các lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, trước hết là phong trào hợp tác hóa, bước đầu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực động viên phong trào làm nghĩa vụ lương thực thực phẩm, nghĩa vụ quân sự với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; biểu dương những tấm gương “nhường cơm xẻ áo” những cơ sở mà cấp ủy, chính quyền, đoàn thể biết lãnh đạo Nhân dân vượt qua khó khăn, đề ra kế hoạch thúc đẩy sản xuất… Cùng với đó, phóng viên Báo Lạng Sơn cũng có mặt tại những nơi chiến tranh ác liệt, nguy hiểm nhất để kịp thời phản ánh sự tàn bạo của đế quốc Mỹ trong các cuộc chiến tranh phá hoại; tinh thần chiến đấu anh dũng, những chiến công oanh liệt của quân và dân Lạng Sơn;…, góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ, lâu dài của nhân dân ta. Đất nước chuyển sang giai đoạn cách mạng mới. Cùng với báo chí cả nước, Báo Lạng Sơn xác định nhiệm vụ trọng tâm thời kỳ này là: Tiếp tục tuyên truyền thắng lợi vĩ đại của quân, dân ta, đặc biệt tập trung vào hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những bài báo của các phóng viên Báo Lạng Sơn đều tràn ngập khí thế chiến thắng, khí thế hăng say bước vào thực hiện nhiệm vụ mới: Xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương.

Ngày 27/12/1975, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V quyết định hợp nhất tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng, tỉnh lị đặt tại thị xã Cao Bằng. Để tiếp tục duy trì việc xuất bản báo Đảng phục vụ nhiệm vụ chính trị của một tỉnh mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Lạng đã ra Nghị quyết số 03-NQTC/CL, ngày 2/3/1976: "Hợp nhất hai tờ Báo Cao Bằng và Báo Lạng Sơn thành tờ báo của Đảng bộ tỉnh Cao Lạng", lấy tên là Báo Cao Lạng.

Ba năm sáp nhập (1976 - 1978), mặc dù phải làm việc trong điều kiện khó khăn thiếu thốn khi đất nước nói chung và hai tỉnh nói riêng vừa ra khỏi chiến tranh, song Báo Cao Lạng phát huy bề dày kinh nghiệm của hai tờ báo Cao Bằng và Lạng Sơn, thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan tuyên truyền, giáo dục, cổ động, tổ chức cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, thi đua thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các nhiệm vụ trung tâm trong từng thời gian của tỉnh Cao Lạng cho đến khi tái lập hai tỉnh trở lại.

Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, ngày 29/12/1978, Hội đồng Nhà nước đã quyết định tách tỉnh Cao Lạng trở lại thành tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Các cơ quan của tỉnh trở lại thị xã Lạng Sơn đang ổn định tổ chức, chuẩn bị cơ sở để làm việc thì ngày 17/2/1979, Đảng bộ, quân, dân tỉnh Lạng Sơn lại phải bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong bối cảnh đó, Báo Lạng Sơn đã kịp thời tuyên truyền vận động Nhân dân các dân tộc vùng có chiến sự xảy ra triệt để sơ tán, giúp đỡ đồng bào sơ tán… Vượt qua hiểm nguy, phóng viên Báo Lạng Sơn đã bám sát các đơn vị chiến đấu để nhanh chóng thông tin chiến thắng, động viên quân dân các địa phương chiến đấu và sản xuất. Các thông tin trên Báo Lạng Sơn đã kịp thời cổ vũ, động viên bộ đội, dân quân, tự vệ chiến đấu, đồng bào phục vụ chiến đấu; nêu những tấm gương quên mình xông vào lửa đạn để cứu chữa thương binh, đào hào sẵn sàng chiến đấu, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân kiên quyết chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Ngày 5/3/1979, Trung Quốc phải tuyên bố rút quân vô điều kiện khỏi biên giới nước ta. Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra trong thời gian ngắn, song để lại hậu quả rất nặng nề. Thực hiện chủ trương của tỉnh, Báo Lạng Sơn đã có nhiều bài viết tuyên truyền phát triển sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh. Cùng với đó, báo cũng tuyên truyền đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trong đó có nhiều bài viết về giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương chính sách, tình hình nhiệm vụ mới, giáo dục đạo đức cách mạng… góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.

