Cầu nối 'ý Đảng, lòng dân' trong vùng đồng bào dân tộc Khmer

Không chỉ là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã biên giới Phú Lợi, huyện Giang Thành, ông Tiên Lây còn được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2027. Những năm qua, ông Tiên Lây rất tích cực và có nhiều đóng góp vào việc xây dựng quê hương, vận động nhân dân giữ gìn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì lẽ đó, ông luôn được chính quyền địa phương tín nhiệm, bà con tin yêu, quý trọng.

Ông Tiên Lây (bên phải) cùng với Đại đức En Thunh và cán bộ Biên phòng trao đổi việc giữ gìn an ninh trật tự phum, ấp. Ảnh: TV

Tích cực tham gia công tác xã hội

Đang bận bịu với "hàng núi" công việc cuối năm 2023 và chuẩn bị cho việc đón Xuân mới Giáp Thìn 2024, nhưng khi được sự giới thiệu của Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ (BĐBP Kiên Giang), ông Tiên Lây đã thu xếp thời gian để tiếp đón các nhà báo. Câu chuyện giữa ông và chúng tôi liên tục bị gián đoạn bởi những cú điện thoại của bà con và các phật tử gọi tới. Người nhờ giải đáp vấn đề này, người thắc mắc vấn đề kia xoay quanh cuộc sống, quyền lợi của người dân vùng nông thôn. Sinh năm 1971, người dân tộc Khmer, ông Tiên Lây xuất thân là một nhà sư, từng là Đại đức, Trụ trì chùa Giồng Kè (xã Phú Lợi). Sau 30 năm tu luyện học giáo lý nhà Phật, học chữ, học nghề, ông xả giới, hoàn tục trở về cuộc sống đời thường.

Đại đức En Thunh, Trụ trì chùa Giồng Kè cho biết: Do có kiến thức về Phật giáo, nhiệt tình với công việc chung của phum, ấp, nên ông Tiên Lây đã kết hợp giữa giáo lý nhà Phật với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền, vận động đồng bào. Ông luôn gương mẫu và nhiệt tình đứng ra vận động phật tử, các vị sư, sãi tích cực duy trì và tham gia vào các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ; hướng cho con em trong phum, ấp hiểu thêm về văn hóa, tín ngưỡng, giáo lý nhà Phật, tạo ra các sân chơi, lễ hội truyền thống lành mạnh, bổ ích, an lành, tiết kiệm...

Để bà con địa phương có nơi hoạt động tín ngưỡng, duy trì các giá trị văn hóa của người Khmer, ông Tiên Lây đã đứng ra vận động các phật tử, mạnh thường quân đóng góp nguồn kinh phí để phụ vào xây cất chùa, nơi sinh hoạt cộng đồng, làm cầu, đường... Ông còn đi tìm các thợ xây có tay nghề, kinh nghiệm trong trang trí các họa tiết chùa chiền, nhờ họ đến tiếp giúp chùa với giá công thợ rẻ. Cứ như vậy mỗi ngày làm một phần việc, qua thời gian, các ngôi chùa trên địa bàn dần đã trang nghiêm, sạch, đẹp. Cùng với đó, ông Tiên Lây luôn tích cực đứng ra vận động bà con, phật tử tham gia vào các phong trào xóa đói, giảm nghèo, bài trừ tệ nạn xã hội, toàn dân giữ gìn an ninh phum, ấp. Từ đó, ông luôn được bà con tín đồ, phật tử tin yêu, quý trọng, chính quyền địa phương tín nhiệm.

Với những đóng góp của mình, năm 2018, ông Tiên Lây vinh dự được chọn ra Hà Nội dự lễ tôn vinh “Điểm tựa của bản, làng”. Ông phấn khởi nói: “Nhờ dịp đó nên mình vinh dự được chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu khắp mọi miền đất nước”.

Phát huy tốt vai trò của người có uy tín

Phú Lợi là xã biên giới với hơn 5.500 người (trong đó có trên 45% là đồng bào Khmer). Tuy là xã nghèo của huyện Giang Thành nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, cơ sở hạ tầng ở xã cơ bản đã hoàn thành, nhất là đường giao thông đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, địa lý nên Phú Lợi vẫn còn nhiều hộ nghèo, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều. Với vai trò là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Tiên Lây đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chung sức xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, xã hội. Từ đó, đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy nền kinh tế, giúp cho xã biên giới Phú Lợi ngày càng thêm khởi sắc, đi lên...

Ông Tiên Lây phát biểu trong một buổi làm việc về phối hợp tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc cùng với lực lượng BĐBP và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Lợi. Ảnh: TV

Chính nhờ có hiểu biết, gắn liền giữa Phật pháp với cuộc sống nên qua công tác tuyên truyền, ông Tiên Lây đã từng bước giúp cho người dân hiểu hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của bà con. Từ đó, bà con đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính bản thân, gia đình, có nhiều nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Ông Lê Minh Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lợi cho biết: "Vốn là người có kiến thức sâu rộng, sống có ý thức cao và trách nhiệm với cộng đồng, tiếng nói của ông Tiên Lây ngày càng có tính thuyết phục cao. Nhờ đó, ông đã truyền tải được nhiều kiến thức pháp luật, các quy định của địa phương đến với bà con trên địa bàn. Ông chính là người cao tuổi, có trách nhiệm, góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng quê hương, chung tay vận động đồng bào chấp hành pháp luật, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”...

Theo Trung tá Danh Tâm, ngoài cương vị là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Phú Lợi, ông Tiên Lây còn phát huy vai trò của người có uy tín, tích cực tham gia vào các phong trào do địa phương và đồn Biên phòng phát động. Ông luôn đồng hành cùng Đồn Biên phòng Phú Mỹ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, các quy định về ra vào khu vực biên giới, chống xuất, nhập cảnh trái phép, vận động bà con tích cực tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc.

“Là người có kiến thức và vốn sống phong phú, có uy tín trong vùng đồng bào nên mỗi khi cần tổ chức các đợt tuyên truyền, chúng tôi đều nhờ tiếng nói của ông để mời bà con tham gia. Ông còn là cầu nối, người hỗ trợ đơn vị trong việc phiên dịch, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của bà con đến với chúng tôi và ngược lại”... - Trung tá Danh Tâm chia sẻ.

Yến Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cau-noi-quoty-dang-long-danquot-trong-vung-dong-bao-dan-toc-khmer-post470663.html