Cam go 'cuộc chiến' chống ô nhiễm rác thải nhựa

Mỗi ngày đang có khoảng 60 nghìn tấn rác thải sinh hoạt được thải ra môi trường. 60% số đó là rác thải sinh hoạt đô thị. Đáng quan ngại là trong đó có một tỷ lệ lớn chất thải nhựa không được phân loại.

Rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần hay túi nilon khó phân hủy đang được sử dụng tràn lan ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe con người. Đây là những lo ngại về rác thải nhựa được đặt ra tại diễn đàn về môi trường do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Cần sớm có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa là bài toán đang đặt ra để phù hợp với xu thế phát triển xanh.

Nhức nhối “ô nhiễm trắng”

Thu gom rác thải nhựa hiện nay đang thực sự là một thách thức, đó là chia sẻ của bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco). Bà Hạnh cho biết, hiện tại Hà Nội khối lượng rác thải sinh hoạt khoảng từ 7 - 7,5 nghìn tấn/ngày (trung bình từ 0,75 - 0,95kg/người/ngày), trong đó khoảng 10% là rác thải nhựa (hơn 700 tấn/ngày). Con số cho thấy lượng rác thải nhựa được đưa vào môi trường hàng ngày rất lớn. Tuy nhiên, công tác thu gom rất khó khăn.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc phân loại chưa được thực hiện. Phần lớn rác thải nhựa chưa được phân loại trước khi thu gom. Cùng với đó, việc tái chế rác thải nhựa cũng mới chỉ khoảng 5% nhưng chính hoạt động tái chế này cũng đang gây ô nhiễm môi trường. Để hiểu hơn về tác động đến môi trường từ các cơ sở tái chế nhựa chúng ta có thể đến ngay một số vùng ở Hưng Yên, Bắc Ninh, bằng mắt thường cũng có thể thấy được. Chính vì thế rác thải nhựa hiện đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí”, bà Hạnh cho biết.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang là thực trạng nhức nhối. Một số loại nhựa không thể phân hủy, không thể tự tiêu, nó sẽ tồn tại hàng trăm năm, phân hủy thành những hạt nhỏ hơn và ngấm vào đất, nước làm ô nhiễm môi trường.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đồ nhựa một lần vẫn đang được sử dụng tràn lan. Vật liệu thay thế hiện chưa phổ cập và giá thành cao nên người dân vẫn có thói quen dùng nhựa một lần bởi nó vừa rẻ, vừa tiện. Thêm nữa là việc vận động người dân, siêu thị, chợ không sử dụng đồ nhựa chúng ta làm vẫn chưa tốt”, PGS.TS Bùi Thị An nói.

Theo TS Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, nếu những sản phẩm như hộp xốp được sản xuất đúng quy trình và tiêu chuẩn, sẽ đảm bảo an toàn. Nhưng hiện nay, những sản phẩm này không có nguồn gốc rõ ràng, không rõ về chất lượng. Quá trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh hoặc người dân sử dụng không đúng cách thì có thể có những tác hại.

“Sản phẩm hộp xốp có thể bị phơi nhiễm những hợp chất, ví dụ các chất phụ gia ở trong hộp xốp được đưa vào để tăng tính dai giòn, hoặc kim loại nặng cũng có thể phơi nhiễm vào thực phẩm. Khi mà phơi nhiễm những hợp chất như vậy sẽ gây ảnh hưởng cho người sử dụng”, TS Trần Cao Sơn cho biết.

Rác thải nhựa là mối nguy với môi trường và sức khỏe người dân.

Đi ngược xu thế xanh

Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Vũ Minh Lý cho rằng, cuộc chiến chống rác thải nhựa, rác thải dùng một lần vẫn là cuộc chiến cam go, lâu dài. Ông Lý cho biết, công nghệ xử lý rác thải hiện nay vẫn cơ bản là chôn lấp, chiếm khoảng 70%, 15% là tái chế, 15% còn lại là đốt. Rác thải nhựa chiếm một số lượng rất lớn trong số khoảng 60 nghìn tấn rác thải sinh hoạt/ngày hiện nay. Rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon tồn tại ngoài tự nhiên hay được chôn lấp cũng rất khó phân hủy.

“Chính phủ đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” và cũng đã ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn để giảm thiểu rác thải nhựa trong đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Nhận thức của cộng đồng cũng đã phần nào được nâng lên. Tuy vậy ở một khía cạnh nào đó thì chống rác thải nhựa vẫn là cuộc chiến cam go, lâu dài. Không thể 1, 2 năm giảm thiểu ngay được. Luật Bảo vệ môi trường đã được ban hành từ năm 2020, cho nên các địa phương cần sớm ban hành các quy định phân loại rác tại nguồn, thu gom, tái chế đúng quy định”, ông Lý cho hay và nói thêm, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh đang là xu thế tất yếu.

Việt Nam cũng đã cam kết mục tiêu giảm phát thải ròng Net Zero về 0 vào năm 2050. Do đó, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp phải chuyển đổi từ dây chuyền sản xuất, máy móc cho tới nguyên liệu đầu vào và công nghệ, kỹ thuật. Bên cạnh đó, ý thức, hành động của mỗi công dân cũng góp phần rất lớn vào việc có thực hiện được mục tiêu Net Zero hay không. Nếu tiếp tục sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần thì sẽ đi ngược xu hướng phát triển xanh và cản trở cam kết mà Việt Nam đã ký.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Bùi Thị An cho rằng, phát triển xanh là mục tiêu và để đạt được cam kết phát thải ròng về 0 vào 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ là tổ hợp của nhiều yếu tố, trong đó hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, hạn chế rác nhựa là một trong những yếu tố đó.

“Cần tiến tới việc không dùng và triệt tiêu đồ nhựa dùng một lần, có như thế mới đạt được mục tiêu đề ra. Nếu như chúng ta vẫn sử dụng tràn lan đồ nhựa một lần sẽ cản trở xu thế phát triển xanh vì nó phát thải ra môi trường gây ô nhiễm. Nếu chúng ta thực hiện tốt sẽ góp phần đạt phát thải ròng về 0 và đạt được kinh tế tuần hoàn”, PGS.TS Bùi Thị An nói.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/cam-go-cuoc-chien-chong-o-nhiem-rac-thai-nhua-i726874/