Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án cải tạo, sửa chữa Trường Cao đẳng Đà Lạt

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan liên quan công khai trước nhân dân nội dung dự án cải tạo, sửa chữa một số hạng mục trụ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt để tạo sự đồng thuận; Bổ sung báo cáo khảo sát chi tiết về lịch sử, khảo cổ, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật...

Ngày 10.5, nguồn tin của Người Đô Thị cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã nhận được Tờ trình ngày 15.3 đề nghị thẩm định dự án cải tạo, sửa chữa một số hạng mục trụ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (nay là Trường Cao đẳng Đà Lạt).

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt thành lập ngày 3.9.1976. Từ tháng 8.2022, Trường cùng với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng và Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt sáp nhập, đổi tên thành trường Cao đẳng Đà Lạt. Ảnh: Duong Le

Dự án bao gồm sửa chữa hội trường A, nhà đa năng phục vụ giảng dạy, khối nhà ký túc xá A, khối nhà ký túc xá B, khối nhà thư viện, khối nhà thực hành nghề du lịch, một số phòng học làm khu thực hành nghề ô tô và bếp nghề du lịch (dãy phòng học mỹ thuật hiện trạng), hành lang đường nội bộ kết nối giữa các khối nhà, cổng, hàng rào; hệ thống phòng cháy chữa cháy, sân đường nội bộ.

Sau khi thẩm định hồ sơ dự án, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý việc cải tạo các hạng mục, tôn tạo sân đường và hạ tầng kỹ thuật phải được tiếp cận bài bản, khoa học để tránh nguy cơ có thể gây ra tác động đến công trình tiêu biểu, có giá trị lớn về kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là khối nhà cong thuộc trụ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Đối với kiến trúc mặt đứng, trang trí, màu sắc (sơn, vôi, mái tôn, cửa...) các hạng mục công trình quan trọng (như hội trường A), công trình xây dựng khác (như nhà đa năng phục vụ giảng dạy, khối nhà ký túc xá, các hành lang kết nối...), trên cơ sở giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài, cần sơn sửa theo hiện trạng (phục hồi sắc độ gốc của mặt ngoài kiến trúc và chi tiết các hạng mục công trình khi có tư liệu, kết hợp phân tích, tách lớp màu tại chỗ đối với từng vị trí hiện trạng còn rõ căn cứ). Phục hồi con-sơn (hội trường A) theo nguyên mẫu.

Đối với các chi tiết kiến trúc (mái tôn, cửa phòng học làm khu thực hành nghề ô tô và bếp nghề du lịch, mái ngói các hành lang...), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý bảo tồn tối đa các chi tiết kiến trúc gắn với quá trình xây dựng, tu bổ di tích. Tận dụng tối đa ngói cũ của các hành lang. Thay mới hệ cửa các phòng học mỹ thuật hiện trạng đã bị hỏng sau khi có ý kiến của hội đồng đánh giá di tích và đảm bảo không thay đổi hình ảnh công trình.

Các loại vật liệu sử dụng trong công tác tu bổ, thay thế như vữa dùng cho trám vá vết sứt/nứt (nếu có), vật liệu sơn/quét phủ bề mặt công trình,... cần lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, tương đồng với vật liệu gốc và các loại vật liệu sử dụng trong các công trình tu bổ di tích. Sân bê tông và rãnh thoát nước trước nhà cong cần làm theo cấu tạo hiện trạng, tận dụng tối đa các viên lát cũ.

Đối với việc lắp đặt các thiết bị kỹ thuật, cần nghiên cứu, sử dụng màu sơn cho các thiết bị kỹ thuật (phục vụ cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy...) đảm bảo hài hòa với tổng thể cảnh quan, tránh tương phản với màu của các chi tiết, thành phần kiến trúc, phù hợp với từng vị trí lắp đặt.

“Hồ sơ thuyết minh dự án cần giới thiệu thêm về di tích và giá trị của di tích; bổ sung báo cáo khảo sát chi tiết về các vấn đề lịch sử, khảo cổ, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, quá trình xây dựng, tu bổ, kỹ thuật, vật liệu xây dựng di tích.
Đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan liên quan công khai nội dung dự án trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý.

Trường Cao đẳng Đà Lạt là kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Trường được người Pháp thành lập năm 1927 mang tên Petit Lyceé Dalat, do kiến trúc sư Moncet thiết kế và chỉ đạo xây dựng. Năm 1932, trường Petit Lyceé Dalat đổi tên thành Grand Lyceé de DalatLyceé Yersin để tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin. Ảnh: Lều Trung Hiếu

Tại Tờ trình ngày 15.3 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Trường Cao đẳng Đà Lạt thành lập ngày 18.8.2022 trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng và Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt.

Trường hiện có các khối công trình: khối văn phòng; khối phòng học thuộc dãy nhà cong; hội trường B; các khối phòng học; hội trường A; nhà đa năng; thư viện; ký túc xá sinh viên dãy B; ký túc xá sinh viên dãy A; khối nhà biệt thự; nhà để xe; khối nhà thực hành nghề du lịch; hành lang cầu nối.

Mục tiêu dự án nhằm tu bổ, cải tạo cảnh quan trong và ngoài một số khối nhà phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan, môi trường của di tích.

Bên cạnh đó, cải tạo cơ sở vật chất nhằm giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất cho nhà trường, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy và làm việc của sinh viên, giảng viên và cán bộ, công nhân viên trong trường.

