Bất lực với bạo lực lễ hội

Mọi nỗ lực hội thảo mời chuyên gia cấp T.Ư tìm giải pháp cho một lễ hội cấp xã như cướp phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) dường như xôi hỏng bỏng không trước hình ảnh hàng trăm thanh niên xăm xổ đầy mình, cởi trần trèo đầu cưỡi cổ lên nhau vì quả phết trong hội ngày 13 tháng Giêng (tức 9/2).

Ba năm muốn nói “không” với bạo lực lễ hội của Bộ VHTT&DL chưa thể thành công khi Hội Phết Hiền Quan, Hội Gióng Sóc Sơn (Hà Nội)… vẫn còn đó những hình ảnh phản cảm.

Vỡ trận cướp phết Hiền Quan

Hội Phết Hiền Quan diễn ra từ ngày 12 nhưng đúng ngày 13 tháng Giêng mới là chính hội với lễ cướp 3 quả phết và 3 quả chúi. Mặc cho Ban tổ chức thắt chặt an ninh, hạn chế số lượng người cướp phết mỗi đội 50 người, ngay khi quả phết còn chưa được tung ra, hàng trăm người dân ùn ùn phá rào lao vào cướp phết, khiến hội phết Hiền Quan vỡ trận.

Cảnh cướp phết nháo nhào tại Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ). Ảnh: Phạm Hùng

Trước đó, lễ rước kiệu được tiến hành từ chiều 12 tháng Giêng. Trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả phết, quả chúi được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày 10/10 âm lịch. Xong lễ rước kiệu là phần tế lễ. Tham gia tế lễ là các bậc trưởng lão trong làng. Sau ba tuần rượu đoàn binh sĩ cùng chầu trước cửa đền để nghe chỉ dụ để chuẩn bị cho lễ kéo quân. Lễ kéo quân kết thúc cũng là lúc bắt đầu lễ ném phết. Đây là phần lễ hội sôi động, náo nhiệt, thu hút rất nhiều người tham gia.

Theo ông Bùi Văn Thanh – Chủ tịch UBND xã Hiền Quan, Trưởng Ban tổ chức lễ hội “Năm nay, nhằm tránh gây bạo lực Ban tổ chức tạo hàng rào bảo vệ khoanh vùng khu vực cướp phết. Những người tham gia cướp phết sẽ là thanh niên trong làng và được chia làm 2 đội, mỗi đội 50 người được phân biệt đội xanh và đỏ. Ban tổ chức cũng không tổ chức ngoài bãi cát mà tổ chức ở bãi ruộng với những hàng rào dây thừng được bao quanh khu ruộng”. Đúng vào 15 giờ 10 phút ngày 13 tháng Giêng, Lễ trống rước phết từ đền ra bãi cướp phết thì thanh niên ở bốn phía ào ào tràn xuống. Dây thừng hàng rào không có tác dụng, lực lượng công an và bộ đội đến hàng trăm người bất lực đứng nhìn.

Đã đến lúc nói không với bạo lực

Nhìn những cảnh cướp lộc, cướp phết đả thương đến đổ máu…, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền đánh giá đây là hành vi tín ngưỡng thời trung cổ. “Thời trung cổ, người ta coi những hành vi đó mang tính “thiêng”. Trong nền văn minh phát triển của loài người thì những hành vi đó rõ ràng là phản cảm. Xâm hại thân thể, đả thương người khác thì không thể gọi là văn minh” – nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền – Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh.

Cuối năm 2016, Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Tam Nông đã kỳ công tổ chức hội thảo nhằm tìm giải pháp ngăn chặn những hành động bạo lực của lễ hội cướp phết Hiền Quan đã được nhắc đến trên phương tiện truyền thông nhiều năm. Đây là hội thảo hiếm hoi vì diễn ra tại chính địa bàn của lễ hội, lần đầu tiên cơ quan quản lý cùng lắng nghe ý kiến không chỉ của các nhà khoa học mà còn của người dân – chủ thể lễ hội. Đã có ý kiến cho rằng nên bỏ cướp phết, nhưng phần đa mong muốn giữ nghi lễ truyền thống này. Chính vì vậy, lễ hội cướp phết vẫn diễn ra nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước đã không để làm tròn nhiệm vụ ngăn chặn bạo lực của lễ hội. Cũng giống như Hội Gióng ở Sóc Sơn cho dù có đến 500 lực lượng công an, thanh niên bảo vệ nhưng vẫn không ngăn được chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản Việt Nam cho rằng: “Đã đến lúc nói không với những hành vi bạo lực lễ hội này, đừng để nó làm đổ ụp của các lễ hội giàu giá trị văn hóa khác”. Ngăn chặn bằng cách nào thì đã 3 năm rồi Bộ VHTT&DL vẫn loay hoay. Chưa có ai mạnh dạn đưa ra ý kiến cấm không cho tổ chức, bởi vì theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: “Tôi thấy vài chục năm trở lại đây, chúng ta đã phục dựng quá nhiều lễ hội không còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa. Nhưng đã trót phục dựng rồi, bảo cấm thì vô cùng khó”.

Theo TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên hội đồng di sản văn hóa quốc gia, để ngăn chặn được bạo lực lễ hội, đã đến lúc ngành văn hóa cần ngồi lại nhìn nhận một cách tổng thể quy hoạch lại lễ hội. Đưa lễ hội trở về với môi trường của chính người dân nơi đó, chứ không quảng bá biến lễ hội trở thành một công cụ kiếm tiền cho ngành du lịch. Ngoài ra, Bộ VHTT&DL cũng cần nắn chỉnh những nghi lễ không phù hợp. “Đừng bắt di sản trở lại quá khứ mà làm cho di sản phù hợp với cộng đồng nên phải chấp nhận sự biến đổi như một cách tự nhiên” – TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Ngày 9/2, hàng ngàn du khách lại nô nức trẩy Hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) để được nghe các liền anh, liền chị quan họ cất lên những câu hát trao duyên. Năm nay khu vực quảng trường trung tâm đã được xây dựng xong và không còn hình ảnh nhếch nhác như các mùa lễ hội trước. Một trong những điểm nhấn của hội Lim 2017 là việc Ban tổ chức đưa vào sử dụng 5 chòi hát dọc từ quảng trường trung tâm lên chùa Lim. Do hội diễn ra đông nên lực lượng an ninh đã phải phân luồng giao thông chặt chẽ từ quốc lộ 1 và khu trung tâm hội.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bat-luc-voi-bao-luc-le-hoi-279990.html