Bế tắc chính trị tại Nepal vẫn chưa được tháo gỡ

Truyền thông Nepal ngày 28/5 đưa tin Đảng Cộng sản Nepal Maoist thống nhất (UPCN-M) đối lập đã quyết định phản đối việc gia hạn nhiệm kỳ của Hội đồng Lập hiến Nepal (tức quốc hội) với lập luận rằng việc gia hạn là vô nghĩa nếu không có sự đồng thuận quốc gia nhằm đảm bảo hòa bình và hiến pháp.

Theo nhật báo "The Rising Nepal", quyết định trên do Ủy ban thường vụ UPCN-M đưa ra hôm 27/5, chỉ một ngày trước khi kết thúc thời hạn hai năm để Hội đồng Lập hiến ban hành một hiến pháp mới. Người phát ngôn UCPN-M, ông Dina Nath Sharma cho biết: "Chúng tôi phản đối kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng Lập hiến trừ phi có một sự đồng thuận quốc gia nhằm đảm bảo một nền hòa bình và hiến pháp mới. Chính phủ hiện nay là rào cản đối với hòa bình và hiến pháp, do vậy việc trao thêm thời gian cho Hội đồng Lập hiến ban hành hiến pháp mới trước khi Thủ tướng Madhav Kumar Nepal từ chức là vô nghĩa." Cùng ngày 27/5, Tổng thống Nepal Ram Baran Yadav đã tỏ ý thất vọng và chỉ trích các chính đảng lớn ở nước này không tháo gỡ được bế tắc chính trị trong bối cảnh nhiệm kỳ của Hội đồng Lập hiến hiện nay hết hiệu lực vào đêm 28/5. Ông Yadav đã thảo luận với lãnh đạo của ba chính đảng lớn gồm đảng Quốc đại Nepal (NC) cầm quyền, đảng Cộng sản Nepal Marxist-Leninist thống nhất (CPN-UML) trong liên minh cầm quyền và đảng UCPN-M đối lập. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của CPN-UML và UCPN-M vẫn giữ lập trường cứng rắn đã khiến đất nước này bị đẩy tới bờ vực thảm họa chính trị. Ông Yadav cũng kêu gọi các chính đảng bảo đảm để hoạt động của Hội đồng Lập hiến kéo dài cho tới khi có được dự thảo Hiến pháp mới. Theo thỏa thuận hòa bình tạm thời ký năm 2006, hạn chót để Nepal phải có Hiến pháp mới là ngày 28/5. Tuy nhiên, do các chính đảng bế tắc về chia sẻ quyền lực nên Nepal đã không thể có được đạo luật cơ bản vào hạn chót, và vì thế Quốc hội cũng như Chính phủ Nepal sẽ bị giải tán khi thời hạn chót 28/5 trôi qua. Do thời hạn chót sắp kết thúc, Quốc hội Nepal triệu tập phiên họp khẩn cấp ngày 28/5. Lo ngại trước bất đồng chính trị ở Nepal, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã khẩn cấp kêu gọi các đảng ở nước này thống nhất mục tiêu để bảo toàn Hội đồng Lập hiến cũng như tiến trình hòa bình. Theo ông Ban Ki-moon, đây là thời điểm các đảng Nepal phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết./. (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/be-tac-chinh-tri-tai-nepal-chua-duoc-thao-go/20105/46856.vnplus