Dự toán kinh phí thực hiện 42.500.000.000 đồng (42,5 tỷ đồng). Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách tỉnh thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Thời gian thực hiện 2024 - 2026. Chủ đầu tư là Trường Cao đẳng Đà Lạt và nhà thầu lập dự án tu bổ di tích là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Lâm Đồng.

Ngày 28.12.2001, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Lều Trung Hiếu

Tờ trình đề xuất các hạng mục cải tạo và xây dựng mới:

Sửa chữa hội trường A (1 tầng, diện tích xây dựng khoảng 731 m2, diện tích sàn khoảng 73l m2): sửa chữa tường, cửa, trần, mái công sôn trang trí, máng xối; sửa chữa khu vệ sinh; sửa chữa hệ thống điện, cấp thoát nước công trình.

Sửa chữa nhà đa năng phục vụ giảng dạy (1 tầng, diện tích xây dựng khoảng 984 m2, diện tích sàn khoảng 984 m2): sửa chữa tường, cửa đi, cửa sổ, sê nô, trần, mái, nền sân khấu, sảnh, bậc cấp, khu vệ sinh; sơn nước toàn bộ công trình; sửa chữa hệ thống điện công trình.

Sửa chữa khối nhà ký túc xá A (3 tầng, diện tích xây dựng khoảng 552 m2, diện tích sàn khoảng 1.656 m2): sửa chữa khu vệ sinh; sửa chữa hệ thống điện, cấp thoát nước công trình; sửa chữa tay vịn lan can cầu thang, trần.

Sửa chữa khối nhà ký túc xá B (3 tầng, diện tích xây dựng khoảng 552 m2, diện tích sàn khoảng 1656 m2): sửa chữa tường; sơn nước công trình; sửa chữa tay vịn lan can cầu thang; sửa chữa trần; thay nền gạch; thay cửa, sửa chữa khu vệ sinh; sửa chữa hệ thống điện, cấp thoát nước công trình.

Sửa chữa khối nhà thư viện (2 tầng, diện tích xây dựng khoảng 665 m2, diện tích sàn khoảng 933 m2): sửa chữa tường, trần, cửa, mái, nền, lắp dựng các vách ngăn.

Sửa chữa khối nhà thực hành nghề du lịch: Khối nhà thực tập du lịch (2 tầng, diện tích xây dựng 138 m2, diện tích sàn 276 m2) đề xuất vệ sinh tường, cửa; sơn nước công trình. Đối với khu vực thực tập nhà hàng đề xuất sửa chữa mở rộng sảnh (1 tầng) diện tích 113 m2. Khu vực thực tập môn pha chế đề xuất san gạt mặt bằng, xây dựng đường bê tông rải sỏi diện tích 200 m2.

Sửa chữa một số phòng học làm khu thực hành nghề ô tô và thực hành bếp nghề du lịch: San gạt tạo mặt bằng, tạo đường đi bằng tấm đan bê tông lắp ghép kết hợp trồng cỏ diện tích 660 m2; vệ sinh tường; sơn nước công trình; sửa chữa nâng cấp mái, trần, nền, thay thế cửa; sửa chữa hệ thống điện công trình.

Sửa chữa hành lang đường nội bộ kết nối giữa các khối nhà (diện tích 1.240 m2): đề xuất chống thấm, sơn nước các mái vòm, cột thuộc hành lang đường nội bộ. Hành lang mái chữ A giữa các khối nhà đề xuất vệ sinh cột, thay ngói, vì kèo.

Sửa chữa cống, hàng rào: đề xuất xây mới trụ cổng, lắp đặt cổng đẩy inox; xây mới bảng tên trường. Tháo dỡ, xây mới 270 m hàng rào cũ; sửa chữa, gia cố hàng rào song sắt khoảng 660 m.

Đối với hệ thống phòng cháy, chữa cháy: đề xuất trang bị hệ thống báo cháy tự động, bình bột, lăng phun, bể nước, máy bơm phòng cháy chữa cháy các khối nhà cải tạo.

Sửa chữa sân, đường nội bộ; sửa chữa mương thoát nước; sửa chữa nâng cấp hệ thống thoát nước.

“Quan điểm, nguyên tắc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là phải đảm bảo tính chính xác, nguyên trạng, không thay thế các cấu kiện còn sử dụng được và hạn chế tối đa việc làm thay đổi, biến dạng trong quá trình tu bổ di tích. Duy trì hiện trạng, những thành phần gốc hiện hữu và những đặc điểm đã hình thành trong quá trình tồn tại của di tích.

Trong công tác tu bổ tôn trọng và giữ lại các thành phần kiến trúc thay thế (nếu có), sử dụng các vật liệu tương đồng với vật liệu cũ, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và tương đồng về màu sắc để tránh phá vỡ cảnh quan chung của tổng thể công trình”, Tờ trình cho biết.

Hoài Nam - Hữu Đức

Chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự án theo ý kiến thẩm định

Thực hiện văn bản đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thẩm định dự án cải tạo, sửa chữa một số hạng mục trụ sở Trường Cao đẳng Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Trường Cao đẳng Đà Lạt căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự án theo ý kiến thẩm định của Bộ; trình Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bo-van-hoa-the-thao-va-du-lich-tham-dinh-du-an-cai-tao-sua-chua-truong-cao-dang-da-lat-43651.html