Cán bộ, biên tập viên, kỹ thuật viên Phòng Thư ký Tòa soạn xử lý, phân phối thông tin trên phần mềm chuyên dụng - Ảnh: HOÀNG NHƯ

Vững bước trên chặng đường đổi mới

Trải qua thực tiễn công tác, đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Lạng Sơn từng bước trưởng thành, luôn nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong những năm đầy khó khăn, thiếu thốn …. Cùng với sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, nội dung và hình thức tờ báo cũng ngày được cải tiến và thu hút nhiều độc giả.

Trải qua 10 năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (1976- 1985), tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu thốn về cơ sở vật chất, bị xáo trộn nhất định trong giai đoạn sáp nhập - tách tỉnh, chiến tranh biên giới xảy ra… nhưng với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, Báo Lạng Sơn đã vượt qua tất cả để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ thông tin tuyên truyền và định hướng dư luận. Đó chính là điều kiện căn bản giúp tờ báo của Đảng bộ tỉnh tiếp tục tiến bước vững chắc trong thời kỳ đổi mới…

Từ ngày 10 đến ngày 15/10/1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã được tổ chức tại thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn). Đây là đại hội của sự vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của Lạng Sơn, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986, Đại hội VI của Đảng được tiến hành tại Hà Nội. Đại hội khẳng định: "Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề để cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo". Đây là đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới.

Với khí thế đổi mới, đặc biệt là đổi mới tư duy, các phóng viên của báo vừa chủ động tự trau dồi thêm chuyên môn nghiệp vụ, vừa tăng cường tác nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, đưa đến bạn đọc những thông tin nóng hổi, mổ xẻ được những vấn đề mà bạn đọc quan tâm. Có thể nói, không nơi nào của tỉnh Lạng Sơn không in dấu chân của phóng viên Báo Lạng Sơn. Báo đã tích cực tuyên truyền, giải thích các chủ trương của Đảng và phản ánh phong trào sản xuất, chiến đấu, xây dựng cuộc sống mới, đấu tranh với các hiện tượng trì trệ, tiêu cực; định hướng dư luận, chống mọi thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch.

Từ năm 1990 đến nay, cùng với sự phát triển của cả nước tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng lên. Từ một tỉnh miền núi, biên giới với đầy rẫy những khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự quan tâm của Trung ương và sự nỗ lực cố gắng của Nhân dân, Lạng Sơn đã có những bước phát triển nhanh chóng.

Xuyên suốt trong những giai đoạn phát triển của tỉnh, lớp lớp thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động Báo Lạng Sơn luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn, không ngừng học hỏi; bám sát chỉ đạo, định hướng của tỉnh, sâu sát cơ sở để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến Nhân dân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân với Đảng Nhà nước, thực hiện tốt vai trò là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Từ đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, khơi dậy tiềm năng, phát huy lợi thế để Lạng Sơn tiếp tục có những bước phát triển nhanh và bền vững.

60 năm qua kể từ ngày Báo Lạng Sơn ra số đầu tiên, từ 5 cán bộ, phóng viên ban đầu, hiện nay Báo Lạng Sơn đã có trên 50 cán bộ, viên chức, người lao động. Với sự quan tâm của tỉnh và sự nỗ lực của tập thể Tòa soạn, Báo Lạng Sơn đã không ngừng đổi mới về hình thức, nội dung, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đến nay, báo in Báo Lạng Sơn xuất bản 5 kỳ/tuần với lượng phát hành khoảng 1,9 triệu tờ/năm. Báo Lạng Sơn điện tử có những bước phát triển vượt bậc với ba phiên bản: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc và được “nối dài” bởi mạng xã hội như Zalo, Facace book. Tổng lượt truy cập trên các phiên bản của Báo Lạng Sơn điện tử đạt trên 6 triệu lượt (năm 2023) và dự kiến năm 2024 sẽ đạt khoảng 9 triệu lượt.

Bắt nhịp chuyển đổi số, Báo Lạng Sơn đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và triển khai đề án phát triển Báo Lạng Sơn hiện đại đến năm 2025, từ đó hạ tầng, cơ sở vật chất của báo từng bước được đầu tư đồng bộ; các công đoạn, quy trình xuất bản báo cơ bản được số hóa; Công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng được quan tâm, đội ngũ cán bộ nắm chắc về nghiệp vụ chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tự hào về truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, thế hệ cán bộ, viên chức, lao động Báo Lạng Sơn ngày nay đang tiếp tục ra sức học tập, phấn đấu, thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đồng hành cùng với sự phát triển của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững.

H.Đ.H

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bao-lang-son-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-tinh-5006774.html